Đọc sách cùng con là điều đơn giản bạn có thể làm để trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ và giao tiếp. Đôi khi nó còn hiệu quả hơn việc bỏ tiền ra cho con học những lớp giao tiếp hay rầy la hàng giờ vì trẻ mê game hơn mê sách.
Để thực sự hiệu quả, việc đọc sách này cần được kéo dài từ khi trẻ còn rất nhỏ cho đến nhiều năm sau khi bé đã có thể đọc thành thạo.
Nghiên cứu mới đây do Tiến sĩ Margaret Kristin Merga (Đại học Murdoch, Úc) thực hiện, dựa trên 997 đối tượng khảo sát là trẻ lớp 4 và lớp 6 thuộc 24 trường học, cho thấy gần 3/5 các trẻ không được đọc sách cùng cha mẹ ở nhà.
Một số bé có được cha mẹ đọc cho nghe thuở nhỏ nhưng “chương trình yêu thích” này đã ngưng khi trẻ biết đọc.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Australian Journal of Education, chỉ ra nhiều lợi ích bất ngờ của các buổi đọc sách gia đình. Không chỉ là một hình thức giải trí thú vị với trẻ, việc “đọc cùng nhau” kích hoạt mạnh mẽ các vùng não liên quan đến khả năng tường thuật và tư duy hình tượng.
Hoạt động này cũng bồi dưỡng cho trẻ kỹ năng nghe, đánh vần, đọc và hiểu từ vựng, mở rộng vốn từ, cải thiện khả năng phát âm. Ngoài ra, thói quen thú vị này có thể cho con bạn thói quen và niềm đam mê với sách suốt đời!
Việc đọc sách cùng nhau có thể diễn ra đa dạng: bạn đọc cho trẻ nghe, đôi khi trẻ lại đọc cho bạn và các anh chị em nghe nếu đã biết đọc. Những trẻ có kinh nghiệm đọc sách cho gia đình mình thường không gặp phải loại khó khăn gặp ở nhiều trẻ và cả người lớn: cảm giác run rẩy khi phải đọc, nói trước đám đông.
Buổi đọc sách gia đình là cơ hội tuyệt vời để trẻ xây dựng sự tự tin khi nói trước công chúng và rèn luyện các kỹ năng diễn thuyết, thu hút thính giả.
Một vài trẻ khác thì chia sẻ trong những năm đầu đi học, khi còn được nghe sách, trẻ học rất dễ các môn về ngôn ngữ. Đến khi cha mẹ dừng đọc sách, trẻ rất hụt hẫng vì mất lợi thế về cải thiện phát âm và ngôn ngữ, khiến các môn học ở trường trở nên khó khăn hơn.
Vì thế, Tiến sĩ Merga khuyên phụ huynh nên cố gắng duy trì việc đọc sách cùng con càng lâu càng tốt, cho dù trẻ đã có thể tự đọc trôi chảy.
A. Thư (Theo Conversation, Australian Journal of Education)