Việc khởi nghiệp sẽ rất vất vả, nhưng đồng thời cũng rất phấn khởi và hồ hởi. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy rất thích thú khi được nghe lời động viên từ những người đã từng khởi nghiệp và thành công. Sau đây là lời khuyên từ các doanh nhân được chắt lọc và tổng hợp lại, đồng thời cũng là kinh nghiệp của chính họ lúc khởi nghiệp. Đó là những phương châm đơn giản, nhưng chắc chắn đem lại hiệu quả to lớn.
1. “Đừng nghĩ, hãy làm”
Đó là điều mà một người lạ mặt nói với Jeff Curran, người thành lập và là CEO của Curran Catalog, một công ty nội thất gỗ tại Seattle. Lúc đó, Jeff chỉ mới hơn 20 tuổi.
Curran, lúc bấy giờ 25 tuổi và chỉ mới tham gia vào ngành nội thất này, ngồi cạnh một người đàn ông lạ mặt trên chuyến bay xuyên quốc gia. Trong lúc nói chuyện, Curran chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình và đưa ra suy nghĩ đắn đo. Nhưng khi chuyến bay kết thúc, người đàn ông đó đã “khai sáng” cho Curren. chỉ với một câu ngắn gọn “Đừng nghĩ, hãy làm”, Curran đã đầu tư toàn bộ 15.000 USD để thành lập công ty của riêng mình, và hiện tại công ty này đã trở thành một thương hiệu B2B và B2C rất có lời.
Curran, bây giờ đã hơn 47 tuổi, nhớ lại: “Sau chuyến bay đó, tôi đã ngồi trong phòng tắm nhà cha mẹ mình và cầm lấy một cuốn tạp chí tài chính. Tôi thấy ảnh của người đàn ông đó trên bìa tạp chí”. Hóa ra, đó là chuyên gia đầu tư quỹ tương hỗ Mario Gabelli.
Curran vẫn thực hành lời khuyên đó. Đầu năm nay, sau khi nghiên cứu về biên lợi nhuận trong ngành phụ tùng xe hạng sang, công ty Curran Catalog của ông đã tung ra một dòng sản phẩm mới: thiết kế sàn xe cho các nhà sưu tầm và các loại xe Châu Âu. Ông nói: “Đôi lúc bạn suy nghĩ quá nhiều về một quyết định lớn. Hãy cứ đơn giản là thực hiện nó”.
2. “Hãy để khách hàng của bạn dẫn đường”
Anupy Singla chưa hề có ý định xây dựng thương hiệu của mình dựa trên phương châm này, nhưng càng nhìn lại chặn đường lịch sử của Indian as Apple Pie, thương hiệu kinh doanh thực phẩm Ấn Độ của bà tại Chicago, Mỹ, bà càng thấy rằng khách hàng đã gợi ý cho chiến lược của mình.
Bằng chứng A: Khi những người kết bạn với bà (hay còn gọi là Friend) trên Facebook phàn nàn không thể tìm được các loại gia vị của Ấn Độ, ngay lập tức, bà đã đặt mua những loại gia vị này từ các nhà sản xuất và bán chúng. Bằng chứng B: Khi những người bạn và hàng xóm đề nghị bà dắt họ đi xem khu phố Ấn (Little India) tại tiểu bang Chicago, Singla bắt đầu tổ chức những tour du lịch thân mật qua các cửa hàng tại Đại Lộ Devon với giá 50 USD một người. Thậm chí Spice Tiffin, hộp đựng gia vị truyền thống của Ấn Độ mang phong cách hiện đại cũng được ra mắt thị trường cũng dựa trên yêu cầu của khách hàng.
Signla cho biết: “Quan điểm của công ty là giúp mọi người dễ dàng tìm được thức ăn của Ấn Độ. Nếu khách hàng nói họ cần một món nào đó, thì nhiệm vụ của tôi là cho họ điều họ muốn”.
Singla sinh tại Chandigarth, Ấn Độ, bà cùng cha mẹ di cư sang Mỹ khi còn nhỏ. Mục tiêu lớn nhất của bà là bán được các sản phẩm của mình tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, đến lúc đó, bà có kế hoạch thu thập phản hồi của khách hàng về các sản phẩm thử nghiệm và xem có những khó khăn gì? Bà nói: “Nếu có gì đó không đúng, họ sẽ cho tôi biết?”
