Đôi tay ấy từng lấm lem vữa, bùn, xi măng và cát. Đôi tay ấy từng bấm bụng thật chặt qua cơn đói từng bữa ăn. Đôi tay ấy từng gạt đi hai dòng nước mắt vì nghịch cảnh số phận. Và đôi tay ấy đưa U23 Việt Nam đi từ ngưỡng cửa lịch sử này đến đỉnh cao lịch sử khác. Đôi tay ấy là của Bùi Tiến Dũng, là một, là riêng, là duy nhất…

Tiến Dũng! Không vàoooooo! Bình luận viên truyền hình 2 lần lạc giọng sau những tình huống không thể tin nổi xảy ra truớc tầm mắt. Anh là người duy nhất trong đội hình của U23 Việt Nam mà hai tiếng “Không vào!” có giá trị lớn chẳng khác nào một bàn thắng, thậm chí là cả một chiến thắng cho đội nhà.

Câu chuyện cổ tích dành cho U23 Việt Nam hết qua chương hào hùng này lại tới chương lẫy lừng khác. Chiến thắng sau loạt luân lưu nghẹt thở trước U23 Qatar đưa niềm tự hào của Đông Nam Á vào tới trận chung kết châu lục. Và với riêng Bùi Tiến Dũng, hai lần thành người hùng sau những màn đấu súng trước Iraq và Qatar như một sự chiều lòng của số phận, sau quá khứ cơ cực, khó khăn và nhiều nước mắt.

Làng Bào, xã Ngọc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, thành phố Thanh Hóa là nơi Tiến Dũng cùng em trai Tiến Dụng sinh ra và lớn lên. Tiến Dũng là con thứ hai trong gia đình 3 chị em dân tộc Mường. Nhà Dũng nghèo. Bố mẹ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tuổi thơ em gắn với bờ tre, gốc rạ, với những củ sắn, củ khoai trở thành bữa ăn quen thuộc từng ngày, từng tháng.

Tiến Dũng và em trai Tiến Dụng thích bóng đá. Nhưng nhà lấy đâu ra điều kiện để mua cho hai anh em dù chỉ là một trái bóng nhựa. Dũng – Dụng lấy lá chuối, giấy vụn cuộn tròn lại để chơi. Hoặc may mắn hơn là chờ những quả bưởi hỏng sau nhà rụng để cùng nhau vui đùa.  Cái thời đó, cái tủ kính ở nhà thay kính đến 3 lần! Sợ bố mẹ đánh, Dũng chui xuống gầm giường trốn, còn em Dụng cứ “hiên ngang” vì phận làm em lắm khi sung sướng hơn phận làm anh.

Khi về tới nhà thấy vắng “thằng anh”, cô Điều “chất vấn” Dụng: “Em ơi, anh đâu rồi?”.

Cậu bé Dụng lém lỉnh, cả gan nói dối mẹ: “Anh đi chơi chưa về, chắc đi đá bóng cùng bạn”.

Đến lúc ăn cơm tối, cô Điều lại lo lắng: “Anh ở đâu gọi anh về ăn cơm chứ con. Bố mẹ không mắng đâu, kính vỡ rồi thì kệ chứ đánh các con nó cũng đâu lành lại được. Thôi các con về ăn cơm đi!”.

Thế là Dũng từ gầm giường bò ra, quần áo bám bụi bẩn hết.

Đến năm lớp 7, trung tâm huấn luyện dưới huyện Thường Xuân chiêu sinh, Dũng và Dụng  xin bố mẹ cho đi thi tuyển. Nhưng nhà đã nghèo sẵn, giờ mỗi tháng lại phải chu cấp cho mỗi đứa 600.000 đồng, chú Khánh cô Điều nghĩ thì thương con nhưng thật chẳng biết xoay sở như nào nữa.

Ông Bùi Văn Nguyệt, chú ruột của Tiến Dũng kể lại: “Dù nhà rất nghèo nhưng thấy các cháu đam mê, gia đình đã cố gửi các cháu sang luyện tập ở huyện Thuờng Xuân”.

Hàng tháng, bố mẹ cố gắng làm lụng gửi tiền sang cho 2 con. Thế nhưng giấc mơ bóng đá đã không suôn sẻ với cả hai anh em. Trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân phá sản, ngừng hoạt động. Cả hai rầu rĩ trở về quê huơng. “Các cháu không còn được đi luyện tập thường xuyên nữa. Cùng lắm thì thi thoảng tham gia các đội bóng phủi của huyện”, ông Nguyệt buồn bã kể lại.

