Dù đã về hưu nhưng chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành vẫn rất tâm huyết với việc phân tích kinh tế và tư vấn về các vấn đề liên quan đến thương mại tự do, hội nhập kinh tế khu vực, phát triển tài chính và chính sách vĩ mô. Ngoài ra, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng là chuyên gia luôn mang đến cho giới doanh nhân những phân tích sâu sắc, giải pháp thiết thực để mỗi doanh nghiệp luôn mang trong mình tâm thế chủ động hội nhập thành công.
Dù rất bận rộn, ông đã dành dành thời gian trao đổi với chúng tôi về những cuốn sách nền tảng đổi đời mà Trung Nguyên Legend đem đi trao tặng nhằm thôi thúc khát vọng khởi nghiệp – kiến quốc trong cộng đồng.
5 cuốn sách chứa đựng nhiều giá trị bất biến theo thời gian, cần cho tất cả thanh niên Việt
PV: Là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá 5 cuốn sách mà Tập đoàn Trung Nguyên Legend đang trao tặng (Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học) có ý nghĩa như thế nào đối với việc giúp hàng triệu thanh niên Việt lập chí khởi nghiệp, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước?
TS Võ Trí Thành: Tôi biết về những cuốn sách này khá lâu và cũng là một trong số những người đầu tiên được Tập đoàn Trung Nguyên Legend tặng sách.
Thời điểm khi Trung Nguyên bắt đầu hành trình đưa những cuốn sách này tới mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ và các bạn sinh viên, thì tôi đã nghĩ đây là chương trình, cách làm có tác động rất tích cực. Sự tích cực ấy thể hiện ở 3 yếu tố:
– Thứ nhất, đất nước ta đang trong gia đoạn chuyển mình, mở cửa hội nhập. Điều ấy đã làm nảy sinh nhiều cơ hội, thách thức mới. Cơ hội ở đây chính là người dân ngày càng được tăng quyền lựa chọn và những cuốn sách này gắn với cơ hội ấy.
– Thứ hai, những cuốn sách này được đem tặng trong bối cảnh Việt Nam thực sự muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp mà việc khởi nghiệp ấy lại gắn với giá trị bền vững, sự sáng tạo và đổi mới tư duy.
– Thứ ba, 5 cuốn sách đã đi vào những vấn đề rất căn cơ về các điều quan trọng nhất liên quan tới cách thức tư duy, ứng xử trong làm ăn kinh doanh… Theo tôi, đây là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhất là người trẻ, tầng lớp học sinh, sinh viên.
Phải nói, chương trình tặng sách này rất có ý nghĩa. Cách làm của Trung Nguyên cũng không đơn thuần chỉ là tổ chức các sự kiện, tạo ấn tượng mà cũng giống như các cuốn sách họ đem tặng: vừa căn cơ, vừa dung dị, dễ ngấm. Cách làm đó đang giúp lan tỏa tri thức trong xã hội theo ý nghĩa ngấm dần. Điều ấy thể hiện rõ nhất thông qua việc Trung Nguyên tận dụng hệ thống mạng lưới quán Trung Nguyên Cafe để đưa sách tới người đọc.
PV: Tôi lại nghe nhiều người nói rằng, trong thời buổi công nghệ 4.0, việc tặng sách giấy đã lỗi thời. Một số ý kiến khác nói những cuốn sách mà Trung Nguyên đã và đang tặng, nhiều cuốn bị lạc hậu, không con giá trị. Ông nghĩ sao về những quan điểm đó?
TS Võ Trí Thành: Tôi là người mà thời gian gần đây cũng đọc và xem khá nhiều tài liệu về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Bản thân tôi cũng tham gia viết và cùng nhóm tác giả công bố cuốn sách “Việt Nam thời chuyển đổi số“. Vì thế, tôi có thể nói rằng, chúng ta đang thực sự bước vào một cuộc cách mạng mói. Không đơn thuần chỉ về công nghệ mà đó còn là cuộc cách mạng về tư duy, cách nhìn nhận thời cơ, phương cách phát triển.
