Duy Thức chia cuộc sống theo tam trụ: nghiên cứu, đóng góp xã hội và kinh doanh. Dù vững cả 3 chân, nhưng anh chỉ dám nhận là nhà nghiên cứu giỏi.
Cách đây 5 năm, Vũ Duy Thức từng là tâm điểm của báo chí và giới học thuật khi là một trong những sinh viên Việt trẻ nhất được trao bằng Tiến sĩ ở Đại học Stanford của Mỹ. Chỉ trong vòng 9 năm học một mạch thẳng từ bậc Cử nhân lên Tiến sĩ, ở tuổi 28, chàng trai này đã ghi tên mình vào bảng đồng danh dự ở Đại học Carnegie Mellon, đồng thời cho ra đời 10 công trình nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo thế giới. Không chỉ làm khoa học, Thức còn kinh doanh và hoạt động xã hội từ năm 2011. Sau 4 năm, quỹ học bổng Vietseeds do anh đồng sáng lập đã cấp hơn 100 suất học bổng Đại học với tổng trị giá 100.000 USD cho sinh viên nghèo hiếu học khắp Việt Nam.
Trong cộng đồng khởi nghiệp, Vũ Duy Thức cũng là một điểm sáng khi từng tham gia xây dựng 7 công ty công nghệ, gồm những cái tên như Umbala (ứng dụng nhắn tin video), Tappy (mạng xã hội cung cấp thông tin và địa điểm) và Knightscope (hãng chế tạo robot ở Mỹ).
Gặp Vũ Duy Thức ở tuổi 33, anh chia cuộc sống theo tam trụ: nghiên cứu, đóng góp xã hội và kinh doanh. Dù đã đứng vững ở cả 3 chân, nhưng Thức chỉ dám tự nhận là một nhà nghiên cứu giỏi.
Mê nhưng không đắm
Khi mới 10 tuổi, Vũ Duy Thức có thể ngồi cả ngày để giải đúng một bài toán. Độc đáo là Thức không đi tìm đáp số, mà say sưa giải bài toán với hơn chục cách khác nhau. “Đáp số không phải là mục tiêu. Chính cuộc hành trình đi tìm lời giải ngắn nhất mới khiến tôi say mê toán học”, anh nói.
Đam mê giải toán đã thôi thúc Vũ Duy Thức đi ngược với nguyện vọng học y của cha mẹ, để theo ngành Toán – Tin ở Đại học Carnegie Mellon. “Toán trong tin học sẽ thôi thúc tôi đi tìm ra những lời giải sát với thực tiễn nhất”, anh chia sẻ.
Vì đam mê toán học lạ thường ấy, Thức không ngồi yên học hết tấm bằng Cử nhân. Ngay từ năm nhất, vừa học một lúc 2 chuyên ngành Toán – Tin, anh vừa nghiên cứu “hệ thống đa tác nhân” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thay vì chỉ có 2 robot tương tác với nhau như nghiên cứu truyền thống, anh tạo ra cả một đội 7 robot. Cứ mỗi thay đổi trong hành động của một robot sẽ tạo ra bài toán cho 6 robot còn lại. Bài toán lập trình đa đối tượng này, nếu được giải quyết, sẽ trở thành nền tảng cho nhiều ứng dụng thực tế như hệ thống lái xe tự động. Từ đây, Thức đã cho ra đời 3 công trình nghiên cứu và xuất bản 3 bài báo khoa học như một Tiến sĩ khi kết thúc năm 3 Cử nhân. Cùng lúc, anh vẫn tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối 4.0 ở tất cả các môn, thu hút học bổng Tiến sĩ từ 7 đại học ở khắp nước Mỹ.
Song, khác với thuở bé cả ngày ngồi giải một bài toán, Thức chia 24 giờ thành nhiều trải nghiệm khác nhau kể từ khi vào đại học. “Vì bài toán ở bậc nghiên cứu đôi khi không có lời giải. Cứ mê đắm hoài sẽ không bao giờ xong”, anh giải thích.
