Thông qua 3 cuốn sách mà công ty đã trao tặng cho mọi đối tượng trên mọi miền đất nước, đồng thời trao tặng đến tất cả các thành viên của tổ chức, với thông điệp ngắn gọn nhưng hội đủ giá trị và ý nghĩa: “Một cuốn sách hay, thay đổi đời người”.
Trong cuốn sách “Nghĩ giàu làm giàu” của Napoleon Hill, tác giả đã thực hiện công việc nghiên cứu hơn 30 năm cuộc đời để lý giải bí quyết thành công của hàng trăm người, để tìm ra công thức làm giàu vật chất giúp cho hàng nghìn, hàng triệu người khác có mưu cầu thực sự để ứng dụng và làm giàu cho chính mình, cho xã hội. “Nghĩ giàu làm giàu” cũng là một thông điệp ông muốn gửi gắm đến độc giả rằng chỉ khi có lối tư duy tích cực, sống chết với mục tiêu và đam mê của cuộc đời để đi đến cùng với việc hiện thực hóa giấc mơ của mình, thì mới tạo ra hành động để có được kết quả thật sự. Nếu không “nghĩ giàu” – và không tin rằng mình sẽ “giàu”, thì cũng sẽ không có hành động “làm giàu” và tạo ra kết quả “giàu”. Ông đã rút ra những tố chất để tạo nên một con người thành công, không gì khác hơn là một con người có khát vọng – hoài bão lớn, niềm tin mạnh mẽ nhất định mục tiêu đó sẽ thành công. Khát vọng hay ước mơ, dù cho lớn lao xa vời và tưởng chừng như không thể, đặc biệt là vấp phải sự phản đối quyết liệt của đại đa số, nhưng khi có một niềm tin mạnh mẽ và xác đáng vào thành công thì thành công sẽ chắc chắc xảy ra trong tương lai. Bởi thế mà cái giá của việc phát minh thành công bóng điện là sau hàng chục ngàn lần thất bại của Edison, hoặc khi các kỹ sư hàng đầu sau cả năm trời nghiên cứu một cách chuyên tâm vẫn quả quyết không thể tạo ra loại động cơ xe hơi công suất lớn, nhưng Henry Ford vẫn không chấp nhận từ bỏ và bắt buộc đội kỹ sư của mình tiếp tục làm việc để cuối cùng là tìm ra được công thức như một phép lạ. Nền tảng của niềm tin và khát vọng lớn không thể nào bắt nguồn từ một khối óc ngô nghê, mà phải từ một cái đầu bản lĩnh, có am hiểu và có kiến thức, có ý thức không ngừng học hỏi những tri thức mới và cần thiết cho chính công việc mà mình đang theo đuổi. Và một điều quan trọng cuối cùng đó chính là, vượt qua tất cả mọi nỗi sợ hãi để đi đến cùng với đam mê. Nỗi sợ hãi có 2 loại: xuất phát từ chính bản thân bạn hoặc xuất phát từ ám ảnh hoặc định kiến của xã hội. Tôi cho rằng loại sợ hãi thứ nhất có thể dễ dàng vượt qua, còn xuất phát từ định kiến của xã hội thì phức tạp và bản thân mỗi người phải đấu tranh để vượt qua. Bản lĩnh của một người thành công đòi hỏi bạn cần phải nhận chân ra tất cả mọi loại hình của sợ hãi, sẵn sàng thách thức nó, đối mặt với nó và vượt qua nó. Tất cả mọi tố chất trên, chính là những điều tiên quyết, để tạo nền tảng hình thành một tính cách của một con người thành công. Bạn không chỉ khắc sâu nó, mà cần lặp đi lặp lại nó nhiều lần để tự hình thành cho chính mình lối tư duy, cách sống chủ động và xem hành động của mình áp dụng theo những nguyên tắc trên như là hơi thở của chính mình, như là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời của mình, chắc chắn bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Những con người vĩ đại, sẽ góp phần tạo ra một quốc gia vĩ đại. Song song đó, ở những quốc gia vĩ đại, hiển nhiên sẽ tạo ra những con người vĩ đại. Điều đó được thể hiện ở trong 2 cuốn sách còn lại là “Quốc gia khởi nghiệp” và “Khuyến học”.