3. “Đam mê là tất cả”
Ở một mức độ nào đó, đặc biệt là trên giấy tờ, thương hiệu rượu mới của Corey T. Nyman, Labor Wines, chỉ tập trung vào tiền và tiền. Tuy nhiên, người đàn ông đến từ Las Vegas này lại cho rằng có một động lực mạnh mẽ hơn đã thúc đẩy kinh doanh của mình đó là lòng yêu thích công việc.
Đối với Nyman, Labor Wines là đỉnh điểm của 20 năm trong ngành kinh doanh tư vấn thực phẩm và nước giải khát của gia đình mình và cũng là đỉnh cao của hơn một thập kỷ ao ước tự làm, tự bán loại rượu Oregon của chính mình.
Ông chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm vương quốc rượu Oregon nhiều lần ghé thăm tiểu bang này vào năm 2002 và chưa từng có nơi nào hấp dẫn tôi đến như vậy. Vì vậy, tất cả những gì tôi muốn làm sau đó là đền đáp điều gì đó lại cho nơi này”.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, Nyman đã nảy ra những mẫu sản xuất rượu truyền thống trong đầu. Thay vì đầu tư vào đất đai – một phương pháp đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn – ông và một đối tác kinh doanh của mình đã làm việc với những người trồng nho để mua một khoảng vườn trong số các khu vườn nho của những người này và sau đó trả tiền cho họ để làm rượu. Sản lượng tuy ít, nhưng nhờ những mối làm ăn của Nyman tại các nhà hàng và nhà phân phối toàn quốc, Labor Wines đã có mặt trên hơn 35 tiểu bang.
Nyman nói: “Tôi đã lập một nhà máy rượu Oregon ngay tại Las Vegas, nếu tất cả những điều đó không phải là đam mê thì tôi không biết gọi đó là gì”.
4. “Không có lựa chọn nào ngoài kiên trì và chăm chỉ”
Đây là câu “thần chú” giúp Leo Rocco vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trong quá trình thành lập GoPago, công ty thanh toán di động tại San Francisco vừa nhận được khoản tài trợ triệu đô từ JPMorgan Chase. Trước đó, Rocco phải tự chi 500.000 USD cho công ty này, Khoản tín dụng tối đa của ông, làm ba năm mà không có lương, đối mặt với lệnh thu hồi tài sản và hiệu quả kinh doanh đã tuột xuống mức thấp nhất đến 3 lần.
Rocco thừa nhận: “Lúc đó tôi đã rất căng thẳng. Tôi phải kiên trì và sử dụng hết tâm trí để tiếp tục những gì mình đang làm và chống lại những ý tưởng nghi ngờ đang dần xuất hiện, nhưng khi bạn thực sự tin vào doanh nghiệp mà chính mình đã tạo ra, thì không còn cách nào khác ngoài tiếp tục tiến lên”.
Rocco cũng tự hào khả năng kiên trì của mình là do thừa hưởng từ cha mẹ mình, những người Ý nhập cư vào Mỹ với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, họ đã xây dựng được một công ty may mặc thành công tại Buffalo, New York.
Ông chia sẻ: “Cha mẹ đã dạy tôi rằng nếu vấp ngã thì hãy tự đứng lên; nếu ai đó ngăn chặn bạn tiến lên, hãy tự tìm đường đến nơi mình muốn. Khi thất bại đã gần trước mắt, bạn hãy tự hứa với mình rằng sẽ không thất bại. Đây không phải là điều điên khùng, mà là chăm chỉ”.
5. “Tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh dù là nhỏ nhất”
Mike Masnick, người sáng lập và CEO của Floor 64, một công ty phân tích và tư vấn tại Sunnyvale, California, thừa nhận rằng câu nói này không phải lúc nào cũng đúng đối với một số ngành nghề. Nhưng đối với Masnick, người đã thu về hàng tá dòng doanh thu cho công ty mình, thì đó là phương châm kinh doanh.
Floor 64 hiện đang quản lý 2 trang web lớn, bao gồm Techdirt, một trang blog phân tích về công nghệ và kinh doanh, và Insight Community, một thị trường giúp các công ty kết nối với các cộng đồng đa dạng về ngành nghề. Trang web này tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân tích các loại thị trường cạnh tranh cho các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, đồng thời cũng ra sức cải thiện chính sách của chính phủ về quyền cá nhân và sở hữu trí tuệ.