May mắn sau đó đã mỉm cười nhưng chỉ là với cậu em trai Tiến Dụng. Tình cờ, Tiến Dũng đọc được bản tin lò PVF tuyển sinh lứa 1998 tại Thanh Hóa.  Đúng lúc đó, tình cờ Dũng đọc được trên mạng tin PVF Hồ Chí Minh tuyển sinh lứa 1998 tại Thanh Hóa. Nếu được tuyển, mọi chi phí ăn ở sẽ được lò đào tạo chi trả, gánh bớt nhọc nhằn cho bố mẹ ở quê. Thế nhưng, vì thương con chú Khánh khi đó sụt sùi nói với 2 anh em: “Bây giờ các con ở gần đây, bố còn lo được. Chứ ở tận trong đó tụi con còn nhỏ nữa thì bố mẹ biết đường đâu mà đi. Chịu khó ở đây đi con, rồi thành tài cả”.

Dũng không nghe lời, “xui” em Dụng trốn về “đầu quân” cho PVF: “Nhà mình khó khăn lắm, phải nộp tiền ăn uống hàng tháng. Không được đâu bố à, cho em về thi tuyển, còn con ở đây”.

Vượt qua hàng loạt ứng viên, Dụng xuất sắc giành suất vào Nam. Nếu như người ta phải đá tới 5 lần để đánh giá, thì riêng Dụng chỉ cần 2 quả đã nhận được cú gật đầu quý báu của huấn luyện viên. Sợ em trai nghĩ ngợi, Tiến Dũng vỗ vai: “Em yên tâm tập luyện. Việc nhà cửa, đồng áng, chăm sóc bố mẹ cứ để anh lo”.

Vài tháng sau, trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân ngừng hoạt động, Dũng về nhà giúp bố mẹ. Đến cái nước này, cô Điều đã nghĩ tới viễn cảnh cậu con trai vốn yêu bóng đá mê mệt sẽ nói lời từ biệt sân cỏ. Quả đúng như vậy, Dũng thưa chuyện với mẹ: “Bố mẹ khó khăn quá thì con ở nhà giúp đỡ bố mẹ, con tìm nghề khác con làm cho bố mẹ đỡ vất vả”.

Nghe con thưa chuyện, cô Điều khóc thương: “Con ơi, bố mẹ thì vất vả thật đấy nhưng vẫn còn sức khỏe. Các con đam mê cứ theo đuổi sự nghiệp đi!”.

Nhưng rồi suốt hơn 1 năm trời, Dũng không còn nghĩ nhiều đến bóng đá. Cậu ở nhà làm phụ hồ, làm đủ thứ việc linh tinh nếu có ai thuê. Có lần đi thử việc ở Thanh Hóa, trong người Dũng chỉ có 50.000 đồng. Thương con mà nhà lại nghèo quá, còn mỗi 200.000 đồng, cô Điều thủ thỉ bảo Dũng cầm tiền đi đường mà uống nước. Tuy nhiên, khi đặt chân đến trung tâm Thanh Hóa, Dũng gọi một cuộc điện thoại về cho mẹ.

“Mẹ ơi, mẹ cho con 200.000 đồng nhưng con đút lại vào túi áo của mẹ trong buồng rồi. Bố mẹ lấy tiền mà mua thức ăn. Con đủ tiền xe là được rồi!”.

Và cô Điều lại khóc, nước mắt chảy lưng tròng nghĩ tới đứa con trai một mực lo cho bố mẹ.

Suốt hơn 1 năm trời, Tiến Dũng không còn nghĩ nhiều đến bóng đá. Cuộc sống của anh quanh quẩn với ruộng đồng, với những ngày tháng làm phụ hồ, trát vữa, trộn bê tông. Đôi tay Dũng chai sần cứng ngắc. Từng ngón tay sun lại, thô ráp và sần sùi vì nước, hoá chất, cát và xi măng. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Dũng không hối hận. Bởi có đi làm thuê như thế, anh mới kiếm được tiền để đỡ đần bố mẹ khi khốn khó.

Đã có lúc, Tiến Dũng nghĩ rằng cuộc đời của anh sẽ gắn bó với xi măng, gạch vữa và những buổi cuốc muớn làm thuê. Thật may. Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. HLV Nguyễn Thành Dũng đưa Tiến Dũng về đội trẻ Thanh Hoá. Thời điểm đó, bóng đá trẻ xứ Thanh chìm trong khó khăn.

