Bạn có dám can đảm sống như cây mao trúc – bài học cho những người chưa thành công. Dưới đây là bức thư của Giáo sư trường ĐH Seoul gửi đến một người học trò đang vô cùng mệt mỏi và chán nản vì thất bại liên tiếp trên con đường tìm việc. Mời quý vị cùng đọc và suy ngẫm.
—***—
Cách đây không lâu, tôi có đi Thành Đô. Ở đó, tôi được nghe kể về một loại cây có tên là “mao trúc”. Người ta nói hạt mao trúc rơi xuống đất, chỉ mọc lên một cây măng nhỏ rồi hoàn toàn không có chuyển biến gì trong suốt 5 năm trời. Thế rồi từ khoảng cuối năm thứ 5, cây lớn vọt lên với tốc độ đáng kinh ngạc, một ngày cao thêm tới vài chục xăng ti mét, cho tới khi đạt tới chiều cao gần 25 mét. Thật kì diệu, phải không? Như vậy, không phải là mao trúc không hề lớn lên trong suốt năm năm trời. Mà thực ra, trong lòng đất, cây đã đâm rễ, cần mẫn bền bỉ chuẩn bị cho cú nhảy vọt sắp tới. Và rồi khi đến lúc, cây lớn vọt lên, nhanh hơn, cao hơn bất cứ loại cây nào.
Tôi nghĩ, cuộc đời chúng ta cũng rất giống với cây mao trúc này. Và bạn hãy thử liên tưởng đến việc đun nước xem. Khi nước đã đạt tới 100 độ C, dù có gia nhiệt đi đến đâu nữa, nhiệt độ cũng không tăng thêm. Nếu như dừng ở đó thì nước lập tức nguội đi. Nhưng nếu không bỏ cuộc mà tiếp tục đun, nước sẽ biến thành hơi và bay lên trời. Để có sự thay đổi về chất, phải kiên trì chịu đựng quãng thời gian khổ ải không có lấy một chút thành quả nào như vậy.
Vì thế, thành công dường như rất khó. Nếu như nỗ lực mười phần mà thành quả cũng đạt được đầy đủ mười phần không thiếu một ly, kết quả lập tức bày ra trước mắt thì làm gì có ai không nỗ lực? Vậy nhưng, hiện thực thì lại khác. Có một điểm mà ở đó, dù cố gắng đến đâu cũng hoàn toàn không có sự thay đổi nào, giống như nước ở 100 độ C vậy. Nhiều người tới được điểm này, cũng đã cố gắng ở mức độ nào đó nhưng rồi cuối cùng lại bỏ cuộc. Nhưng một số ít những người lặng lẽ cố gắng cầm cự qua giai đoạn này, đổ thêm nhiều giọt mồ hôi nóng bỏng nữa, cuối cùng, họ sẽ được nếm trải vị ngọt của thành công.
Mỗi chúng ta đều đợi chờ “cơ hội” đến với mình. Nếu đó là một cơ hội vàng có thể xoay chuyển cuộc đời người thì càng quý. Nhiều người than rằng sao cơ hội đó chẳng bao giờ đến với mình. Nhưng từ “cơ hội” đồng nghĩa với từ “chuẩn bị”. Khi chưa chuẩn bị sẵn sàng thì cơ hội có đến cũng sẽ thường bay qua vô ích, rồi cũng có khi cơ hội đến mà không biết, cứ thế để cơ hội đó trôi đi. Chỉ khi nào đã hoàn thành quá trình chuẩn bị bền bỉ, thì dù chỉ là một cơ hội nhỏ, ta cũng có thể nắm bắt và sử dụng tối đa lợi thế của nó.
Trong năm, có một ngày mặt trời lên cao nhất và chiếu sáng lâu nhất. Đó là ngày Hạ chí, vào khoảng 21 tháng 6 dương lịch. Vậy nhưng chúng ta vốn cũng đã biết, đó không phải là ngày nóng nhất trong năm. Sau đó, mặt trời còn tiếp tục nung nóng trái đất, cho tới thượng tuần tháng Tám mới đạt tới ngày nóng nhất trong năm. Vào ngày Hạ chí tháng Sáu, dù đã lên tới điểm cao nhất nhưng vẫn không phải là nóng nhất, mặt trời cũng không có lý do gì để buồn bã hay bỏ cuộc cả.