Trong “Quốc gia khởi nghiệp”, chúng ta sẽ không khỏi bị lôi cuốn, ấn tượng và cảm thấy kinh ngạc, thán phục khi được tác giả kể lại một câu chuyện tưởng như hoang đường, thần kỳ nhưng lại đang có thật và đang diễn tiến từng ngày. Israel – một quốc gia nhỏ bé chỉ với 8 triệu dân, với lịch sử vẻn vẹn hơn 60 năm lập quốc, trải qua nhiều cuộc chiến, bao vây là kẻ thù – các quốc gia đối nghịch luôn gây sức ép và bắt buộc Israel luôn trong tình trạng bị “bế quan tỏa cảng”, một quốc gia hết sức khắc nghiệt vì không có tài nguyên, đất đai khô cằn và nhiều vùng bị nhiễm độc. Đối diện trước nghịch cảnh đầy thê lương đó, những con người Do Thái đó đã vượt qua như thế nào để đưa Israel trở thành quốc gia đứng đầu về công nghệ bậc cao và nông nghiệp luôn dẫn đầu về xuất khẩu? Điều đó được lý giải bằng chính nghịch cảnh đã tạo ra những con người quả cảm muốn vượt qua mọi thách thức, mọi hiểm nguy để có được một cuộc sống phồn thịnh, có một quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng. Là quốc gia nhỏ bé, nhưng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp luôn cao nhất trên thế giới, và là nơi sản sinh ra những sáng chế nhiều nhất trên toàn cầu. Các công ty công nghệ cao của Israel tiếp tục có cổ phiếu được giao dịch trên sàn Nasdaq và là một quốc gia không thuộc Hoa Kỳ có nhiều công ty được niêm uyết nhiều nhất trên sàn giao dịch này và đặc biệt là quốc gia dẫn đầu về R&D. Tự thân Israel đã là một quốc gia khởi nghiệp, mọi chính sách và thể chế đều cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp, nhà nước cũng xác định vai trò của mình trong việc tạo ra những chính sách cải tiến để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong mỗi một công dân Israel, với tinh thần khởi nghiệp được hun đúc từ nhỏ, với một trái tim của một chiến binh quả cảm không bao giờ biết chấp nhận thất bại, và với một khối óc sáng tạo mạnh mẽ, đã giúp cho đất nước trở thành quốc gia sáng chói khiến cho các nước phát triển kinh ngạc. Bạn sẽ ngạc nhiên và phấn khích bởi tinh thần khởi nghiệp không phải được hình thành từ những lớp trẻ đi chọn trường Đại học danh tiếng mà chính là lớp trẻ muốn đi “tòng quân”.
Tinh thần khởi nghiệp chính là được hình thành trong các trung tâm quân sự, và do đó các tổ chức tuyển dụng thường không nhìn vào quá khứ học vấn mà là quá khứ cống hiến cho quân đội. Công dân Israel đã xác định trách nhiệm của mình đối với vận mệnh quốc gia, do đó việc đăng ký nghĩa vụ quân sự không chỉ là cống hiến, mà đó còn là niềm tự hào của họ. Do đó, người Do Thái luôn không ngừng vận động và sáng tạo, ngay trên chiến trường máu lửa – nơi sự sống và cái chết là một lằn ranh mỏng manh. Chúng ta đã nhắc đến tinh thần khởi nghiệp, tinh thần chiến binh, doanh nhân và tinh thần sáng tạo vô biên của các công dân Israel. Và hẳn là chúng ta tự hỏi, điều gì cốt lõi đã giúp tạo ra những con người như thế, những con người tin rằng mình có thể vượt qua và thắng cả Trời để tạo ra thiên đường cho chính mình? Để trả lời câu hỏi đó, cuốn sách đã cho chúng ta biết lý do rất tiến bộ mà mọi quốc gia, dân tộc cần noi gương và làm theo. Đó là phương pháp giáo dục bình đẳng tuyệt đối, không có người trên kẻ dưới mà đặt sự bình đẳng làm thước đo cho mọi cuộc đối chất, mọi cuộc khảo cứu. Và sáng kiến cũng được hình thành từ trong một xã hội bình đẳng đó, nơi mà lính có thể thoải mái bàn chuyện với tướng quân, công dân có thể thoải mái đối chất với Tổng thống. Chính từ phương pháp này, đã giúp người Israel hình thành tư duy phản biện, hoài nghi và hoài bão vượt qua mọi định kiến, quy luật để đạt được điều mình muốn. Thông qua “Quốc gia khởi nghiệp”, có thể thấy rằng để tạo ra một đất nước hùng mạnh và những con người quả cảm, thì quốc gia đó phải có một tầm nhìn sáng suốt, biết nhìn lại quá khứ để từ bỏ mọi trở ngại, định kiến, xây dựng và hun đúc những đức tính cần thiết cho mọi công dân, biến họ trở thành những chiến binh đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, góp phần đưa quốc gia trở thành quốc gia hùng cường, cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế.