Đứng trước cuộc cách mạng này, nhiều người cho rằng tương lai đã không còn là đường tuyến tính nối dài của quá khứ mà sẽ có nhiều đột phá, thậm chí là sự đột phá kỳ dị, bất thường.
Cuộc cách mạng 4.0 này đang đòi hỏi nhiều cách tiếp cận, tư duy rất khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhấn mạnh 2 điều sau:
– Thứ nhất, dù cuộc cách mạng này có tính đột phá, bùng nổ tới đâu chăng nữa thì trong cách nhìn nhận về sự phát triển, cách ứng xử… con người vẫn là trung tâm của sự phát triển. Mà nếu con người đã là trung tâm thì bất di bất dịch, vẫn phải có những yếu tố rất người.
Tôi nghĩ những cuốn sách mà Trung Nguyên đang tặng, theo một khía cạnh nào đó chưa phản ảnh được sự thay đổi của thế giới, của công nghệ, cách tư duy, nhìn nhận thế giới như chúng ta vừa nói. Tuy nhiên, 5 cuốn sách này vẫn còn những giá trị mang tính nền tảng, cốt lõi. Chúng ta vẫn phải công nhận với nhau rằng, dù là phát triển đột phá, thay đổi đến đâu thì vẫn luôn có những giá trị cốt lõi, bất biến theo thời gian.
– Thứ hai, dù xã hội phát triển đến đâu, chúng ta vẫn có xu hướng nhìn lại quá khứ và có như vậy mới đem đến sự nhìn nhận toàn diện về quá trình phát triển. Trong quá trình ấy, mỗi cuốn sách đều có một giá trị riêng mà không ai có thể nói toàn bộ kiến thức trong sách là đúng hoặc sai so với thời cuộc.
2 điều đặc sắc của Trung Nguyên Legend
PV: Có bao giờ ông đặt Trung Nguyên thành đối tượng quan sát, nghiên cứu kinh tế của mình không?
TS Võ Trí Thành: Trung Nguyên có 2 nét đặc sắc, đó là sự khác biệt và ít nhiều có tính độc đáo trên cả 2 khía cạnh là kinh doanh và tầm nhìn.
Ở khía cạnh tầm nhìn, con người Trung Nguyên thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ, có khát vọng gắn với sự thay đổi vì mục tiêu chung là cống hiến cho sự phát triển lịch sử của đất nước.
Sự khác biệt trong kinh doanh không chỉ nằm ở vấn đề sản xuất, gây dựng chuỗi nhà hàng mà còn là cách tương tác với thị trường, cách thức quảng bá, marketing. Mặc dù vậy, Trung Nguyên tuy có khác biệt nhưng sự khác biệt này không phải không tìm thấy ở những công ty, doanh nghiệp hoặc tập đoàn khác.
Sự khác biệt lớn nhất của họ là gắn bó chặt chẽ khát vọng lớn của doanh nghiệp với lĩnh vực mà mình kinh doanh. Cụ thể là cà phê. Đó là 2 nét độc đáo của Trung Nguyên và điều đó cũng phần nào phản ánh qua người lãnh đạo của Tập đoàn – ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
PV: Nhân nói đến sự khác biệt, về khát vọng lớn của Trung Nguyên, cách đây 10 năm Đặng Lê Nguyên Vũ từng tuyên bố sẽ xây dựng Ban Mê Thuột trở thành thủ phủ cafe tầm cỡ thế giới. Nhìn vào sự phát triển của vùng đất này hiện nay, ông nhận xét thế nào?
TS Võ Trí Thành: Tôi nghĩ hiện nay, cafe Việt Nam đã có tên, có tiếng trên thị trường thế giới. Trong câu chuyện ấy, Ban Mê Thuột thực sự đã được xem là thủ phủ cafe của cả nước. Chắc chắn, đóng góp của Trung Nguyên nhìn tổng thể là có ý nghĩa trong việc xây dựng thương hiệu cafe quốc gia nói chung và hình ảnh Ban Mê Thuột nói riêng. Tuy nhiên, nếu so với kỳ vọng của đất nước và của chính Trung Nguyên thì có lẽ Ban Mê Thuột bây giờ vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
Với đất nước, chúng ta biết rồi, câu chuyện làm sao có một thương hiệu toàn cầu, gắn với giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích lớn cho người trồng cafe, buôn bán, kinh doanh… đến nay chúng ta vẫn chưa làm được dù đây là vấn đề được nói, bàn nhiều.