Ông nói: “Chẳng có lý do gì mà một công ty không thể kinh doanh các sản phẩm hay dịch vụ khách nhau cùng lúc. Hãy cho đó là một doanh mục đầu tư và đừng chỉ bỏ toàn bộ tiền của mình vào một mặt hàng duy nhất”.
Trọng tâm của lời khuyên từ Masnick là: Dù bất cứ điều gì xảy ra, hãy cứ đổi mới không ngừng. Nói tóm lại, điều này đỏi hỏi một kiến thức cơ bản lợi ích mà thị trường của bạn đang tìm kiếm và nắm lấy ưu thế về công nghệ cũng như các thay đổi trong công nghệ.
Ông nói: “Nhờ cải tiến và cung cấp lợi ích ngày càng lớn cho khách hàng, bạn sẽ không còn phải lo các đối thủ sẽ bắt kịp, vì bạn luôn luôn dẫn đầu”.
6. “Mối quan hệ trong công ty cũng phải tốt”
Là những người sáng lập và CEO của Little Passport tại San Francisco, một công ty chuyên về giáo dục thông qua du lịch cho trẻ em, Amy Norman và Stella Ma luôn nhắc nhở chính mình phương châm này.
Họ quen biết nhau vào năm 2004 khi đang nắm giữ chức vụ cao trong eBay và trở thành bạn thân. Khi bắt đầu nghỉ việc và thành lập Little Passport vào năm 2009, họ mới nhận thấy mình phải đối đầu với một thử thách mới – điều mà có thể ảnh hưởng đến tình bạn giữa cả hai. Tuy nhiên, kể từ đó, họ đã vượt qua và thành công nhờ vào cam kết phải thẳng thắn với nhau.
Ma nói: “Chúng tôi thấy việc thành thật với nhau trong giao tiếp là rất quan trọng”.
Norman tiếp lời: “Trước khi thành lập công ty này, chúng tôi đã bàn với nhau về cách giải quyết những bất đồng quan điểm. Nhờ vậy, lúc xảy ra chuyện, chúng tôi công khai quan điểm của mình, bàn về chúng và tiếp tục tiến lên”.
Tin cậy lẫn nhau cũng rất quan trọng, đó là lý do Norman và Ma chia nhau chức vụ CEO. Mỗi người có quyền tự hành xử dựa trên danh nghĩa của Little Passport; nếu một trong hai phải lo cho gia đình trong lúc cuộc họp quan trọng đang diễn ra, người kia sẽ thay mặt công ty “độc diễn”. Họ cảm thấy thích thú khi có thể hoán chuyển vị trí cho nhau. Norman nói: “Nếu không có sự tin cậy, điều này không bao giờ thực hiện được”.
7. “Mở ra với mọi cơ hội”
Nếu không có cách suy nghĩ này, thì Wicked+ sẽ không được như ngày nay. Đây là công ty marketing và quảng bá thương hiệu tiêu biểu trong nhiều năm, sở hữu một nhà kho rộng 500m2 ngay trung tâm Hermosa Beach, California.
Những ai đi qua đều cho rằng đó là một cửa hàng lớn, và họ cũng muốn đến để mua những gì mình nhìn thấy qua cửa kính. Dần dần, hai anh em Brian và Colin Cooley, người sáng lập công ty này, mở rộng kinh doanh thêm mảng bán lẻ.
Ngày nay, cửa hàng kiêm công ty marketing này cũng bán một số mặt hàng từ các công ty địa phương bao gồm xe đạp, dao cạo an toàn, máy làm cà phê Chemex và cả áo thun. Ngày nào cũng vậy, cả hai đều có thể vừa viết kịch bản quảng cáo vừa bán hàng.
Brian cho biết: “Lúc trước, tôi không hề nghĩ rằng chúng tôi sẽ biến Wicked+ thành một thương hiệu bán lẻ, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội và đã nắm lấy nó”.
Ông cho rằng chiến lược này là “những khoản đầu tư nhỏ”, cả hai không dự định sẽ đầu tư lớn vào hoạt động bán lẻ, nhưng họ vẫn từ tốn thử nghiệm cơ hội của mình. Hiện nay, hai anh em nhà Cooley thấy rằng cửa hàng của họ có khả năng thành công, nên họ dự định sẽ đầu tư lớn hơn: mở rộng không gian cửa hàng. Brian nói: “Chúng tôi muốn phát triển, nhưng chúng tôi không muốn làm điều đó cách nhanh chóng”.
(Theo doanhnhanthanhdat)