Như vậy, tôi và các bạn đã lần lượt khám phá 2 cuốn sách để thấy được tinh thần và tố chất để tạo nên những con người vĩ đại và quốc gia vĩ đại. Và thông qua các cuốn sách, các tác giả cũng đã gửi gắm một thông điệp đó là tố chất và tinh thần được hội tụ trong một con người có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải học, không ngừng học hỏi. Điều này còn đặc biệt quan trọng và cần thiết hơn cả khi các công dân đang bị “xiềng xích” trong một đất nước – một xã hội được “cai trị” trong một thể chế – chính sách cũ với những quy định – lề thói cổ hũ lạc hậu không còn phù hợp, làm hạn chế sự phát triển của quốc gia, của dân tộc. “Khuyến học” của tác giả người Nhật Fukuzawa Yukichi đã chỉ ra điều này vào cuối thế kỷ thứ 18 cho quốc dân Nhật Bản, và chính từ những tư tưởng vượt thời đại của ông đã tác động mạnh mẽ làm bừng tỉnh cả đất nước Nhật Bản lúc bấy giờ và góp phần quan trọng để tạo ra một đất nước – một tinh thần Nhật Bản của ngày hôm nay. Vậy tư tưởng đó là gì? Thông qua toàn bộ nội dung của cuốn sách và lời dẫn nhập của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, hẳn mọi người cũng đã rõ tư tưởng của tác giả. Tôi chỉ xin phép đúc rúc ngắn gọn về sự tâm đắc của bản thân mình, khi mà dù những nhận định về bản thể con người, về cảm xúc và nhận định của họ, về trăn trở của họ với sự nghiệp và cuộc sống dù được tác giả nêu ra cách đây hơn 3 thế kỷ nhưng lại luôn đúng trong xã hội ngày nay, luôn giúp mỗi cá nhân như tôi và các bạn khác khám phá về chính mình, để biết khắc phục hạn chế hoặc tư duy sai lệch của mình, khai thác điểm mạnh để thực hiện công việc hiệu quả hơn, đạt được nhiều kết quả hơn. Mọi chỉ dẫn, nhận định của tác giả đều với một mục đích để giúp mỗi cá nhân đạt được điều tôi đã nói trên để nhằm thúc đẩy tinh thần quan trọng bậc nhất – tinh thần quan trọng sống còn với tiến bộ, với phát triển, đó chính là tinh thần tự học. Học, không chỉ đơn thuần là học hỏi kiến thức từ sách vở, mà là quá trình học hỏi không giới hạn từ mọi thứ, mọi nơi, mọi người. Nhưng việc học cũng phải được chọn lọc và được xác định cần thiết với mục tiêu của chính mình. Hay nói cách khác, học những điều cụ thể, thực dụng, thực tiễn có thể ứng dụng vào đời sống, vào công việc. Cuốn sách đã nêu lên một quan điểm rất tâm đắc và luôn luôn đúng với mọi quốc gia đó chính là nguyên tắc bình đẳng “Trời không tạo ra người đứng trên người mà cũng không tạo ra người đứng dưới người”, khác chăng là do trình độ học vấn của mỗi người. Trình độ học vấn không phải là bằng cấp, học hàm học vị mà đó là năng lực và trình độ hiểu biết của người đó, khả năng ứng dụng để giải quyết mọi công việc. Mục đích của việc tự học, của việc không ngừng học hỏi, tích lũy tri thức là để hình thành nên một con người chuẩn mực, biết xác định đúng sai, biết làm giàu cho bản thân và có trách nhiệm với xã hội, biết tiếp thu có chọn lọc, biết nhận ra khiếm khuyết và phát huy thế mạnh để hun đúc nên một tinh thần, khí chí mạnh mẽ – quả cảm để cuối cùng là góp phần cho sự phồn thịnh cho quốc gia, dân tộc. “Khuyến học” là tác phẩm có giá trị đặc biệt lớn đối với người Nhật Bản nhiều thế hệ, giúp họ thoát ra u mê mông muội của hơn 1000 năm phong kiến, giúp cho đất nước mở cửa học hỏi phương Tây và đưa Nhật Bản trở thành cường quốc chỉ sau Hoa Kỳ. Chính với tinh thần tự học, quyết tâm học hỏi mọi tiến bộ của nhân loại để ứng dụng cho đất nước, chính nhờ tinh thần tự lực, tự cường đã tạo nên một Nhật Bản của ngày hôm nay. Và cũng từ tinh thần đó, mà người dân Nhật đã kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh của quốc gia, từ thảm họa chiến tranh cho đến thiên tai.
Quay lại Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam sẽ ứng dụng gì từ 3 cuốn sách để giúp chúng ta trở thành một chiến binh thực thụ, rèn luyện trở thành một con người có chí khí và tinh thần dám dấn thân, luôn chủ động để tạo ra giá trị thực sự, đóng góp hết sức mình cho tổ chức, cho xã hội. Câu trả lời đã có hết trong 3 cuốn sách này. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào hành động của tôi và các bạn.
Nguyên Ngọc – Tp Hồ Chí Minh