Mâm cơm của những chàng trai đang tuổi ăn, tuổi lớn chỉ độc một đĩa thịt lợn mỡ và chút ít canh, rau cho đủ bữa qua ngày. Tiến Dũng cùng những đồng đội thuở ấy phải chia nhau từng muôi cơm, miếng thịt. Những buổi sáng đi học văn hoá, anh chỉ có nắm xôi tí hon ăn cho đỡ nóng ruột. Thậm chí có hôm, Dũng phải bấm chặt bụng nhịn đói. Bóng đá trở lại với Tiến Dũng chẳng dễ dàng. Nhưng anh chẳng bao giờ trách rằng mình cơ cực đến vậy. Với Tiến Dũng, được đá bóng đã là điều may mắn, được ăn thịt, dù là thịt mỡ cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Miệt mài tập luyện trong khung gỗ, Tiến Dũng được HLV Hoàng Anh Tuấn trao cơ hội triệu tập vào đội U21 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu Nations Cup tại Malaysia vào tháng 6/2016. Anh không phải là sự ưu tiên số 1, thậm chí là đứng thứ 4 trong số 4 người gác gôn của đội bóng. Khi ấy, Tiến Dũng chẳng bao giờ dám mơ mộng, rằng đến một ngày mình được đứng trong khung gỗ đội nhà. “Được một lần nữa tập luyện cùng em trai, lại trong màu áo đội tuyển trẻ quốc gia đã là điều tuyệt vời. Còn mọi thứ, em chỉ biết cố gắng hết mình thôi”.

Tiến Dũng miệt mài, chăm chỉ rèn luyện trên sân. Anh kiên trì, không tự ái, chịu thuơng chịu khó với ý chí phấn đấu cao ngùn ngụt. Anh từng bước khẳng định được mình qua những trận đá tập nội bộ trước mắt các thầy của đội bóng.

Tiến Dũng sau đó vượt qua Sỹ Huy, Thanh Tuấn để trở thành thủ môn số 1 của U19 Việt Nam. VCK 19 châu Á 2016, sự xuất sắc đến mức khó tin của anh chàng gác gôn dân tộc Mường giúp U19 Việt Nam tạo nên cơn địa chấn tại Bahrain. Tấm vé dự VCK U20 World Cup 2017 vẫy gọi Tiến Dũng, Tiến Dụng. Hai anh em đứng trước cơ hội đuợc cùng nhau sát cánh tại một giải đấu lớn mà cả hai thậm chí chưa từng mơ ước.

Và rồi một năm sau, Dũng cùng đồng đội làm nên cơn địa chấn này đến kỳ tích khác tại giải U23 Châu Á. Dũng chẳng ngại bất kỳ cú sút nào của đối thủ, kể cả loạt đấu tay đôi trên chấm 11 mét. Người ta gọi Dũng là người hùng trên chấm luân lưu định mệnh. Bình thường chàng trai gốc Mường hiền lành, ít nói hay ngại ngùng nhưng hễ cứ xỏ găng là lột xác thành một tay gôn lì lợm. Một khi đã lên sân cỏ, Dũng sẵn sàng vô hiệu hóa tất cả cơ hội ghi bàn của đối thủ, điển hình như những cú bắt đúng bài 2 đội Iraq và Qatar vừa qua.

Mấy năm qua, Dũng chiến đấu trên cương vị là thủ thành nhưng trước đây, Dũng chỉ muốn đấu ở vị trí trung vệ. Nhưng sau thấy cậu có chiều cao, thầy HLV lại ngỏ ý cho sang tập thủ môn. Nhưng Dũng không muốn và tỏ ra chán chường một thời gian. “Thời điểm đó về nhà tôi vẫn thường xuyên khuyên bảo con. Con quyết định theo sự nghiệp bóng rồi thì bố mẹ chấp nhận. Nhưng nếu con đã tập làm thủ môn thì phải tập trung một vị trí thôi. Như thế bản thân mình mới phát triển được”, cô Điều nhớ lại thời gian Dũng lưng chừng giữa hai hướng sự nghiệp.

Trước ngưỡng cửa lịch sử dự VCK U20 World Cup, cả hai cùng dặn nhau rằng phải cố gắng hết mình để cùng nhau cất tiếng hát quốc ca đầy tự hào tại Hàn Quốc. Thế nhưng ông trời đã không chiều lòng nguời. Tiến Dụng bị gãy xương quai xanh sau chuyến tập huấn tại Đức! Chứng kiến em trai không thể thi đấu ở World Cup, Tiến Dũng lặng nguời. Một lần nữa, họ lại vào cảnh “anh ở đầu sông, em cuối sông”…

… Ngày 10/5, sân Thống Nhất, trận giao hữu quốc tế giữa U20 Việt Nam và U20 Argentina,  thủ môn Bùi Tiến Dũng bước ra sân với một sự khác lạ. Sau tấm áo màu vàng dành cho thủ môn là một chiếc áo khác. Đó là áo số 6. Số áo quen thuộc mà Bùi Tiến Dụng đã mặc xuyên suốt những giải đấu ngót 2 năm cùng U20 Việt Nam. Trước trận đấu đó, Tiến Dũng gặp em trai mình. “Anh qua Hàn Quốc sẽ mặc áo của em để cùng thi đấu”. Câu nói ấy đủ khiến Tiến Dụng bùi ngùi. Thời khắc chàng tiền vệ trẻ xa anh trai, xa gia đình để vào PVF có lẽ cũng không xúc động đến nghẹn ngào như khi nghe câu nói ấy.

