“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” – Trích “Bài Kí” của Thân Nhân Trung, năm 1484.
Từ xa xưa con người Việt Nam đã ý thức được rằng một Quốc Gia, một Dân Tộc muốn giàu mạnh thì phải xây dựng dựa vào những “hiền tài” tức là những người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.
“Một quốc gia đi lên phải có 5 yếu tố: vị trí địa lý, diện tích, quy mô dân số, thiết kế hạ tầng và dân khí”. Tại sao trên thế giới có nhiều nước giàu mạnh, trong khi nước ta cũng có những điều kiện lý tưởng ở 3 yếu tố đầu tiên nhưng vẫn chưa giàu mạnh? Đó là câu hỏi mà biết bao nhà lãnh đạo trong các thời kỳ lịch sử muốn tìm câu trả lời. Ngay từ khi đất nước ta độc lập, các nhà lãnh đạo đã phát động phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt “, xem cái “dốt” là “giặc” và cần phải đẩy lùi để cho dân ta được học, được tiến bộ, tiếp thu những văn minh hiện đại trên thế giới. Ngày nay, Chủ Tich của chúng ta tâm huyết tặng sách “Khuyến học” cho thanh niên Việt Nam, phải chăng Chủ Tịch cũng coi “ngu dốt” là “giặc”, và theo “tinh thần chiến binh” thì đã là “giặc” thì phải “đánh”, và đã “đánh” là phải “thắng”.
Ngay từ thuở nhỏ, tôi cũng như các bạn, đều được ông bà, cha mẹ, anh chị nhắc nhở rằng: lớn lên phải học thật giỏi, thành đạt, làm giàu cho quê hương đất nước. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó vì trong tiềm thức mỗi con người lại học vì những mục đích khác nhau, có những người cố gắng học chăm chỉ thành tài, chăm lo cho gia đình, làm giàu cho quê hương, cũng có những người đi học cho vui hay bị ép,…cũng có những người học rất giỏi, nhiều bằng cấp, nhiều chứng chỉ nhưng vẫn thất nghiệp? Nội dung sách “Khuyến học” đã giải đáp cho chúng ta khá rõ thế nào là học vấn, học để làm gì, học như thế nào, và “không thể có miếng ăn ngon nếu chỉ là cái “tủ kiến thức””.
Trong sách cũng có nói “không có gì đáng sợ hơn là ngu dốt” và “người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học”. Đúng vậy, ngu dốt thì làm sao nuôi dạy được con cái nên người, làm sao chăm sóc được cho bản thân và gia đình, dân ngu dốt thì hỏi Đất Nước có hùng mạnh được không? Nếu vô học con người sẽ không bảo vệ được chính mình, sẽ luôn phải chịu thiệt thòi, bất công. Vì lẽ đó chúng ta cần phải xác định rõ được mục đích của việc học như thế nào cho đúng và học để làm gì? Nếu chúng ta có tài năng thì hãy cống hiến vì đất nước này. Mình làm giàu cho quê hương đất nước cũng là để lo cho con cháu về sau được hưởng, để cho đời sau nhớ đến công lao của các thế hệ đi trước. Xã hội không ngừng tiến bộ đổi mới, mỗi một phát minh hôm nay đều có thể sẽ lạc hậu ngày sau. Vì vậy chúng ta cần liên tục tiếp thu và phát triển nền khoa học của nhân loại. Nước Nhật Bản sau thế chiến II bị tàn phá nặng nề nhưng họ đã đứng lên nhanh chóng trở thành cường quốc. Đất nước chúng ta tuy nhỏ bé nhưng có nhiều tài nguyên , nhiều tiềm năng phát triển. Vậy tại sao lại không giàu mạnh như họ? Mỗi chúng ta nếu ai cũng nhận thức được rằng chính chúng ta là những tế bào của xã hội, nếu mỗi người trong chúng ta đều giàu có, thành đạt thì đất nước ắt hắn sẽ mạnh giàu. Nếu bạn có tài năng đừng nên để mai một, hãy làm giàu cho đất nước để Việt Nam có thể vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm Châu.
Tôi và các bạn, mỗi một “chiến binh Trung Nguyên” hãy chung tay góp sức làm cho Trung Nguyên vững mạnh, góp phần làm giàu cho quê hương để Việt Nam ngang hàng với các cường quốc. Cuốn sách “Khuyến học” mà Chủ Tịch đã tặng là sự khích lệ tinh thần cho chúng ta trong công việc, để phụng sự cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh, là sự tiếp nối tinh thần “Học, học nữa, học mãi”, để tạo dựng nên những “chiến binh Trung Nguyên” giỏi nhất, kỷ luật nhất, sẵn sàng cho mọi công tác. Cuốn sách cũng đang thôi thúc tôi học và quyết tâm học để lập nghiệp.
“Cùng chung tay sáng tạo vì khát vọng Việt. Khi cùng nhau không gì là không thể”.
Nguyễn Văn Tư – Bắc Giang