Tuổi thơ của GS Hưng gắn liền với gian khó và khắc nghiệt của chiến tranh nơi quê nhà Điện Bàn. Mẹ chẳng may mất sớm, ông lớn lên với bố. Ông bảo tuổi thơ mình bị thất học, chỉ “biết đọc biết viết sơ sơ thôi” chứ không có gì là bài bản cả. Chính điều đó sau này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông.
Phải “học nhảy” để đeo đuổi ước mơ
Ông kể, vừa tham gia Ủy ban kháng chiến, vừa trong cảnh “gà trống nuôi con”, bố ông cảm thấy con mình bơ vơ quá nên quyết định gửi vào cho một người em ruột ở Sài Gòn để được đi học. Trong vòng 1 năm được chỉ dẫn để luyện thi tiểu học, ông đã vượt qua và được vào học ở Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Nơi đây ông mới được học hành bài bản, được các thầy giáo dạy rất nghiêm túc. Do lớn tuổi ông phải học “nhảy lớp”. Buổi sáng học lớp đệ tam (lớp 10) ở Trường Petrus Ký, buổi tối học đệ nhị (lớp 11) ở Trường tư thục Phan Sào Nam. Ông bảo phải “học nhảy” chứ nếu không khi tốt nghiệp tú tài rồi mà quá tuổi quy định buộc phải đi lính, giấc mơ du học vì thế sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Và ông đã thực hiện được giấc mơ đời mình nhờ giữ vững ý chí và quyết tâm ngay từ những ngày đầu.
Trong 50 năm học tập, giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Liège (Bỉ), ông tiếp tục vượt qua nhiều trở ngại để từng bước khẳng định tài năng, ý chí của một người Việt. Cũng trong khoảng thời gian này, ông không ngừng cống hiến công sức mình thông qua việc là sáng lập viên và điều phối viên tại Đại học Liège nhiều chương trình cao học với sự hợp tác của hàng chục trường đại học ở Tây Âu và Đông Âu. Ông còn là thành viên mạng lưới áp dụng công nghệ thông tin vào kỹ nghệ tại châu Âu; thành viên Hội đồng các chuyên gia Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp; thành viên các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp quốc tế, như Hội các nhà cơ học Canada, Hội chuyên gia quốc tế về cấu trúc bản và vỏ (I.A.S.S.), Hội đồng phản biện cơ học ứng dụng (Mỹ), Hội đồng tính toán cấu trúc lò nguyên tử của cộng đồng châu Âu…
Không phải người nước ngoài nào ở Bỉ cũng được vinh danh nhiều lần với những danh hiệu cao quý như GS Nguyễn Đăng Hưng. Năm 1984, ông được Hàn lâm viện Khoa học – văn học và nghệ thuật Hoàng gia Bỉ tặng huy chương. 12 năm sau, ông được chính phủ Bỉ tặng huy chương Lao động hạng nhất.
Đặc biệt, GS Hưng còn được tuần báo VIF-EXPRESS vinh danh là một trong 20 người nước ngoài “làm cho nước Bỉ đổi thay”, trong đó ông là người châu Á duy nhất. Ông cũng được tặng thưởng huân chương đại thần mang tên vua Léopold II (1999) và mang tên “Vương triều nước Bỉ” (2006).
Trở về thực học để đào tạo người có thực tài
Bằng tâm huyết hướng về quê hương đất nước mình, những năm qua GS Hưng đã tích cực tạo cầu nối giữa hoạt động đào tạo cao học ở nước ngoài và trong nước. Ông sáng lập và điều phối nhiều dự án đa quốc gia như: “Giúp các trường đại học Việt Nam đào tạo nghiên cứu sinh về việc sử dụng máy tính trong cơ học vật rắn”; “Thạc sĩ châu Âu về cơ học xây dựng, EMMC” (thực hiện tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM); dự án “Thạc sĩ châu Âu về tính toán các môi trường liên tục, MCMC” (thực hiện tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội)… Các chương trình này đã có gần 800 kỹ sư Việt Nam theo học và gần 350 người đã được Đại học Liège (Bỉ) cấp bằng. Gần 60 người trong số này đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước tiên tiến trên thế giới. Phần lớn họ đã về nước và đang đóng vai trò tích cực, trọng yếu trong việc tham gia giảng dạy hay nghiên cứu khoa học tại các đại học lớn ở Việt Nam.
Trò chuyện với chúng tôi trong một ngôi biệt thự ven sông mà ông đang cư ngụ ở P.Phú Hữu, Q.9 (TP.HCM), GS Hưng cho biết ông đã từng tham gia thảo những kiến nghị cụ thể về đổi mới tư duy và việc chọn lựa hướng giải quyết cho ngành giáo dục Việt Nam trong cơ chế thị trường từ năm 2004, nhưng cho đến nay những kiến nghị ấy vẫn còn rất thời sự bởi kết quả thay đổi chưa được bao nhiêu. Ông bảo rằng tư duy giáo dục hiện nay đang chạy theo thành tích, theo con số, theo hư danh.
Chính tư duy có “tính phong trào” này đã dẫn đến tâm lý sính đại học, coi thường cao đẳng, sính bằng cấp coi thường thực học. Chúng ta phải trở về thực học để đào tạo người có thực tài. Phải trở về với quan điểm truyền thống của dân tộc Việt: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Bởi người có bằng tiến sĩ chưa chắc đã là người có thực tài! Có nhiều tiến sĩ hiện nay tuy được đào tạo bài bản nhưng lại phải đang “hành nghề khác” hay không nghiên cứu thêm, chỉ làm quản lý. Như vậy thì rất phí phạm vì chẳng đóng góp được gì cho khoa học, cho giáo dục. Tổ chức giáo dục cần hướng tới tri thức quốc tế. Việc quan trọng cần tránh nhất chính là đừng để cho giáo dục trở thành hàng hóa thuần túy.
Ông bảo mình có tâm hồn lãng mạn từ nhỏ, chỉ thích làm thơ làm văn nhưng rồi phải chuyển sang con đường nghiên cứu khoa học vì nghe theo lời bố khuyên “học văn chỉ có chết đói con à”. Giờ đã ngoài 70 tuổi, nghỉ hưu và trở về Việt Nam, ông quay lại với niềm đam mê văn thơ, âm nhạc thuở nhỏ và coi đó là niềm vui sống của ông mỗi ngày. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm 40 năm đứng trên bục giảng tại châu Âu và các nước phát triển trên thế giới cho một số trường đại học lớn tại Việt Nam với tư cách cố vấn cao cấp.
Đình Phú
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.