Không chờ đến khi sang Hàn Quốc, Tiến Dũng đã mặc chiếc áo ấy đằng sau áo đấu của mình ngay từ trận đấu với U20 Argentina. “Em muốn em trai mình sẽ cùng toàn đội thi đấu ở U20 World Cup”, thủ thành người Thanh Hóa bày tỏ thật lòng tình cảm của mình. “Em trai, giữ gôn cùng anh nhé!”.

Hai anh em Dũng thương bố mẹ, luôn cố gắng dành dụm tiền gửi về để lo cho cả gia đình. Có lần nghe tin bố nhập viện và thiếu máu gấp, Dũng bắt xe từ Thanh Hóa về làng Bào. Cho máu xong, cậu lại xuống trung tâm đào tạo. Khi đó, mẹ Dũng như ngồi trên đống lửa, ngủ không yên giấc chỉ lo sức khỏe của con. “Con ơi, bố con khỏe rồi. Con cho bố con máu, con có được nghỉ hay không. Con làm việc nặng nhọc, mẹ không yên tâm!”. Dũng trấn an rằng mọi thứ vẫn ổn, cậu chỉ tập luyện nhẹ nhàng thôi, mong mẹ dành toàn tâm lo cho bố đang ốm đau.

Cứ hễ được nghỉ phép về nhà, Dũng lại “tranh” nhổ sắn, cho lợn ăn, rửa bát, dọn nhà. Cô Điều đã phải thốt lên: “Thằng này không ngán một cái gì!” khi nói về đứa con trai “ương bướng” này. Cô kể, mỗi lần ăn xong Dũng lại bảo mẹ xuống nhà xem ti vi đi, bát đũa để đấy cậu lo. Rồi khi thấy mẹ xách thùng rau cho lợn, Dũng lại chạy ù ra hét lớn: “Mẹ ơi để con xách cho!”.

Tiền thưởng – món quà xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của U23 Việt Nam ngày một tăng. Các cầu thủ cũng hy vọng rằng số tiền ấy sẽ đỡ đần nhiều cho cuộc sống và gia đình của họ. Với anh em Tiến Dũng, Tiến Dụng, họ cũng chẳng mơ uớc gì cao sang. Cả hai cùng bàn nhau gom góp tiền để sửa nhà cho bố mẹ, xây thêm một gian phòng hoặc mua thêm 1-2 con lợn để gia đình tăng gia sản xuất. Ông Bùi Văn Khánh, bố của Tiến Dũng tự hào: “Căn nhà này cũng nhờ sự góp sức của các con đấy!”

Còn một mơ ước nữa, Dũng và Dụng đã thực hiện được nhưng vẫn tâm niệm rằng sẽ phải cố gắng hơn. Đó là có thể tự mình đưa bố mẹ đi nghỉ mát. Cuối năm ngoái, khi có tiền thưởng, anh nhờ người bạn thân đưa bà nội, mẹ và cô đi Đà Nẵng. “Cả đời bà với cô em chưa bao giờ được đi máy bay. Còn mẹ em thì chưa bao giờ được đi nghỉ mát. Mọi người vất vả hàng chục năm rồi”.

“Thằng đấy nói chung nó ít nói, nó hiền, về nhà chỉ có làm việc nhà. À nó còn chỉ chơi với các em bé, ném cát với em, chơi đồ chơi, bắn bi, đánh cù các thứ”.

Cuối bài, mượn lời bố mẹ Tiến Dũng – Tiến Dụng gửi tới hai anh em cùng toàn thể đồng đội trong tập thể U23 Việt Nam.

“Nói chung còn một trận nữa thôi các con ơi, bố mong Dũng phát huy đúng bản lĩnh người dân gốc Mường, con nhé”.

“Con ơi, mình đi đến vòng này là hạnh phúc lắm rồi, thua hay thắng không còn quan trọng con ạ. Con với đồng đội đến vòng này, mẹ ở nhà không biết nói gì hơn, chúc các con thi đấu hết mình, đạt kết quả cao đem vinh quang về với nước mình”.

Vượt qua nghịch cảnh và rào cản của cuộc sống, của những ngày đầu đến với sự nghiệp, Tiến Dũng đã và đang khẳng định mình trên được bước đường thành công của nghiệp gác gôn. Nhưng anh vẫn khiêm tốn chia sẻ rằng: “Còn nhiều việc phải làm lắm anh ơi. Đây là lúc em phải làm tốt hơn nữa để đền đáp người hâm mộ cũng như nỗ lực để cống hiến cho màu cờ tổ quốc nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Bởi nếu không có họ, không biết bây giờ em đã đi về đâu nữa”.

 Bảo Nhi – Minh Nhân | Bảo Nhi – Hoàng Anh | nhatanhngx

Leave A Reply