Đọc sách không chỉ dừng lại ở việc biết đọc chữ, đặc biệt khi bạn đọc với mục đích phân tích nội dung cho một môn học.
Bài viết wikiHow dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số mẹo đọc sách, bao gồm cả mẹo đọc giáo trình.
1. Các bước cơ bản
Chọn sách.
Nếu đọc sách để giải trí, bạn nên tìm một cuốn sách hư cấu (fiction) hoặc phi hư cấu (non-fiction) nổi tiếng. Có hàng triệu những đầu sách như vậy, do đó bạn có thể gặp khó khăn khi chọn một cuốn phù hợp. Hãy bắt đầu bằng cách suy nghĩ về sở thích của bản thân cũng như những nội dung mà bạn không muốn đọc. Luôn nhớ rằng có hàng ngàn loại sách khác nhau mà bạn có thể lựa chọn: những cuốn truyện phản địa đàng (dystopia) như The Hunger Games của Suzanne Collins, hiện thực (realistic fiction) như Perfect của Natasha Friend, huyễn tưởng (fantasy) như The Land of Stories của Chris Colfer, hư cấu lịch sử (historical fiction) như Dragonwings của Laurence cùng vô vàn thể loại khác.
Hiểu rõ “gu” đọc sách của bản thân sẽ giúp bạn tìm được một cuốn sách mà mình thích. Một cuốn sách được người khác khen hay không có nghĩa là bạn cũng sẽ yêu thích cuốn đó. Có người thích đọc tiểu thuyết huyễn tưởng, có người lại ghét thể loại này. Hãy suy nghĩ về trải nghiệm mà bạn muốn có khi đọc sách. Một chuyến phiêu lưu kỳ thú? Não bộ được khám phá những ý tưởng mới lạ? Hành trình của cảm xúc qua cuộc đời của những nhân vật chân thực? Bạn muốn độ dài cuốn sách ra sao? Mức độ thử thách của cuốn sách? Bạn muốn cuốn sách ủng hộ hoặc tránh nhắc tới những quan điểm cụ thể nào? Khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ thu hẹp được phạm vi tìm kiếm những đầu sách phù hợp.
Phạm vi những cuốn sách phi hư cấu sẽ dễ thu hẹp hơn sách viễn tưởng. Hầu hết các cuốn sách phi hư cấu nổi tiếng là sách lịch sử hoặc tiểu sử danh nhân. Bạn muốn biết rõ hơn về một danh nhân nào đó? Bạn muốn biết nhiều hơn về một đất nước, một vùng đất, một cuộc chiến hay một sự kiện lịch sử? Bạn muốn biết nhiều hơn về các đại dương, khủng long, hải tặc hoặc ảo thuật sân khấu? Sẽ luôn có những cuốn sách phi hư cấu tương ứng với mỗi chủ đề mà bạn có thể nghĩ tới.
Thậm chí ngay cả khi tìm được một cuốn sách phi hư cấu với chủ đề mà mình yêu thích, chưa chắc bạn sẽ có hứng thú với cuốn đó. Có nhiều cuốn sách hay và thú vị, những cuốn khác lại dở tệ và tẻ nhạt. Khi bắt gặp một cuốn sách như vậy, hãy đọc qua vài trang đầu để xem mình có thích phong cách của tác giả hay không. Nếu ngay từ trang đầu mà cuốn sách đó đã khó nhằn hay nhàm chán, có lẽ bạn sẽ chẳng thích hơn khi tiếp tục đọc đâu.
Tới thư viện.
Thư viện địa phương là địa điểm phù hợp để tìm chọn sách, bởi khi bắt gặp một cuốn sách thú vị, bạn không cần phải trả phí để được đọc. Trình bày với thủ thư về thể loại sách mà bạn yêu thích, sau đó nhờ họ chỉ dẫn vị trí của những cuốn sách phù hợp với sở thích.
Đừng đánh giá nội dung một cuốn sách qua tấm bìa. Tên sách và minh họa trang bìa có thể rất tẻ nhạt hoặc không hợp gu, nhưng nội dung bên trong lại có thể chứa đựng sự vui thú đầy lôi cuốn dành cho bạn. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng chuẩn xác, do vậy hãy biết chọn sách một cách thông minh! Bạn cũng nên lưu ý tới độ dày của cuốn sách. Trong trường hợp bạn muốn đọc trong thời gian ngắn, một cuốn sách to và nặng sẽ không phù hợp và ngược lại. Cuối cùng, khi mua sách cho người khác, hãy cân nhắc độ tuổi và sở thích của người đó. Ví dụ, nếu bạn mua sách cho trẻ em, những cuốn sách dành cho thanh niên (Young Adult) như “50 sắc thái” không phải lựa chọn lý tưởng đâu nhé.
