Năm nay 72 tuổi, GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, vẫn nóng bỏng những thao thức làm cho nông dân giàu lên và đổi mới được sự nghiệp giáo dục, như hồi còn làm việc ở ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang…
GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Châu Đốc, An Giang. Lúc nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Ông đã từng đi bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Thế mà một ngày đầu tháng 4.1975, trong khi nhiều người rời đất nước, ông quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật.
Xác định mục đích sống cho đời mình
Còn nhớ, trong một căn phòng làm việc chật chội ở ĐH Cần Thơ hồi năm 1985, GS Xuân nói: “Anh nghĩ coi, nông dân mình, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. Trong lúc đó, ở các nước tiên tiến, nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước ti vi, lò sưởi hoặc đến các câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắn là họ không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình”. Rồi ông lại đăm chiêu: “Cây lúa ĐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí… Làm sao để tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bám sống ven quốc lộ với tỷ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho số phận”.
Mười năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, hoạt động khoa học của GS Xuân, với tư cách Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Ông đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.
Ông tâm sự: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình – những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình là phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất, theo tôi, là phải đào tạo con người có tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển đất nước”.
Đóng cửa trường ra đồng cứu lúa
Nhớ lại cái thời cả nước thiếu gạo, ĐBSCL bị dịch rầy nâu, ĐH Cần Thơ tạm đóng cửa để ra đồng cứu lúa, ông kể: “Đó là một quyết định táo bạo. Trong lúc ruộng lúa cao sản của hàng trăm ngàn nông dân bị thiệt hại vì rầy nâu, không còn gạo để ăn mà phải ăn thân cây chuối xắc mỏng, biện pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất là sử dụng giống lúa kháng rầy nâu phủ kín đồng bằng. Cách thực hiện cũng phải phù hợp với thực tế. Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục. Đây là một sự phối hợp lực lượng rất độc đáo. Từ 5 gr hạt giống lúa IR36 gửi trong một bao thơ từ Viện Lúa quốc tế ở Philippines, tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau hai ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép/bụi, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ Khoa Trồng trọt đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1 kg lúa giống IR36 để cấy ra 1.000 m2 trái với tập quán của nông dân là phải cần đến 8-10 kg lúa giống. Cán bộ nông nghiệp ở các huyện, xã trong tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ bố trí cho từng sinh viên đến ruộng của nông dân đang gặp hại để chuẩn bị trồng giống lúa IR36 theo kỹ thuật mới. Ba tháng sau, tất cả các ruộng IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa để không bị ăn cắp giống. Bà con đổi lúa giống cho nhau và tiếp tục nhân giống kiểu 1 tép/bụi như sinh viên đã hướng dẫn, và chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”.
Nhìn lại công cuộc đổi mới về kinh tế của đất nước, GS Xuân nhận xét: “Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, có đổi mới. Từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập là nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách và đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được cái nghèo”.
Huỳnh Kim
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.