Trong thời gian hướng dẫn các bạn sinh viên thực tập chuyên ngành marketing tôi có soạn một bảng khoảng 160 câu hỏi chia ra các lĩnh vực khác nhau và cùng với họ làm việc nhóm.
Ngày đó, chúng tôi đang cùng thảo luận phần marketing communication (truyền thông marketing).
Để làm marketing communication chúng tôi cần có phương tiện và công cụ. Phương tiện là các kênh thông tin, truyền thông xã hội.
Đã có sẵn.
Vì vậy chúng tôi chỉ còn phải nghĩ đến công cụ.
“Vậy công cụ là gì?”. Tôi hỏi.
“Là nội dung”. Một bạn trả lời.
Thế nội dung là gì?
Không ai trả lời, chỉ cười, như thể mọi người đang muốn nói “Nội dung là nội dung”.
Thế nên tôi tranh phần: “Nếu bạn tra cứu từ điển sẽ có rất nhiều lớp nghĩa khác nhau, nhưng hãy hiểu nôm na như sau: “Nội dung là điều/cái gì được chứa đựng/bao gồm bởi điều/cái gì đó”.
Điều này sẽ đúng gần như trong mọi trường hợp”.
[ba giây]
– A ha ! Như vậy chúng ta sẽ cần có nội dung (content).
Một bạn khác thêm vào: “Từ content, chúng ta có thêm một chủ đề cần bàn nữa, đó là content marketing…
Còn tôi thì đã kịp giao cho họ viết một bài Pr (Public Relations) giới thiệu doanh nghiệp, trước khi mọi người di tản ra khỏi vấn đề cần thực hành
Nào, chúng ta hãy tạo ra công cụ mà chúng ta cần, bây giờ, các bạn hãy hiểu công cụ đó chính là nội dung, còn sản phẩm của nội dung?
Đến phần sau sẽ rõ.
Nu, pogodi! ( Hãy đợi đấy!)
Mọi người trông rất háo hức đầy vẻ thách thức.
[một ngày]
“Em chưa bao giờ viết bài, chưa bao giờ viết một bài báo nào cả, nên không biết phải viết như thế nào?”
“Ôi, đó là vấn đề mà dường như tất cả mọi người đều gặp phải”. Một bạn khác.
Tôi nói: “Nếu chưa bao giờ làm việc này thì chúng ta sẽ học hỏi từ người khác, bằng cách tìm và copy bài viết mẫu, rồi viết mới, sau đó hiệu chỉnh, biên tập sao cho nội dung phù hợp với chủ đề mình viết, chỉ giữ lấy phần bố cục, và tất nhiên đừng bao giờ copy nguyên câu, nguyên đoạn” (Cần chú ý trích nguồn rõ ràng).
“Như vậy thì còn gì là sáng tạo?”. Một cô gái nhanh nhảu.
Tôi liền trấn an mọi người: “Đừng lo lắng, các bạn có biết những người học làm hoạ sĩ thường đi chép tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng khác hay không?
Tại vì sao như vậy?
”Picasso đã nói: “Nghệ sĩ giỏi là phải biết copy ý tưởng từ người khác, còn nghệ sĩ thiên tài thì ăn cắp nó”.
Và tất nhiên, Picasso đã đúng.
Các bạn không vẽ mà viết, vì vậy chúng ta cần copy và viết mới phần của mình từ bài viết mẫu. Thời gian đầu, đây là bí quyết cho những người viết không chuyên. Cứ làm như vậy một thời gian, đủ dài, cho đến khi các bạn sẽ tự biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào khi bắt đầu viết về một điều gì đó.
Còn bây giờ, hãy copy và ăn cắp những ý tưởng một cách thành thục rồi thay đổi và biến chúng thành của mình.
“Một cách vô thức, khi bạn tự động biết bắt đầu phải làm gì khi bắt đầu làm gì đó, thì bạn đang sáng tạo”
Để rèn luyện kĩ năng viết, bạn phải viết thật nhiều và đọc thật nhiều: 200 bài, 500 bài? Điều này tuỳ thuộc ở bạn. Có lẽ là không giới hạn, như thế sẽ là tốt nhất, chẳng có gì giới hạn trên đời này cả, hãy nhìn vào đường chân trời…
Bạn phải viết thật nhiều, bạn phải đọc thật nhiều. Có như thế não bộ mới được tiếp thu và ghi nhớ, dần dần sẽ lưu trữ thành một thư viện bài viết, cấu trúc bài viết, câu, chữ, bố cục, cách dùng từ, văn phong… trong bán cầu não trái của mình.
Lúc này, khi cần viết, bạn sẽ tự biết phải mở đầu bằng câu từ nào mà không cần phải đi xem bài viết mẫu của người khác. Sau khoảng thời gian tự viết đó, bạn sẽ có một lối viết riêng, một phong cách riêng, một văn phong riêng.
Cứ như thế, trước khi sáng tạo được, việc cần làm là biết cách copy cũng như là cách bắt chước. Hãy áp dụng phương pháp này trong những lĩnh vực khác như: Thiết kế đồ hoạ; Thiết kế kiến trúc; Diễn thuyết Trước đám đông; Kể chuyện; Vẽ; Sáng tác thơ; Viết văn; Sáng tác nhạc; Chơi các loại nhạc cụ; Lập trình (học hỏi giải thuật của người khác trước khi tự viết giải thuật để giải quyết vấn đề của mình…
Hãy kiên trì, mọi kĩ năng cần phải có thời gian rèn luyện, tập luyện và phát triển. Không ai mới được sinh ra hay mới bắt đầu làm gì đã có thể sáng tạo ngay.
Nào, hãy cùng rèn luyện để sáng tạo!
“Sự sao chép và bắt chước
là khởi nguyên của sự sáng tạo”
Nguyễn Viết Hùng/Reachcity