Hỏi những người xung quanh. Bạn bè và người thân có thể giới thiệu sách cho bạn dựa trên sở thích của họ, hoặc những cuốn mà họ cho là bạn sẽ thích. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng một số người thích đọc truyện dài, số còn lại thì không. Ví dụ, nếu bạn yêu thích khoa học, hãy tìm kiếm những cuốn sách khoa học.
Xem trên mạng.
Internet tràn ngập những “mọt sách” luôn sẵn sàng chia sẻ ý kiến của mình về các đầu sách khác nhau. Hãy tìm một cộng đồng bàn luận về sách và tìm kiếm những chủ đề mà bạn thích, hoặc vào một trang bán lẻ trực tuyến để đọc phần nhận xét của khách hàng về những cuốn sách thú vị. Đây là những cách thức tuyệt vời để bạn nhanh chóng nắm được các tựa sách thịnh hành và được yêu thích nhất trong từng thể loại.
Tổ chức sự kiện nhóm.
Câu lạc bộ sách và những buổi đọc sách nhóm là cách thức thú vị để tiếp xúc với đầu sách mới.
Nhiều câu lạc bộ chỉ tập trung vào một thể loại sách nhất định như khoa học viễn tưởng hoặc tình cảm lãng mạn, số khác lại có phạm vi rộng hơn.
Tại Hoa Kỳ, những buổi đọc sách viễn tưởng diễn ra khá thường xuyên tại các hiệu sách độc lập.
Nhiều nhà văn viết sách phi hư cấu thi thoảng sẽ tổ chức những buổi đọc sách hoặc giảng bài miễn phí ở các trường đại học tại Hoa Kỳ. Hãy tới những sự kiện này để xem bạn có thích sách của họ không, đồng thời tìm hiểu thêm những nội dung mà bạn quan tâm. Một số cuốn sách thường mở đầu bằng một đoạn giải thích vắn tắt, vì vậy đừng nản lòng chỉ sau vài trang đầu. Bạn nên nhớ rằng mỗi câu chuyện đều ẩn chứa một bài học.
Lấy được cuốn sách mà bạn muốn đọc.
Có một vài cách để bạn thực hiện điều này:
Mượn sách của thư viện. Ưu điểm của cách này là miễn phí và dễ dàng. Nếu bạn chưa có thẻ thư viện, hãy tới thư viện để đăng ký làm thẻ.
Nhiều hệ thống thư viện cho phép bạn đặt trước sách qua mạng. Họ sẽ thông báo khi cuốn sách được trả lại thư viện để bạn qua lấy.
Lưu ý rằng nếu muốn đọc một cuốn sách nổi tiếng, bạn sẽ phải chờ đến hàng tuần hoặc hàng tháng để mượn sách.
Mua sách.
Qua hiệu sách hoặc sạp báo và mua sách để bạn có thể giữ bao lâu tùy thích. Ưu điểm của cách này là chỉ cần một chút công sức, bạn đã có thể tìm mua và đọc những cuốn sách đang nổi tiếng nhất trên thị trường; nhược điểm là bạn sẽ phải bỏ tiền mua sách.
Vì bạn phải bỏ tiền ra mua, hãy nhớ đọc thử vài trang đầu tại cửa hàng để xem liệu mình có thích phong cách viết của tác giả hay không.
Mượn sách.
Những người bạn hay người nhà giới thiệu sách cho bạn thường cũng có một cuốn của riêng họ. Họ sẽ sẵn lòng cho bạn mượn sách tới khi đọc xong.
Hãy bảo quản sách mượn cẩn thận, cố gắng đọc nhanh để bạn không quên mất là mình đã mượn sách, tránh trường hợp để mặc chúng bám bụi trên giá sách trong suốt năm sau.
Mua sách điện tử.
Với sự xuất hiện của điện thoại thông minh và thiết bị đọc sách cầm tay trong những năm gần đây, phiên bản điện tử của những cuốn sách in ngày càng trở nên phổ biến. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể mang cuốn sách theo mình tới mọi nơi trên điện thoại/kindle/tablet/iPod.
Chi phí cho sách điện tử thường thấp hơn một chút so với sách in, vì vậy bạn có thể tiết kiệm được một khoản nho nhỏ nếu đã sở hữu thiết bị đọc sách điện tử. Đừng mua những cuốn sách đồ sộ nếu bạn biết mình sẽ không đọc hết. Những ứng dụng đọc sách điện tử tốt bao gồm các ứng dụng của Kindle hoặc phiên bản mới của dòng sản phẩm iProduct, iBooks.
Tương tự sách in, bạn chỉ có thể giữ sách điện tử khi đã trả tiền để mua. Nhược điểm duy nhất là khác với sách in, bạn không thể bán chúng đi vì cuốn sách sẽ được cài đặt trên thiết bị.
