Chuyện của CHÂU – Họa sĩ “cầm” cọ bằng miệng và đi bằng đầu gối

0

Lê Minh Châu là nạn nhân của chất độc màu da cam dioxin, được sinh ra tại Đồng Nai trong một gia đình chỉ có mình anh là người khuyết tật. Do dị tật bẩm sinh, Châu phải tập đi bằng đầu gối.

Càng ngày, các cơ càng teo hơn, không thể cầm nắm được bất cứ thứ gì, anh chỉ còn dáng vóc của một cậu bé và mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày của anh chủ yếu là dùng miệng.

Sau khi tham gia một lớp học vẽ tại trung tâm đào tạo nghề, Châu đã quyết tâm theo đuổi đam mê, sử dụng miệng để “cầm” cọ.

“Tôi liều mình mượn người bạn một triệu rưỡi để mở phòng tranh ở quận 7. Số tiền đó với tôi khá lớn. Được hai ngày, một người Canada đi qua vô tình thấy tôi đang ngồi vẽ tranh bằng miệng, ông ta ghé vào phòng tranh và mua bức tranh vẽ phong cảnh Bạc Liêu với giá 150USD. Đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được.” – Châu chia sẻ.

Tuy có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng Châu là người lạc quan. Anh kiếm tiền bằng cách dạy học và vẽ biểu diễn tại một số địa điểm. Châu là người Việt Nam đầu tiên nhiễm chất độc màu da cam tham gia kỳ họp thứ 9 về “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York (Mỹ).

“Từ đó cứ dần dần vừa vẽ tranh, vừa dạy học trò để kiếm sống. Tôi luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt trong sáng tạo, vì chỉ có như thế mới đủ trang trải cho việc thuê nhà…”

“Cứ mỗi lần vẽ quá hăng say tôi lại bị tai nạn uống nhầm dầu, hoặc gãy cọ, hoặc gãy răng.”

Là người bị nhiễm chất độc da cam khiến cơ thể bị biến dạng nhưng anh luôn có ý thức tự lập, không muốn nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai và không tự ti.

“Chính hội họa đã mang lại cho tôi một cuộc sống đúng nghĩa nhất, để tôi được làm điều mình khao khát.”

Tuy có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng Châu là người lạc quan

Bức tranh đầu tiên mà họa sĩ Lê Minh Châu đặt bút vẽ là một bàn tay được bao bọc bởi những ánh hào quang và đó là bức tranh mà anh quý nhất. “Vì mình khác người, tay chân mình không sử dụng được như người khác nên luôn ao ước có bàn tay vững chắc và khéo léo để có thể vẽ như bao họa sĩ khác”.

Và bằng tất cả sự cố gắng, nghị lực sống phi thường, họa sĩ Lê Minh Châu cũng đã có một số thành công nhất định. Với anh, thành công lớn nhất là có một phòng tranh đủ để giúp mình hòa nhập được với xã hội.

Bài & Ảnh: Sơn Tùng- Đồ họa: t.z.H – Lao Động Technologies @2017

“Tất cả mọi việc, nếu suy nghĩ rằng không thể thì không thực hiện được việc gì cả. Chỉ có người suy nghĩ là có thể, nỗ lực thực hiện mới làm cho sự việc trở thành có thể.”
– Trích sách “Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách”

Leave A Reply