Các bạn cảnh tỉnh tất cả bằng những câu chất vấn hết sức “nhức”, bằng đoạn clip cho thấy trước tương lai của thế giới chúng ta sẽ đi về đâu nếu cứ tiếp tục làm ngơ với môi trường. Cả hội trường yên lặng đến khác lạ, đó cũng là lúc mỗi người đều phải tự hỏi và giật mình nhìn lại: Ta đã ở đâu trong thế giới này?
Sáng nay 1/11/2013, tại Hội trường lớn Đại học Tây Nguyên đã diễn ra chương trình tặng sách làm giàu bền vững và cuộc thi “Sáng tạo tương lai” trong khuôn khổ Hành trình vì Khát vọng Việt.
Cuộc thi vừa khép lại vòng 1 với chiến thắng thuộc về 3 đội đến từ trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên và Đại học Tây Nguyên 1 (khoa kinh tế). 3 đội sẽ tiếp tục tranh tài vào buổi chiều cùng ngày để giành cơ hội trở thành đội đại diện khu vực Tây Nguyên tham gia vòng chung kết tại TP.HCM (21/11 và 22/11).
Tuy là đội thi đầu tiên dự thị nhưng Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên vô cùng tự tin và để lại nhiều ấn tượng cho ban giám khảo cũng như tất cả các khán giả theo dõi chương trình. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật nhưng “máu” kinh doanh trong các bạn không hề thua kém các đội chơi còn lại, thậm chí còn hừng hực hơn.
“Tụi em là những người con của nông dân, của vùng đất Tây Nguyên. Tụi em đã nhìn thấy những phần còn đang bị bỏ dở, sao khoanh tay được ạ?”, bạn Phạm Thị Nam Thanh – Đội trưởng đội Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên mạnh mẽ chia sẻ khi được hỏi về lý do chọn đề tài phát triển cây keo – cây trồng lâu năm tại địa phương.
Người xem vô cùng ngạc nhiên trước tính sáng tạo trong cách trình bày ý tưởng của đội bởi thay vì thuyết trình bằng powerpoint thông thường, các bạn đóng 1 tiểu phẩm ngắn giữa “Ngọc hoàng”, “Công chúa” và “Nông dân” truyền tấu, gói gọn trong vòng 10 phút giới hạn của ban tổ chức và vẫn đảm bảo truyền tải được hết các thông điệp và ý tưởng của mình đến với ban giám khảo và người xem.
Đã có những tràn cười sảng khoái trước phần trình bày dí dỏm của “Ngọc hoàng” trong nhóm, đã có những giây phút lắng đọng bởi những giọt nước mắt của “công chúa nhỏ” trong tiểu phẩm và cả các bạn sinh viên theo dõi trong khán phòng. Các bạn cảnh tỉnh tất cả bằng những câu chất vấn hết sức “nhức”, bằng đoạn clip cho thấy trước tương lai của thế giới chúng ta sẽ đi về đâu nếu cứ tiếp tục làm ngơ với môi trường. Cả hội trường yên lặng đến khác lạ, đó cũng là lúc mỗi người đều phải tự hỏi và giật mình nhìn lại: Ta đã ở đâu trong thế giới này?
Đội cao đẳng Nghề Đắk Lắk cũng mang lại cho ban giám khảo và khán giả một cảm giác rất mới mẻ, trẻ trung với vở kịch du lịch rất đời thường, phản ánh rất “chất” và thực tế sự quan tâm của du khác đến với Tây Nguyên. Dự án liên doanh các khu du lịch để mở một nhà phân phối tập trung mọi đặc sản cũng như điểm nổi bật của địa phương, để du khách dù chỉ với 1 ít thời gian, cũng có thể tìm hiểu và biết đến toàn bộ đặc sản của quê hương.
Xuất thân từ những người con của vùng đất nông nghiệp là chính, các bạn đều mong muốn góp phần nâng cao cuộc sóng của người dân địa phương, để đưa tỉnh mình phát triển hơn nữa, đất nước mình hùng mạnh hơn nữa. Đội cũng là đội chơi có phần phản biện với các đội bạn xuất sắc nhất, đưa ra rất nhiều câu hỏi hóc búa khiến đội chơi không ít lung túng.
Sau cùng là đội Đại học Tây Nguyên với lợi thế về mặt chuyên môn ngành học kinh tế, các bạn đã thuyết phục ban giám khảo bởi những lập luận vững chắc, ngắn gọn và xúc tích. Chính sự tự tin, kiến thức và quyết tâm cao độ, đội đã xuất sắc nhận được cơ hội bước tiếp vào vòng 2 của chương trình vào buổi chiều và cũng là đối thủ khiến 2 đội chơi còn lại khá lo lắng.
Ai sẽ là đội đại diện khu vực Tây Nguyên và biến dự án phát triển địa phương mình thành hiện thực?
Ý THẢO