Hãy nhớ rằng trong những chuyến đi dài ngày hoặc cắm trại, sách điện tử sẽ khó mang theo hơn sách in.
Đọc sách.
Tìm một nơi thoải mái để ngồi, đảm bảo có đủ ánh sáng và lật mở bìa sách. Bắt đầu đọc từ đầu sách – thường sẽ là chương đầu tiên, trừ khi cuốn sách có một số nội dung mở đầu. Đọc lần lượt từng trang cho tới khi hết sách. Bạn chỉ nên đọc phần nội dung cuối sách khi đã đọc hết các phần khác của cuốn sách.
Quyết định có nên đọc nội dung đầu sách hay không. Nội dung đầu sách là phần văn bản mở đầu cuốn sách mà không phải chương thứ nhất. Nội dung này bao gồm bốn loại cơ bản, mỗi loại có một mục đích khác nhau. Bạn có thể tự lựa chọn phần để đọc trong nội dung đầu sách. Bốn loại nội dung đầu sách bao gồm:
Lời cảm ơn: Một đoạn văn ngắn liệt kê những người đã giúp đỡ tác giả trong quá trình viết sách. Bạn có thể đọc phần lời cảm ơn nếu muốn, nhưng hầu hết mọi người thường không quan tâm đến mục này. Lời cảm ơn cũng thường xuất hiện ở phần cuối sách.
Lời đề tựa: Lời đề tựa sẽ do một nhà văn khác viết mà không phải tác giả cuốn sách, vì vậy phần này thường chỉ xuất hiện ở lần tái bản của những cuốn sách có tầm ảnh hưởng, ví dụ như một cuốn tiểu thuyết đã đạt giải hoặc một công trình nghiên cứu khoa học quan trọng. Lời đề tựa thường trình bày trước với độc giả về nội dung cuốn sách và lý do vì sao nên đọc cuốn sách đó.
Lời nói đầu: Lời nói đầu được chính tác giả viết. Phần này thường ngắn hơn lời đề tựa, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Về cơ bản, đây là một đoạn viết ngắn trình bày lý do và phương thức để tác giả viết nên cuốn sách. Nếu bạn quan tâm tới đời sống cá nhân hoặc quá trình sáng tạo của tác giả, lời nói đầu có thể cung cấp cho bạn một số thông tin quý giá.
Lời giới thiệu: Lời giới thiệu là phần tác giả trò chuyện trực tiếp với độc giả, giới thiệu cuốn sách, đề cập tới chủ ý của cuốn sách và khơi gợi hứng khởi ở độc giả trước khi bắt đầu đọc sách. Phần này thường có ở sách phi hư cấu hơn là sách hư cấu. Nếu không muốn biết trước một số thông tin được đề cập trong sách, hãy đọc phần giới thiệu của tác giả sau khi đọc xong toàn bộ nội dung sách.
Quyết định xem bạn có muốn đọc nội dung cuối sách hay không. Nội dung cuối sách bao gồm bài viết của nhiều tác giả khác xuất hiện sau phần chính của cuốn sách.
Nội dung cuối sách thường là tập hợp những bài viết ngắn hoặc bàn luận về tác phẩm, thường chỉ xuất hiện trong sách tái bản của một số tác phẩm nổi tiếng để sử dụng trong trường học, ví dụ như cuốn “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck.
Tương tự nội dung đầu sách, bạn có thể tùy ý đọc hoặc không đọc nội dung cuối sách.
Nếu bạn đặc biệt yêu thích một cuốn sách, nội dung cuối sách sẽ giúp bạn ôn lại một số đoạn trong tác phẩm. Khi chưa hiểu được tầm quan trọng của một cuốn sách, phần này có thể cung cấp cho bạn thông tin về bối cảnh văn hóa và lịch sử quan trọng liên quan đến tác phẩm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều bỏ qua nội dung cuối sách.
Đọc sách điều độ. Việc đọc một cuốn sách hay là trải nghiệm cuốn hút và khiến thời gian trôi qua rất nhanh. Bạn cần chuẩn bị sẵn một chiếc kẹp sách và nhớ đừng đọc sách liên tục quá lâu. (Hãy đặt giờ trên điện thoại hoặc đồng hồ nếu cần thiết.) Khi làm vậy, bạn sẽ được tận hưởng cuốn sách lâu hơn, đồng thời không bị chậm hạn cuối và không trốn tránh nhiệm vụ chỉ vì quá chú tâm đọc sách.
2. Đọc tuyển tập văn hoặc thơ
Đọc lướt phần mục lục và chỉ mục.