Vậy nên thời điểm mà cơ hội chưa tới, thực ra, lại chính là thời cơ tốt nhất.
Bạn hãy chuẩn bị đi. Giống như cây mao trúc, giống như nước sôi, giống như mặt trời.
Trong suy nghĩ của tôi, tôi lo không biết liệu có phải bạn đang lang thang tìm kiếm chiếc thang cuốn của cuộc đời hay không. Tôi đang nói tới những thứ như bằng cấp chuyên môn hay một công việc ổn định có thể bảo đảm cả đời… Đó chính là chiếc thang cuốn mà chỉ cần đặt bước chân đầu tiên sao cho khéo thì sẽ đưa ta thẳng tiến đến với thành công. Vậy nhưng, thực tế, trong cuộc đời chúng ta, không có chiếc thang cuốn nào cả. Bạn hãy tìm đến nơi làm việc mà bạn ao ước đó xem. Trong đó cũng là cả một cuộc đấu tranh sinh tồn, cạnh tranh khốc liệt với biết bao nỗi lo toan. Công việc không phải là chiếc thang cuốn đưa chúng ta thẳng tiến đến đích, mà giống như cầu thang bộ, trong quá trình từng bước từng bước leo lên, chúng ta phải tìm kiếm sự đền đáp cho nỗ lực của mình.
Vậy nên trước hết, bạn hãy thử lên xe buýt. Lên xe rồi, có thể bạn tạm thời sẽ phải đứng. Có thể tất cả mọi người đều đang ngồi, chỉ có mình bạn phải đứng. Đây là lúc bực mình nhất, phải không? Vậy nhưng không hề có chuyện người đứng ghen tị với người ngồi. Cũng không có chuyện người ngồi chê người đứng. Chúng ta cứ đi xe buýt thôi. Cho đến khi tới được đích của mình.
Không phải vì bây giờ bạn chưa tìm được việc làm, chưa thành công thì cuộc đời bạn coi như dừng lại. Bạn đang đi trên chuyến xe buýt mang tên cuộc đời. Chỉ vì bạn phải đứng nên cảm thấy mệt mỏi hơn so với người đang ngồi. Mong bạn đừng vì phải đứng mà cảm thấy mình kém cỏi, cũng đừng oán trách những người đang ngồi. Còn nếu như bạn thực sự muốn được ngồi, thì chỉ cần xuống xe, đợi xe sau có ghế trống, hoặc nếu cần thiết thì đợi đến trạm cuối, bắt xe quay ngược trở lại là được. Nghĩa là bạn hãy quay lại từ đầu, chuẩn bị một bước xuất phát mới. Không muộn như ta tưởng.
Người quen của tôi bây giờ trở thành giám đốc. Anh ấy bảo mỗi khi đi phỏng vấn ứng tuyển, anh ấy nhất định phải nói thêm 1 câu như thế này: “Chúng tôi không tìm người xuất chúng hay ưu tú. Chúng tôi chỉ đơn giản là tìm người có tố chất phù hợp với công việc này. Bạn có thể là người thích hợp với công việc này nhưng lại là người vô dụng trong công việc khác.”
Đúng là như vậy. Không phải bạn bị xã hội chối bỏ, không phải bạn bất tài. Chỉ là vẫn chưa có sự gặp gỡ giữa khả năng nổi trội của bạn và nơi công nhận khả năng đó. Xin hãy nhớ điều này: khởi đầu từ xuất phát điểm thấp nhất không có gì phải xấu hổ, nhưng ngay cả ý định bắt tay vào cuộc cũng không có nổi mới là đáng xấu hổ. Công việc đầu tiên không nói lên con người thực sự của bạn, chính công việc cuối cùng mới nói lên điều đó.
Quãng thời gian dài đằng đẵng mà bạn đang trải qua đây, biết đâu lại chính là quá trình năm năm của cây mao trúc. Vô số những bản CV đã rải đi vô ích kia, biết đâu lại chính là ngọn lửa biến chất lỏng 100 độ C thành thể khí. Sắp đến rồi giây phút đền đáp giá trị của sự chờ đợi bấy lâu. Sắp đến rồi thời điểm vươn vùn vụt thành cây tre cao nhất thế giới. Sắp đến rồi thời khắc biễn thành hơi nước tự do bay lên cao nhìn ngắm thế gian.Mong bạn sẽ chiến đấu kiên cường.
Ran Do Kim – Trích từ cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”
Alan Phan