Đối với Trung Nguyên thì tôi biết, câu chuyện như xây bảo tàng cafe đã được đặt ra từ rất lâu nhưng mới hoàn thành cách đây vài năm. Vậy thì về mặt thời gian, chúng ta đang bị chậm lại. Nếu lại đem so những gì đã có với những chữ thể hiện khát vọng như thủ phủ cafe thế giới… thì chắc vẫn còn xa lắm.
PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, thế hệ của các bác lo dựng nước và giữ nước. Bây giờ thời bình, những người doanh nhân như Vũ phải tiếp tục cuộc chiến này. Cuộc chiến này không dừng lại ở biên giới. Cuộc chiến này ở trong kinh tế, trong văn hóa, trong xã hội. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
TS Võ Trí Thành: Tôi nghĩ câu nói ấy đến giờ vẫn đúng. Nói đến việc phát triển, đem lại của cải, dịch vụ mới có ý nghĩa cho xã hội chính là nói đến doanh nghiệp, doanh nhân. Có thể nói, trong quá trình đổi mới, cải cách ở Việt Nam thì vai trò của doanh nhân, đặc biệt là khu vực tư nhân ngày càng được thể hiện rõ.
Tôi chỉ mong rằng, bên cạnh việc làm ăn, các doanh nhân hãy gắn mạnh mẽ hơn nữa 3 điều là gắn với xu thế thời đại, gắn giá trị lợi ích của doanh nghiệp với giá trị lợi ích chung của xã hội và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp phải gắn với việc xây dựng hình ảnh người đứng đầu.
Mặt trái của công nghệ là làm mất đi cảm xúc – và văn hóa đọc sách đang sống dậy
PV: Quay trở lại với vấn đề cách mạng công nghệ 4.0, trên một tờ báo ông từng bày tỏ nỗi lo về “sự mất đi xúc cảm, tính người” khi tham gia vào mạng lưới kết nối công nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn – vì sao lại có sự “mất mát” như vậy?
TS Võ Trí Thành: Bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ nào cũng đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực cũng có nhiều khía cạnh, bao hàm cả chí phí chuyển đổi gồm: Chi phí chuẩn bị năng lực, vốn, đổi mới công nghệ, thay đổi cách ứng xử, khuôn khổ pháp lý…
Cái giỏi của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân trong thời đại này là làm sao thích ứng, vươn lên cùng cái mới, tận dụng cái mới với chi phí nhỏ nhất và xây dựng cái mới càng nhanh càng tốt. Thời buổi trước kia, chúng ta nói nhiều đến việc cá lớn nuốt cá bé nhưng thời đại này, chúng ta cần nói nhiều hơn đến việc cái nhanh sẽ chiến thắng cái chậm.
Một vấn đề khác của cuộc cách mạng công nghệ là con người phải nắm được vai trò trung tâm trong quá trình sáng tạp, đổi mới. Tuy nhiên, hiện nay, người máy, công nghệ AI đã thông minh hơn rất nhiều, trên nhiều khía cạnh đã thông minh hơn con người và chắc sẽ ngày càng thông minh hơn khi bắt đầu biết học hỏi.
Đáng nói hơn, nhiều người máy, búp bê cũng bắt đầu có xúc cảm. Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, nếu chúng hơn con người ở cả 3 yếu tố tư duy, xúc cảm, sức khỏe thì con người trong tương lai sẽ ra sao?
Dù chúng ta thừa nhận hay không thì thừa nhận thì thực tế này cũng đã và đang diễn ra. Điều ấy khiến chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nghịch lý. Đơn cử như smartphone sinh ra đã làm cho con người ngại giao tiếp trực tiếp, xa cách và cô đơn hơn.
