Hàn Quốc đang khiến cả thế giới chú ý vào một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế – Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018.
Đây sẽ là kỳ thế vận hội đi vào lịch sử lần đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất dành cho mọi du khách khi đến với xứ sở kim chi.
Cuộc “vượt biên” về văn hóa
Những ngày này, Hàn Quốc đang chạy nước rút để chuẩn bị bước vào Thế vận hội (Olympic) mùa đông PyeongChang 2018, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được chính thức diễn ra từ ngày 9 – 25.2.2018, với sự tham gia của khoảng 6.000 vận động viên đến từ gần 100 quốc gia.
Đây sẽ là kỳ thế vận hội đi vào lịch sử với lần đầu tiên công nghệ mạng 5G được sử dụng đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất dành cho mọi du khách khi đến với xứ sở kim chi.
Ngoài những ứng dụng công nghệ cao, Olympic 2018 còn được gây chú ý bởi màu sắc chính trị có trong sự kiện thể thao này. Mặc dù chưa có thông tin cuối cùng về việc Triều Tiên có tham gia thế vận hội hay không, thế nhưng chúng ta vẫn hy vọng vào một tin tốt lành đầu năm trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia sau nhiều năm căng thẳng.
Không chỉ có Thế vận hội mùa đông PyeongChang, Hàn Quốc còn tự hào là quốc gia đại diện của châu Á rất nhiều lần trở thành nước chủ nhà đăng cai tổ chức các đại hội thể thao lớn của châu lục và thế giới.
Quay ngược lại thời gian, trước đó Hàn Quốc cũng đã có những cú hích quan trọng từ các sự kiện thể thao, đặc biệt là ở 2 kỳ Olympic 1986 và 1988. Mỗi mùa thể thao, chúng ta đều thấy một làn sóng Hàn Quốc (“Hallyu”) lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, bởi đây đều là cơ hội tốt để quốc gia này quảng bá hình ảnh của đất nước đến với toàn thế giới.
Phải nói rằng Hàn Quốc đã vô cùng nỗ lực để tạo ra những cuộc “vượt biên” về văn hóa và trở thành một trong 10 nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới. Hình ảnh và văn hóa của xứ sở kim chi đã lan rộng ra rất nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước thuộc khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta có thể thấy rõ qua những “cơn sốt” Hàn Quốc từ đồ ăn, thức uống cho đến thời trang, kiểu tóc… Nhất là phim truyền hình và âm nhạc K-pop đã làm “điêu đứng” không ít các bạn trẻ Việt.
“Hàn Quốc xúc tiến một cách chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ việc xây dựng, phát huy và quảng bá thương hiệu quốc gia. Trên thế giới, Samsung và K-pop có thể xem là thương hiệu doanh nghiệp và hiện tượng văn hóa toàn cầu”, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM. Đó chính là “sức mạnh mềm”, công cụ “ngoại giao mềm” mà đất nước Hàn Quốc đã gây dựng được.
Đằng sau “làn sóng Hàn Quốc” đang lan tỏa
Hàn Quốc đang cho cả thế giới thấy một dòng chảy văn hóa quốc gia lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Và văn hóa Hàn Quốc chính là tài sản chung của quốc gia mà mỗi công dân đều có quyền sở hữu cũng như có trách nhiệm giữ gìn, truyền bá, phát huy.
Mới đây, một nữ phóng viên đài BBC của Anh quốc đã kể câu chuyện đầy thú vị về từ “uri” (우리) nghĩa là “của chúng ta” trong ngôn ngữ Hàn. Chuyện kể về hai cô gái ngồi ăn súp và nói về “chồng chúng ta”. Và khá bất ngờ khi ở Hàn Quốc chỉ có “chồng chúng ta” chứ không ai nói “chồng của tôi” cũng như không có “vợ của tôi” mà chỉ có “vợ chúng ta”. Và tất nhiên, đất nước cũng là “đất nước chúng ta” (우리나라, uri nara).
Nữ phóng viên này cho biết từ “uri” chính là một “khẩu đại pháo dùng để truyền bá văn hóa Hàn Quốc”, “đại diện cho tinh hoa dân tộc” của xứ Hàn, là sự thể hiện cho “văn hóa mang tính cộng đồng cao” của người Hàn Quốc.
Một câu chuyện nhỏ nhưng đã cho chúng ta hiểu nhiều hơn về tinh thần dân tộc của người dân Hàn Quốc. Chính tinh thần ấy đã tạo nên “sức mạnh mềm” văn hóa lan tỏa toàn cầu và biến nó trở thành một nguồn sức mạnh to lớn về kinh tế, đưa Hàn Quốc đứng lên từ tro tàn chiến tranh phát triển trở thành một trong 4 con rồng của châu Á.
Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, quốc gia này cất cánh ngoạn mục và ngày nay đã được gia nhập câu lạc bộ các nước phát triển nhất thế giới OECD với thu nhập bình quân đầu người gần 35.000 USD/năm. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của đất nước Hàn Quốc thể hiện rõ qua sự nổi lên của các tập đoàn đa quốc gia (chaebol) như Samsung, LG, Hyundai… Đây đều là những “xương sống” của kinh tế xứ Hàn, và là đối thủ sừng sỏ hàng đầu của các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới.
Việt Nam soi chiếu qua lăng kính thành công của Hàn Quốc
Cũng là một đất nước châu Á, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với Hàn Quốc về mặt địa lý, văn hóa… Thậm chí nước ta còn có nhiều thuận lợi hơn về các điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu; dân số Việt Nam đông gần gấp đôi và diện tích lớn gấp 3 lần so với xứ Hàn.
Tuy nhiên, trong khi nước bạn đã làm nên những thành công vượt bậc về kinh tế lẫn văn hóa thì chúng ta lại chưa tạo ra được một sức bật nào thần kỳ cả. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng:“Nhìn lại Việt Nam, chúng ta và quốc tế dễ dàng nhận thấy tiềm năng lớn và hứa hẹn về một con rồng mới của châu Á. Thế nhưng đến thời điểm này Việt Nam chưa thật sự cất cánh, chưa thấy đâu dáng dấp con rồng?”.
Việt Nam cũng đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, lan tỏa văn hóa quốc gia. Thế nhưng, không thể phủ nhận một sự thật rằng, chúng ta chưa thành công, chưa tạo được dấn ấn gì đặc biệt ngoài “kỳ tích chiến tranh” – một nước nhỏ đã chiến thắng nước lớn trong quá khứ.
Có lẽ ở “thì hiện tại”, chúng ta còn thiếu một sức mạnh tổng lực và nhất là chưa khơi dậy được một tinh thần, trách nhiệm cao ở giới trẻ trong việc lan tỏa, phát huy văn hóa dân tộc. Bởi vì chính thế hệ trẻ mới là những người có thể làm nên một kỳ tích của Việt Nam trong tương lai.
Thiết nghĩ để tạo nên “sức mạnh quả đấm” và “mũi nhọn hiệu quả” cho quốc gia, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, “Ta cần mạnh dạn hơn trong việc phát huy tài năng và nhân lực bản lĩnh, đặc biệt đội ngũ chuyên gia giỏi có kinh nghiệm hội nhập quốc tế thành công và thanh niên có hoài bão, được đào tạo bài bản. Phải dám giao việc dự án chương trình với quyền chủ động sáng kiến cao, tạo một bộ máy thông minh, sáng tạo, năng động, chủ động, quyết tâm. Chìa khóa của tương lai Việt Nam nằm trong tay các bạn thanh niên”.