Anh không biết em đã đọc nhiều như thế nào và thấm thía những cuốn sách đó đến đâu, nhưng cuốn sách duy nhất anh muốn em đọc trong ba ngày tới là cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi. Ba ngày nữa em sẽ chia sẻ cho anh biết cảm nhận của em về cuốn sách đó….Và khi đó buổi phỏng vấn của chúng ta sẽ tiếp tục.
Từng câu từng từ dội vào tai tôi, có tác dụng phụ là làm cho nước mắt tôi chỉ trực trào ra. Đây không phải là kết quả mà tôi hi vọng ở buổi phỏng vấn này. Trong đầu tôi tự vấn câu hỏi: Tại sao người trưởng nhóm dự án chương trình “Phát triển sinh viên tài năng- Hanoi VIP Elite Education” lại không để tôi nói về những cuốn sách tôi đã đọc mà lại yêu cầu tôi phải trình bày về một cuốn sách tôi chưa từng nghe nghe qua chứ đừng nói là đọc như thế. Việc ứng tuyển vào chương trình này có phải là một sai lầm của tôi chăng?
Tôi biết đến Khuyến học trong một hoàn cảnh như thế. Và trong ba ngày đếm ngược đó, tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này đến ba lần: Lần đầu đọc để chống đối, xem cái cuốn sách này thần thánh đến mức nào mà người phỏng vấn yêu cầu tôi phải đọc; Nhưng lần hai tôi đọc là vì cảm thấy khó hiểu, cảm giác như mình bỏ sót một vài yếu tố hay chi tiết nào đó mà tôi không thể giải thích rõ ràng. Lần thứ Ba đọc lại bởi cảm nhận rõ ràng thấy cuốn sách này lạ lùng quá. Thú thực rằng tôi bị sửng sốt vì nó. Lần đầu tiên một cô sinh viên khoa Văn tổng hợp, thừa lãng mạn cũng chẳng thiếu mộng mơ như tôi đọc một tác phẩm mà sự hấp dẫn của nó nằm ở sự logic và những góc nhìn khoa học mớ mẻ đến thế.
Khuyến học hay chính là những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản được viết bởi Fukuzama Yukichi- người được coi như bậc “khai quốc công thần”, được coi như Voltaire của Nhật Bản hiện đại. Bạn và tôi có thể gặp ông trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất của Nhật Bản- tờ mười nghìn yên ngày nay.
Tôi sẽ không kể cho các bạn nghe về nội dung của Khuyến học- bởi nếu chỉ dùng đôi ba dòng để tóm tắt cuốn sách thì tôi không biết phải dùng ngôn từ nào cho hợp. Fukuzawa Yukichi với vốn hiểu biết sâu rộng đã đề cập tới tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị…Khuyến học đã làm lay chuyển tâm lí người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm cuối thế kỉ XIX, ngay từ lần đầu xuất bản, cuốn sách đã in đến 3.4 triệu bản (trong khi dân số Nhật Bản lúc bấy giờ là 35 triệu người) và mỗi năm vẫn đều đặn tái bản cho đến ngày nay. Cuốn sách giúp cho độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những con người từ một quốc gia nghèo khó, nhờ những người khai sáng như Fukuzama Yukichi mà trở thành “quốc dân” của một đất nước Nhật Bản văn minh và hiện đại như ngày nay.
Tôi không nhớ chi tiết từng quan điểm của Fukuzama Yukichi viết trong cuốn sách này, nhưng tôi nhớ nhất, tâm đắc tuyên ngôn “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Cho đến khi đọc xong cuốn sách, lần đầu tiên trong đời tôi mới thấu hiểu được hết ý nghĩa và giá trị của việc giáo dục đối với sự phát triển của một cá nhân, một gia đình và mở rộng ra là của một đất nước.
Tôi nhớ rằng, ba ngày sau, tôi đã trả lời người trưởng nhóm về cảm nhận của tôi khi đọc cuốn sách, nhất là hai chương đề cập tới phần giáo dục là: “Tầm nhìn của người giáo dục rất quan trọng, nếu như chính người dạy mà còn không hiểu được mục đích lớn lao của việc dạy thì sẽ không thể dạy tốt và không thể có được những người học trò xuất chúng được…”.Tôi còn nói nhiều, nhiều nữa, nói bằng tất cả trái tim mình. Khi ấy, đối với tôi mà nói, việc có được trở thành một thành viên của Elite Education nữa không không còn quan trọng nữa. Tôi chỉ đơn giản là chia sẻ cảm nhận ở góc độ một người yêu sách vui mừng vì đọc được một cuốn sách hay mà thôi.
Khuyến học giúp tôi thêm yêu ngành giáo dục và chính cuốn sách đặc biệt này là điểm tựa để tôi theo đuổi con đường sư phạm. Tôi đã miệt mài học những tri thức trong nhà trường, tham gia những buổi trò chuyện, chia sẻ về giáo dục, tích cực học hỏi những kĩ năng hay phương pháp giáo dục mới. Ba năm- kể từ ngày đọc cuốn sách này, tôi thấy mình đã sống nhiệt tình hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng rằng cô sinh viên mơ mộng của khoa Văn tổng hợp của Đại học quốc gia Hà Nội ngày nào lại quyết định gắn đời mình với sự nghiệp giáo dục. Tôi đã buông bỏ nhiều công việc và cơ hội khác, chỉ để cố gắng theo đuổi giấc mơ dạy học mà Khuyến học đã nhen lên trong tôi từ cái ngày đầu học năm II Đại học đó.
Hiện tại, tôi cùng các bạn sinh viên yêu giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đang xây dựng một chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp miễn phí dành cho cộng đồng. Có những ngày chúng tôi phải đi đến 200km, trong điều kiện trời mưa bão để về các trường giảng dạy cho các em học sinh THPT. Có những ngày đi hơn 2h đồng hồ chỉ để có cơ hội giảng dạy cho các em học sinh gần 60 phút. Thù lao chúng tôi nhận lại được chính là nụ cười và những nhắn gửi “Nhờ có các anh chị mà chúng em đã xác định được hướng đi cho tương lai của mình”. Chúng tôi hiểu các em học sinh đang cần chúng tôi hơn lúc nào hết, và tôi cũng hiểu rằng, chúng tôi đã và đang làm cho đất nước tôi đẹp hơn.
Trên đời có thập nhị nhân duyên, tôi tự ngẫm thấy Khuyến học và tôi như là có duyên thầy- trò vậy. Cũng chính nhờ cuốn sách này mà tôi có cơ hội được học hỏi và làm việc với những con người đam mê giáo dục và cùng chung lí tưởng với sự nghiệp trồng người. Phải chăng sách cũng chính là nhân duyên?
Bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách…và đã đọc Khuyến học chưa thế?
Nguyễn Thị Ngân/Hà Nội