Loại được ba đối thủ, nhóm sinh viên ĐH KHXH-NV (du lịch bụi cho du khách nước ngoài bằng xe buýt), ĐH Công nghệ thông tin (quảng cáo trực tuyến qua mạng xã hội) và ĐH Quốc tế (dự án làm giấy từ phân bò), đi tiếp vào vòng 2 tại cuộc “tranh tài” về ý tưởng làm giàu bền vững từ tiềm lực kinh tế địa phương miền Nam trong chương trình “Hành trình vì khát vọng Việt”, diễn ra tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM (cơ sở Linh Trung, quận Thủ Đức), sáng 17.11.
Các đội của ĐH Bách khoa (dự án sàn giao dịch ý tưởng), ĐH Khoa học tự nhiên (cung cấp dịch vụ cây xanh) và ĐH Kinh tế-Luật (sản xuất phân vi sinh từ trái điều) bị loại vì tính khả thi không cao của dự án.
“Các ý tưởng dự án của sinh viên rất táo bạo nhưng các đội bị loại vì tính khả thi của dự án chưa cao, còn lúng túng xử lý các vấn đề về nguồn vốn, nhân lực”, TS Nguyễn Tuấn Quỳnh (thành viên Ban giám khảo), nhận xét.
Tối 17.11, ban giám khảo Hành trình vì khát vọng Việt chính thức công bố kết quả. Đúng như dự đoán ban đầu, đội ĐH Quốc tế dù “mất điểm” trong câu hỏi phụ, nhưng ý tưởng “dự án sản xuất giấy từ phân bò” đã thuyết phục được ban giám khảo tại vòng 2 của Hành trình vì khát vọng Việt khu vực Đông Nam Bộ và trở thành một trong bốn đội có mặt ở vòng thi chung kết toàn quốc vào ngày 21.11 tới.
Đánh giá về các ý tưởng lọt vào vòng 2 khu vực Đông Nam Bộ, TS Vương Quân Hoàng – thành viên Ban giám khảo (BGK) cho biết, ý tưởng “sản xuất giấy từ phân bò” của đội ĐH Quốc tế là một dự án tốt hơn các dự án của đội bạn. Ý tưởng giữa các đội có sự chênh lệch khá rõ về sự hấp dẫn. Có những dự án đặt vấn đề hay, nhưng cách tìm hiểu phân tích chưa tới.
Đội trưởng đội ĐH Công nghệ thông tin Đào Anh Nguyên cũng cho rằng, đội ĐH Quốc tế xứng đáng đạt giải vì cách trình bày bài bản, thuyết phục.
Đồng tình, Nguyễn Vũ Nhật Anh, đội trưởng đội ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng đánh giá cao đội ĐH Quốc tế và cho hay, ĐH Quốc tế có lợi thế vì các thành viên dự thi đều “xuất thân” là sinh viên khối ngành kinh tế. “Còn đội chúng em, toàn sinh viên khối khoa học xã hội nên “thua” cũng dễ lý giải”, Nhật Anh chia sẻ.
Còn nhận xét chung về các phần thi của các đội, bà Tôn Nữ Thị Ninh – thành viên BGK cho rằng, các đội khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long năng động hơn các đội thi ở khu vực Đông Nam Bộ. BGK đánh giá cao phần thi giải quyết tình huống, vì đây là phần thi hay, thể hiện được tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm và dám chịu thất bại.
Đồng tình, TS Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng cho rằng, nếu có sự so sánh giữa các đội ở các khu vực, các đội thi khu vực Tây Nguyên có những ý tưởng khá độc đáo và trình bày ý tưởng của mình rất thuyết phục.
Theo motthegioi.vn