Những ai có dịp lên trang trại M’drak sẽ thường thấy một người đàn ông khuyết một tay khi thì di tuần vòng quanh khu nhà dài dành cho khách, lúc lại tất bật chuẩn bị chăn, nệm cho các vị khách của Chủ tịch đến thăm với dáng vẻ cặm cụi, chăm chỉ. Anh là Nguyễn Chính Hà, bảo vệ kiêm nhân viên hậu cần tại trang trại, người đã gắn bó với Trung Nguyên suốt 10 năm.
“Tôi chỉ biết cố gắng hết sức để làm việc thôi”
Với khuôn mặt hiền lành, giọng nói trầm mang âm sắc miền Trung, anh Hà có chút ngượng ngùng khi nói về mình. Quê gốc ở Hà Tĩnh, anh đã rời quê và đến M’Drak – miền đất Tây Nguyên đại ngàn để lập nghiệp, xây dựng cuộc sống tại đây. Trở thành nhân viên trang trại từ năm 2005, anh Hà khởi đầu bằng công việc là nhân viên chăn bò. Anh kể hồi đó cả nhóm chỉ có 3 người mà chăn 80 con bò, chăn thả trong khu vực rừng núi, nhiều bụi rậm, đầm lầy nên với người khỏe mạnh bình thường đã vất vả rồi, huống hồ là anh chỉ còn một cánh tay và sức khỏe có phần giảm sút sau tai nạn lao động. Nhớ ngày đó, anh làm công nhân đóng gạch, trong một lần làm việc không may bị máy cuốn mất cánh tay, cơ thể không còn toàn vẹn, sức khỏe chẳng được như cũ nên anh cũng bỏ nghề gạch. Anh được giới thiệu vào làm cho trang trại và có lẽ là một mối duyên lành, anh đã gắn bó với công việc tại đây trọn 10 năm, khoảng thời gian đủ để hiểu, để yêu và đậm tình để gắn bó.
Trò chuyện với anh, điều có thể cảm nhận rõ nhất là anh rất ít nói, nhưng nói gì cũng chân thành. Câu anh hay dùng để giải thích cho những việc mình làm, những cố gắng hoàn thành công việc dù khó hay mệt ấy là: “Tôi chỉ biết cố gắng hết sức để làm việc thôi”. Sự cố gắng ấy có từ những ngày đầu làm việc, do diện tích quá rộng và số lượng bò nhiều, khi bò đi lạc anh vẫn kiên nhẫn đi tìm suốt 4, 5 tiếng đồng hồ, dù trời đã tối mịt. Ý thức chu toàn công việc anh vẫn giữ vẹn nguyên đến lúc này, dù là nhiệm vụ bảo vệ hay giữa đêm phải chuẩn bị nơi nghỉ ngơi cho khách nhập trại bất ngờ, việc nào cũng kỹ lưỡng, cẩn thận.
Những người biết và từng làm việc cùng ai cũng nói anh kỹ tính lắm. Nói đến điều đó anh chỉ cười ngượng: “phải cẩn thận chứ, công việc mà, nhiệm vụ là mình phải hoàn thành cho tốt”. Vặn hỏi anh lý do, anh im lặng một lúc rồi nói: “Được Chủ tịch đưa vào làm việc ở đây là hạnh phúc lắm rồi!”. Anh kể, sau khi vào làm việc khoảng 3 năm thì công việc có những thay đổi, bò bán đi hết, anh em trong nhóm lo lắm, chỉ sợ mất việc, lo nguồn thu đóng góp cho gia đình không còn. Nhưng rồi anh thở phào khi nghe tin Chủ tịch chỉ đạo điều chuyển các anh em sang nhiệm vụ bảo vệ trang trại, riêng anh kiêm thêm nhiệm vụ phục vụ hậu cần cho khách. Có lần anh bị bệnh nhưng có khách đến bất ngờ vào buổi tối khuya, anh vẫn một mình hoàn thành nhiệm vụ. Những lần số lượng khách nhập trại đông, công việc vất vả hơn nhưng anh hăng hái “có khách nhập trại tuy mệt hơn nhưng rất vui. Tôi thế này thôi nhưng chuẩn bị chăn, gối cho khách nhanh lắm, chỉ 2,3 phút là xong mà vẫn đảm bảo thật đẹp, gọn gàng. Khách về rồi thì mình lại thấy buồn”.
Là người luôn hết mình và trách nhiệm trong công việc, thời gian anh Hà làm việc tại trang trại nhiều hơn thời gian dành cho gia đình, 10 năm công tác thì anh chỉ đón Tết cùng gia đình được 2 lần. Anh kể có những lần vì công việc không thể gặp vợ, con nhiều mà vợ anh giận lắm, hỏi anh “giải quyết” thế nào, anh chỉ cười trừ: “thì mình chỉ biết năn nỉ vợ, mong cô ấy thông cảm, công việc yêu cầu thế mình đâu thể lơ là được”.
Tinh thần phụng sự từ sự nhiệt huyết, toàn tâm
Trò chuyện cùng anh Hà mới thấy cuộc sống của anh chính là công việc, bởi với anh ngoài gia đình, những người thân thiết nhất chính là đồng nghiệp; nhà anh chỉ cách trang trại 20km nhưng lắm khi bận bịu công việc phải đến 3, 4 tháng anh mới về thăm vợ con được một ngày. Kết hôn hơn 20 năm mà anh chưa đưa vợ đi chơi xa được một lần, ngay cả khi công ty tổ chức cho mọi người đi nghỉ dưỡng, anh vẫn chấp nhận ở lại túc trực bảo vệ theo đúng yêu cầu công việc. Do ít thời gian ở nhà, hai con anh lớn lên cũng ít gần gũi với bố, anh chia sẻ “mỗi lần nhớ nhà, chỉ biết gọi điện hỏi thăm vợ con, nhưng đến khi vợ chuyển điện thoại cho con mình lại chẳng biết nói gì…”.
Dù có những “niềm riêng” như thế, dù có khi vợ anh thẳng thừng tuyên bố “anh chuẩn bị dọn vào ở luôn trong trang trại đi”, anh Hà vẫn lặng lẽ vượt qua để tận tâm với công việc. Với anh, công việc cho anh niềm vui và cảm giác mình hữu ích, và như thế mỗi ngày anh vẫn đều đặn đi tuần quanh khu nhà dài nơi anh phụ trách với tổng quãng đường gần 20km, vẫn nhanh nhẹn chuẩn bị chốn nghỉ cho khách đến trang trại bất kể ngày hay đêm bằng sự cẩn trọng, chu đáo nhất.
Khi chia sẻ rằng dịp trò chuyện cùng anh đây chính là để thu thập thông tin, viết bài về hình ảnh con người Trung Nguyên sống với tinh thần phụng sự, anh cười hiền và nói “chắc vì trình độ tôi thấp nên không hiểu hết ý nghĩa, tôi chỉ biết đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành thật tốt thôi”. Vâng, có lẽ anh chưa hiểu hết ý nghĩa của việc phụng sự, nhưng chính cá nhân anh, với tinh thần nhiệt huyết, với sự tự nguyện ngay cả chấp nhận xếp lại vấn đề cá nhân để toàn tâm cho công việc, với sự chân thành nhất mực đối với mọi việc, mọi người đã chính là hình ảnh đẹp nhất của tinh thần phụng sự./.
Vũ Chi/Coffee News 04