Người Nhật nổi tiếng trong lịch sử là dân tộc đọc sách vào bậc nhất thế giới. Quyển Self-help (Tự lo) của Samuel Smiles từng là best-seller tại Anh, Mỹ, bán được 250.000 quyển cuối thế kỷ 19, nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) bán đến 1 triệu bản!
Một con số thật “khủng”, vì dân số Nhật Bản lúc đó chỉ khoảng 30 triệu người. Nhiều quyển sách khác cũng được bán với con số tương tự. Sự tò mò của người Nhật có thể nói là vô hạn. Thời Minh Trị, công ty TNHH ra đời đầu tiên là Công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen. Sách là nền tảng tri thức để chấn hưng đất nước.
Văn hóa đọc của Nhật Bản không phải bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị khi đất nước được mở cửa hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa năm 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hóa võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khỏe mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm, Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hóa đọc, hai cái gắn liền nhau.
Vì sao có những con số khủng về giáo dục và văn hóa đọc của một dân tộc võ sĩ? Sự học tại Nhật Bản trước năm 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Đến năm 1615, tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi bình định được gần 300 bang (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, đã truyền lệnh cho tất cả đại danh đứng đầu các bang, daimyō, và cho võ sĩ, samurai rằng (điều 1): “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, sự học, là cây bút, còn bu là nghệ thuật chiến tranh, từ đó bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Tức “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”. Và văn đi trước võ để có thể trị nước lâu bền. Nhật Bản cũng có bậc thang “sĩ, nông, công, thương”, nhưng ở đây sĩ không phải là kẻ sĩ, mà là võ sĩ.
Mệnh lệnh trên có tác dụng của một “big bang” của văn hóa học và đọc sách. Các daimyō phải học văn hóa, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để học, họ lập ra các thư viện khắp các bang. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật có nhiều thư viện nhất.
Một cái “khủng” nữa. Tokugawa là chế độ tự đóng kín, “tỏa quốc” (sakoku) suốt 260 năm, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây năm 1640 (Việt Nam 1630), chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima duy nhất ở Nagasaki thông thương với Hà Lan, và họ kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách để tránh sự xâm nhập của Kitô giáo. Nhưng trong hai thế kỷ, Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là “Lan học” (rangaku), để biết rõ khoa học, công nghệ phương Tây. Đó là bình minh của nhận thức, giúp Minh Trị nhanh chóng thành công.
Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh, như bác sĩ nổi tiếng Siguta Gempaku (1733-1817) nói, người tạo cú hích cho “Lan học” thành công.
Đọc sách không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà là việc làm của lòng yêu nước để phát triển đất nước và hoàn thiện con người. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức. 1.000 năm trước họ đã học Trung Hoa. 1.000 năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ vô minh vì không học. Họ học sớm và học nhiều hơn Trung Hoa nhưng vẫn giữ được bản sắc, tổng hợp được văn hóa Đông Tây và Nhật Bản đã thành công.