Theo Malala Yousafzai, tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị, đều có thể tạo nên sự thay đổi cho xã hội và những hành động để tạo nên thay đổi đó mới là điều đáng giá.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thành phố Davos, Thuỵ Sĩ, nhà hoạt động xã hội Malala Yousafzai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng nói cộng đồng cũng như mỗi cá nhân đối với thế giới.
Cô đã kêu gọi sự giúp đỡ từ mọi người trong xã hội, đặc biệt là người trẻ tuổi, cho sáng kiến về “Quỹ từ thiện Malala” của mình, một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho việc hỗ trợ quyền được đến trường của nữ giới và cải thiện chất lượng giáo dục.
Vào năm 2012, phong trào Hồi giáo Taliban đã cố gắng ám sát Yousafzai khi cô mới 15 tuổi. Tuy nhiên, âm mưu này đã thất bại, Yousafzai vẫn sống sót, tiếp tục kể lại câu chuyện đời mình và thành lập Quỹ Malala cùng cha vào năm 2013 nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người.
Chủ nhân giải Nobel Hoà Bình chia sẻ trong Hội nghị Thượng đỉnh Davos năm nay: “Tôi đã bắt đầu lên tiếng về các vấn đề xã hội từ năm 11 tuổi và không biết rằng liệu tiếng nói của mình có thể tác động đến người khác hay không”.
“Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra rằng mọi người luôn lắng nghe và tiếng nói của mình đã chạm đến mọi người trên khắp thế giới. Vì vậy, tạo nên sự thay đổi là điều khả thi, đừng vì nghĩ mình còn trẻ mà tự giới hạn, kìm hãm bản thân”.
Giờ đây, ở tuổi 20, Yousafzai đã trở thành người đoạt giải Nobel Hoà Bình trẻ tuổi nhất sau khi nhận nó vào năm 2014. Ngoài hoạt động trong Quỹ Malala, cô còn là Đại sứ Hoà bình của Liên Hợp Quốc và là một tác giả đã xuất bản sách.
Khi nói đến đối tượng có khả năng tạo nên thay đổi đối với xã hội, vị nữ Đại sứ trẻ tuổi cho rằng mỗi người trong chúng ra không cần phải là một nhà lãnh đạo của doanh nghiệp nào đó hay một nguyên thủ của quốc gia nào đó mới có thể trở thành người tiên phong cho mọi sự thay đổi lớn lao.
“Thông thường, chúng ta nghĩ rằng phải là một thủ tướng hay một CEO tầm cỡ mới có thể tác động đến xã hội. Nhưng không, bạn có thể làm điều đó bất cứ lúc nào, ở bất kỳ độ tuổi nào mà bạn muốn”.
Những thay đổi vĩ đại có thể được hình thành dưới nhiều phương thức khác nhau, cho dù là viết blog, gây quỹ, tuyên truyền nhận thức bằng truyền thông xã hội, hỗ trợ cộng đồng tại địa phương hay tham gia kiến nghị. Tất cả chúng đều vô cùng quan trọng, một khi bạn bắt tay vào thực hiện nó, khi đó chúng ta sẽ tạo nên bước chuyển biến đối với toàn cầu.
Nguyễn Linh / theo CNBC.com