PV: Vậy trong quá trình giúp con người giữ vững vai trò trung tâm của sự phát triển, việc đọc sách có thể đem lại những tác động tích cực như thế nào?
TS Võ Trí Thành: Có rất nhiều điều mới chúng ta không hiểu hoặc chưa hiểu hết. Vì thế tôi rất mong, nếu như Trung Nguyên vẫn còn tiếp tục hành trình ý nghĩa này thì cũng nên đem đến những trải nghiệm, cách tiếp cận khác nhau cho người dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên về cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Tôi vừa vui vừa buồn bởi với cuộc cách mạng số hóa hiện nay, chúng ta có rất nhiều cách tiếp cận thông tin nhưng mà tin buồn là thời nay chúng ta lướt nhiều hơn đọc. Trong khi đó, việc đọc mới chỉ là ở mức độ thấp, cao hơn là đọc để hiểu và đọc để ngẫm. Như vậy, mọi người nên học, không chỉ học kiến thức để tốt cho công việc mà còn cần học cách đọc.
Tin vui là trong thế giới số hiện nay, nhiều người nói sách sẽ biến mất nhưng không chỉ có văn hóa đọc, mà việc đọc sách có vẻ như đang quay trở lại và dù thế nào nó vẫn có chỗ đứng quan trọng trong việc lan truyền, hấp thu tri thức hữu ích.
PV: Napoleon Hill trong cuốn Nghĩ giàu làm giàu từng nói: “Không chịu mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn đã khiến nhiều người phải vất vả làm mãi một việc suốt cuộc đời”. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này? Trong xã hội này, liệu có phải chúng ta không nên chỉ biết mỗi một nghề?
TS Võ Trí Thành: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất của mỗi người dù bất kể làm gì thì cùng với lợi ích mang lại cho cá nhân, gia đình, đất nước phải gắn với niềm đam mê, sự hứng thú. Hai yếu tố này cũng không tự nhiên mà đến. Phải trải qua rèn luyện, con người mới nhận ra được.
Trong bối cảnh mới hiện nay, để làm được điều mà tôi vừa nói thì mọi người hãy biết mở lòng với cái mới, đón nhận xu thế mới một cách tích cực.
Hãy nhìn nhận nó dưới 2 góc độ: bình tĩnh, tự tin và dù sao đổi, trời thay hãy nghĩ rằng chính mình và con người luôn luôn là trung tâm.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại!
KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!
Hành trình Từ Trái tim – Hành trình Lập Chí Vĩ đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng nhằm kiến tạo Khát vọng lớn, chí cả vĩ đại cho thế hệ Thanh niên Việt Nam; xây dựng Trí huệ và sự Minh triết cho 30 triệu Thanh niên Việt thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách đổi đời tới Thanh niên Việt để có sức mạnh tri thức, từ đó chuyển hóa thành sức mạnh vật chất và thể chất, tạo dệt sức mạnh của Quốc gia.
Hiện nay, Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt đang tiếp tục thực hiện tại hệ thống các trường Đại học – Cao đẳng trên cả nước; Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt còn phối hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Vụ Thư viện, Bộ Quốc phòng tổ chức nhiều chương trình giao lưu, truyền cảm hứng chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế, trao tặng sách đến 30 triệu Thanh niên Việt và lực lượng vũ trang trên toàn quốc.
Thông tin chi tiết về Hành trình từ Trái tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt liên tục được cập nhật tại www.hanhtrinhlapchividai.com và www.facebook.com/lapchividai
Nguồn : https://soha.vn/ts-vo-tri-thanh-giua-thoi-40-mat-di-xuc-cam-tinh-nguoi-ban-hay-cu-tu-tin-binh-tinh-20190517105107.htm
1 Comment
Cảm ơn bác Vũ cảm ơn Trung Nguyên.Trong thời đại nào cũng vậy .nhất là càng phát triển ,càng phải có nền tàng đạo đức ,ứng xử ,trí tuệ.và càng thách thức và không ngừng trao rồi .