Đa số tuyển tập đều có mục lục rõ ràng giúp người đọc lật giở nhanh chóng tới một nội dung cụ thể nào đó. Một số cuốn còn có chỉ mục cuối sách, liệt kê từ khóa và thuật ngữ quan trọng cùng số trang tương ứng bên cạnh.
Cách thức hiệu quả để đọc tuyển tập văn thơ là lựa chọn một bài viết có tựa đề thú vị và đọc ngay bài đó thay vì đọc từ đầu sách. Bạn có thể đọc bài này trước và xem mình thấy sao, sau đó điều chỉnh cách thức tìm kiếm nội dung ưa thích, để lại các phần tẻ nhạt hoặc không mấy ấn tượng tới cuối cùng
Đọc không theo thứ tự.
Ngoại trừ những áng thơ có độ dài như một cuốn sách (ví dụ như Paterson của William Carlos Williams hoặc Iliad của Homer), bạn có thể đọc hầu hết các tuyển tập văn thơ theo thứ tự tùy thích. Đọc lướt qua cuốn sách, dừng lại ở bất kỳ trang nào chứa nội dung thu hút bạn.
Trải nghiệm việc đọc theo cách của riêng bạn.
Đọc sách theo ý thích thay vì đơn thuần đọc sao cho hết cả cuốn sách. Bạn sẽ thấy việc đọc sách luôn tươi mới và tràn đầy niềm vui, thay vì cảm giác phải lê lết qua những trang sách vô vị và chờ đợi phần hay mãi sau mới tới.
Luôn giữ tập trung.
Khi đã quen dần với giọng văn trong cuốn sách, các chi tiết trước đây dường như nhàm chán sẽ dần trở nên thú vị, và bạn sẽ luôn khám phá được những điều mới mẻ.
Đọc sách một cách tương tác.
Hãy sống trên từng trang sách, biến chúng thành một phần cuộc sống bằng cách nhấn mạnh nội dung mà bạn yêu thích. Bạn sẽ tận hưởng việc đọc hơn rất nhiều so với khi phân tích cuốn sách một cách khô khan hoặc chỉ cố đọc hết một lượt.
Theo dõi những nội dung mà bạn đã đọc.
Viết lại số trang hoặc tên tác giả liên quan đến nội dung bạn yêu thích để dễ dàng xem lại sau này.
Dùng bút chì.
Nếu cuốn sách là của bạn, hãy dùng bút chì đánh dấu nhẹ những câu từ thu hút sự chú ý của bạn.
3. Đọc giáo trình
Ghi chú.
Bạn có thể đọc giáo trình để giải trí, nhưng việc này hiếm khi xảy ra. Đa phần mọi người đọc giáo trình để lấy thông tin, và giáo trình chính là nguồn thông tin tuyệt vời với nội dung tập trung, được sắp xếp rõ ràng và bao trùm nhiều chủ đề. Để đạt hiệu quả tối đa khi đọc giáo trình, bạn cần để sẵn bên cạnh một tập giấy nhớ.
Tạo dựng thói quen.
Đọc lần lượt từng đoạn văn, dừng sau mỗi đoạn và ghi lại nội dung từng đoạn. Bạn chỉ nên tóm tắt bằng một vài câu văn hoặc cụm từ.
Đọc lại những gì mình đã ghi chép.
Sau mỗi lần đọc, bạn sẽ có một bản ghi tất cả những thông tin cần thiết. Hãy đọc lại để đảm bảo mình hiểu được bản ghi đó.
Đọc theo từng chương.
Trong phần lớn trường hợp, bạn không cần thiết phải đọc toàn bộ giáo trình từ đầu đến cuối, nhưng cũng không nên nhảy cóc từ phần này sang phần kia. Mỗi khi được yêu cầu đọc nội dung nào đó trong một chương sách, hãy cố gắng đọc hết cả chương.
Hiểu sâu hơn về nội dung cần đọc.
Đọc cả chương sách một lần theo trình tự sẽ giúp bạn đặt thông tin vào bối cảnh rõ ràng, nội dung cần đọc sẽ trở nên dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Chỉ cần đọc lướt sau khi hoàn thành một chương.
Bạn không cần đọc lại toàn bộ chương sách nếu đã đọc hết một lần, chỉ cần đọc có chọn lọc một số đoạn theo nhu cầu.
Hãy kiên trì.
Nhiều khả năng bạn chỉ đọc giáo trình khi đang cố qua môn. Giáo trình thường dày đặc thông tin và cần nhiều thời gian nghiền ngẫm, do vậy bạn nên bắt đầu đọc sớm và duy trì tiến độ ổn định sau mỗi lần đọc.
Sắp xếp ngày đọc sách.
Sắp xếp lịch trình thường xuyên một vài ngày mỗi tuần để đọc giáo trình, việc đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với nhồi nhét toàn bộ kiến thức trước ngày thi.