Nghiệm ra thực tế này, Thức khép đam mê của mình vào kỷ luật nhất định. “Trong khoảng thời gian tự giới hạn, nếu tôi không giải xong bài toán ấy, tôi sẽ gác nó qua một bên và quay lại ngày hôm sau.” Nhờ vậy, trong 6 năm nghiên cứu luận án Tiến sĩ, Thức vẫn có thời gian để khởi nghiệp thành công với công ty công nghệ Kantago, đã được Google mua lại từ năm 2011.
Tri ân quê nhà
Trên đỉnh cao của học thuật, Thức thừa nhận mình may mắn khi rơi vào môi trường phát triển thuận lợi. Ngoài đam mê và nỗ lực của riêng anh, nền giáo dục tốt từ gia đình và nhà trường là một phần không thể thiếu góp vào thành công hiện tại. Vì thế, năm 2012, anh quay về Việt Nam với mục tiêu chính là hỗ trợ giới trẻ Việt.
Năm 2011, anh cùng một người bạn mở ra Quỹ Vietseeds nhằm giúp sinh viên nghèo ở quê nhà tiếp cận với “chiếc đòn bẩy” giáo dục. Ngoài từng suất học bổng 1.000 USD hỗ trợ các em bước vào đại học, Vietseeds còn như một gia đình nhỏ với nhiều chương trình hỗ trợ kỹ năng mềm và tiếng Anh. Ðến hiện tại, 40% số em tham gia vào Vietseeds nằm trong tốp 10% điểm cao nhất của các trường đại học, 75% đạt học lực giỏi. Lượng học bổng mà Vietseeds đóng góp cũng tăng nhanh từ 11 suất lên 100 suất chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động. Ngoài ra Thức còn là Giáo sư thỉnh giảng dạy 2 môn “Lý thuyết trò chơi” và “Hệ thống đa tác nhân” tại Học viện đào tạo xuất sắc JVN ở Đại học Quốc gia TP.HCM. Với mong muốn đóng góp cho cộng đồng, tất cả thu nhập từ việc giảng dạy đều được anh góp vào quỹ sinh viên.
Do am hiểu sâu về công nghệ và từng thành công với các dự án khởi nghiệp của mình, Vũ Duy Thức được không ít bạn trẻ Việt Nam tìm đến xin hỗ trợ ý tưởng kinh doanh. “Môi trường khởi nghiệp ở đây vẫn còn rất mới, mang tính tự phát, chạy theo phong trào. Các bạn trẻ cần định hướng nhiều hơn từ người đi trước để phát triển vững vàng”, anh chia sẻ.
Thế là từ năm 2013, Thức đã nhiệt tình đầu tư vào 7 công ty công nghệ. “Khác với môi trường học thuật đi cùng bài toán sâu và hẹp, ít được ứng dụng, kinh doanh đòi hỏi các bài toán có tính thực tế cao hữu ích cho nhiều người ngay lập tức”, anh nói. Trên quan điểm đó, bất cứ bài toán khởi nghiệp nào chứng minh được tính ứng dụng cao trong sản phẩm và đam mê cao trong đội ngũ, Thức đều sẵn lòng giúp đỡ về vốn và kiến thức chuyên môn.
Sau những chuỗi hỗ trợ cho sinh viên và khởi nghiệp, cuối ngày Thức mới trở về lặng lẽ bên công việc nghiên cứu và kinh doanh của riêng mình. Hiện tại, anh đã mở một công ty phát triển phần cứng cho robot tại Mỹ để ứng dụng công trình nghiên cứu về hệ thống đa tác nhân. Trong tương lai, anh sẽ lập quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng các trung tâm nghiên cứu ý tưởng để chuyển giao công nghệ về Việt Nam. “Hy vọng đây sẽ là sân chơi sáng tạo cho các bạn trẻ nâng cao trình độ công nghệ tại Việt Nam“, anh kỳ vọng.
Trả lời câu hỏi rằng anh cảm thấy thế nào khi được vinh danh là Tiến sĩ Việt trẻ nhất ở Stanford, Thức cười tươi và “mong đó là động lực để các em phấn đấu. Riêng tôi đó là cái ân của quê nhà mà tôi cần đóng góp nhiều hơn nữa”.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư