Sau 1 ngày tranh tài sôi nổi, chiều 8.10.2017, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3 do Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời và Trung tâm BSA phối hợp tổ chức đã xác định thêm 5 dự án cuối cùng vào vòng chung kết, sẽ diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 27 & 28.10 tới. 3/5 dự án này do thanh niên các dân tộc thiểu số ở Sơn La, Hà Giang và Bắc Kạn làm chủ…
Tham gia vòng bán kết 3, có 15 dự án đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành miền núi phía Bắc tham gia. Trong đó, Bắc Kạn là địa phương có số dự án tham gia đông nhất với 6 dự án, Hà Nội đóng góp 4 dự án.
Nếu như tại vòng bán kết 3, các dự án ở đồng bằng như Hà Nội, Hải Phòng bị thất thế do chưa tạo được ấn tượng, tính khả thi chưa rõ ràng, cần phải điều chỉnh về cả sản xuất, kinh doanh thì các dự án đến từ các tỉnh miền núi lại tạo được sự yên tâm, tin tưởng của các thành viên Ban giám khảo.
Lý Tà Giàng từ tỉnh Hà Giang mạnh về các sản phẩm dược liệu, hỗ trợ tốt cho sức khoẻ con người. Sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa, do chính những dân bản thu gom, chiết xuất. Dự án Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại “Cổng trời” Quản Bạ của Giàng tập trung sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc như thổ cẩm, tinh dầu, các loại thảo dược, thuốc tắm, các loại cao Atiso rừng, cao gừng… Đặc biệt, dự án của thanh niên này hoạt động dựa trên sự kết hợp của 4 dân tộc là Tày, Dao, Nùng, Mông thông qua 5 HTX, hoạt động bài bản, có tổ chức.
Trong khi đó, Vừ A Ly, thanh niên dân tộc Mông ở Sơn La mang đến cuộc thi dự án “H’mong Home” với các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến văn hoá, nông sản của cộng đồng dân tộc Hmong. Các sản phẩm tiêu biểu gồm Rượu ngô men lá, Thổ cẩm lanh, Trang phục ( áo váy), Rau cải mèo, Gà đen Hmong, Lợn đen Hmong… Vừ A Ly chia sẻ rằng các loại cây trồng, vật nuôi của bà con người H’Mong khá phong phú, ăn không hết nên mình phải tìm cách để hỗ trợ họ. Điểm mạnh của những sản phẩm này chính là được nhiều người ở dưới miền xuôi biết đến và ưa thích. Việc tạo ra dự án ngoài việc tạo công ăn việc làm cho mình, cho bạn bè còn giải quyết được vấn đề kinh tế cho đồng bào dân tộc của mình.
Hà Huy Tuấn, tỉnh Bắc Kạn trình bày dự án “Sản xuất, kinh doanh mật ong bản địa” đã thu hút được sự quan tâm của ban giám khảo. Ong được nuôi theo hướng tự nhiên nên chất lượng mật khá tốt, an toàn. Không chỉ sản xuất mật ong, Tuấn còn liên kết, tập hợp 34 đoàn viên, thanh niên tại xã Na Rì, cùng xây dựng dự án theo định hướng thị trường, áp dụng mô hình hoạt động HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX còn hỗ trợ nhau trong việc phát triển nhiều sản phẩm khác như nấm Linh Chi, khai thác các loại rau rừng có tình dược liệu cao hay sản phẩm chế biến từ cây dong rừng…
Kết thúc vòng bán kết 3, ban tổ chức đã chọn ra được 5/15 dự án đi tiếp vào vòng thi cuối cùng. Đó là các dự án:
Số tt | Tên dự án | Chủ dự án | Địa phương |
1 | Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân | Nguyễn Văn Tuấn | Bắc Kạn |
2 | HTX Hương rừng (SX&KD mật ong bản địa) | Hà Huy Tuấn | Bắc Kạn |
3 | Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ | Lý Tà Giàng | Hà Giang |
4 | Dự án H’Mong Hom | Vừ A Ly | Sơn La |
5 | Vườn sinh thái Ngọc Trà | Nguyễn Thị Bích Ngọc | Thái Nguyên |
Như vậy, kết thúc vòng bán kết, cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3, năm 2017 đã xác định được 30 dự án xuất sắc đến từ 16 tỉnh, thành sẽ tham gia vòng chung kết, diễn ra trong 2 ngày 27 & 28.10 tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), TP.HCM.
30 dự án góp mặt tại Chung kết:
Số tt | Tên dự án | Chủ dự án | Địa phương |
1 | Xây dựng Nhà truyên thống người Chăm | Trương Ngọc Thuỳ An | An Giang |
2 | SX Chế Phẩm Vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh | Trần Phúc Hậu | Bến Tre |
3 | Nhang sinh học có tác dụng xua muỗi | Lê Duy Hậu | Bến Tre |
4 | Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp | Võ Nguyễn Công Sơn | Đồng Tháp |
5 | Mật Ong Hương Tràm | Trần Thành Long | Đồng Tháp |
6 | Dưa Cây Sen | Nguyễn Thị Cẩm Sương | Đồng Tháp |
7 | Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ Ếch | Nguyễn Văn Nữa | Đồng Tháp |
8 | Mô hình trồng nấm bền vững – Hương hoa đất | Trần Phong Nhã | Đồng Tháp |
9 | Sản xuất củ âu tươi tách võ | Nguyễn Anh Thy | Đồng Tháp |
10 | Trồng cây tầm bóp thương phẩm | Bùi Thị Nga | Lâm Đồng |
11 | Nuôi cá trồng rau | Dương Minh Trung | Sóc Trăng |
12 | Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau | Phạm Xuân Thành | Cà Mau |
13 | Gốm Chăm Handmade | Nguyễn Xuân Huy | Ninh Thuận |
14 | Màng bảo quản nông sản sau thu hoạch Bio Chitosan | Trần Lê Anh Khoa | TP.HCM |
15 | Sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học – phân bón hữu cơ vi sinh: Dịch trùn vi sinh | Lê Huỳnh Phong | Đồng Tháp |
16 | Đa Dạng và quảng bá sản phẩm tiêu rừng | Huỳnh Xuân Lý | Kon Tum |
17 | Hệ sinh thái I AM V | Cty TNHH SX TM Tôi là V
(I AM V) |
TP.HCM |
18 | Mô hình Farm nuôi heo bản địa của tổ hợp tác xã chăn nuôi Koho | K’Brooke | Lâm Đồng |
19 | Vườn Ươm sinh thái tự dưỡng chuyên biệt | Lê Hoàng Long | Kiên Giang |
20 | Phát triển giống Gà Rừng Phú Quốc | Trần Thị Hữu Hạnh | Kiên Giang |
21 | Gia vị nấu bún bò | Nguyễn Tấn Tôn Thất Tử Mỹ | Thừa Thiên Huế |
22 | Dự án sản xuất than không khói | Công ty cổ phần khoa học công nghệ R2D | TP.HCM |
23 | Hồ tiêu ngũ sắc | Lại Thị Bích | Gia Lai |
24 | Nước thảo mộc Golden Drinks | Cty TNHH SX TM Thực phẩm T&M | TP.HCM |
25 | Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nấm linh chi | Nguyễn Thị Hiếu | TP.HCM |
26 | Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân | Nguyễn Văn Tuấn | Bắc Kạn |
27 | HTX Hương rừng (SX&KD mật ong bản địa) | Hà Huy Tuấn | Bắc Kạn |
28 | Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ | Lý Tà Giàng | Hà Giang |
29 | Dự án H’Mong Hom | Vừ A Ly | Sơn La |
30 | Vườn sinh thái Ngọc Trà | Nguyễn Thị Bích Ngọc | Thái Nguyên |
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3, năm 2017” do Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời, Trung tâm BSA cùng các đối tác chiến lược phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm.
Cơ cấu giải thưởng như sau: Gồm 01 giải nhất: 50 triệu đồng; 02 giải nhì: 20 triệu đồng/giải; 01 giải ba: 15 triệu đồng và 04 giải Khuyến khích 10 triệu đồng/giải và nhiều giải thưởng phụ do doanh nghiệp trao tặng tại buổi trao giải Chung kết. Đặc biệt, ngôi quán quân và 2 giải nhì sẽ nhận được chuyến tập huấn, tham quan mô hình mỗi làng 1 sản phẩm (OTOP) ở Thái Lan.
Bài & ảnh: Anh Tuấn