Mang theo 1 triệu đồng, đạp xe qua hơn 40 tỉnh, thành để kêu gọi mọi người chống nạn bạo hành đối với người LGBT, Từ Thanh Thúy(quê Cần Thơ,sinh năm 1992) không chỉ khiến mọi người khâm phục vì hành trình ý nghĩa mà còn vì một câu chuyện dài về sự vươn lên từ khó khăn, vấp ngã.
Giàu nghị lực
Mới 10 ngày tuổi, Thúy đã bị mẹ ruột bỏ rơi ngoài chợ. Một bác bán rau báo tin để ông nội Thúy mang cháu về nuôi. Tuổi thơ của Thúy thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ. Cô bạn lớn lên trong ánh mắt dè bỉu của chính họ hàng mình. Lớn hơn một chút, nhận ra mình là người đồng tính, cuộc sống của Thúy càng khó khăn hơn. Thúy không chỉ bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị mà còn là nạn nhân trực tiếp của những vụ bạo hành liên quan đến giới tính. Những vấp váp, va chạm khiến Thúy phải bỏ ngang việc học, từ Cần Thơ lên Sài Gòn mưu sinh, khi mới 16 tuổi. Ở thành phố, Thúy từng làm đủ loại công việc, từ đi vỗ tay thuê, diễn viên quần chúng cho đến phụ việc ở quán bar…
Dù quá nhiều gian truân nhưng Thúy rất tích cực tham gia những hoạt động tình nguyện và công tác xã hội. Thúy tham gia phát quà cho người lang thang cơ nhỡ, hưởng ứng “Giờ Trái Đất”, đem âm nhạc đến bệnh viện, hiến máu nhân đạo… Có lần, nghe tin một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bị lở loét toàn thân, Thúy đến tận nơi để chăm sóc. Về những việc làm này, Thúy chỉ nói đơn giản: “Có lẽ, vì từng sống lang thang, cơ nhỡ nên mình hiểu được phần nào khó khăn và những điều mà những người lang thang, cơ nhỡ mong muốn”.
Hành trình “lục sắc”
Hành trình đạp xe xuyên Việt của Thúy kéo dài từ ngày 25/4 đến ngày 7/6/2015, đi qua hơn 40 tỉnh, thành. Mặc dù nhận được khá nhiều lời đề nghị giúp đỡ về tài chính, song Thúy đều khước từ, chỉ nhận sự giúp đỡ về chỗ ăn, nghỉ trên đường. Trong suốt hành trình, Thúy chỉ mang theo đúng 1 triệu đồng, dùng để chi tiêu những việc cần thiết nhất, cô bạn cam kết không dùng tiền vào những bữa ăn ngon hay ở nhà trọ.
Thúy kể: “Một ngày, mình sẽ bắt đầu chuyến hành trình lúc 6h sáng. Mình liên hệ với các bạn ở các tỉnh, trước khi mình tới một ngày, sau đó, đạp xe đến trung tâm thành phố của một tỉnh và liên lạc để giao lưu cùng với các bạn. Khâu chuẩn bị thì rất đơn giản, chỉ là sắp xếp vào balô và lấy xe đạp để đi. Mất thời gian nhất là việc phải tính toán lộ trình như thế nào cho phù hợp và thu xếp thời gian sao cho khớp với lộ trình. Địa hình ở từng địa phương đi qua cũng phải quan tâm, chuẩn bị trước”.
Thúy gặp khá nhiều tai nạn trong hành trình, như bị té xe, tuột xích, mất sức hay phải dựng lều để ngủ tạm trên đường. Tuy nhiên, đổi lại, Thúy nhận được nhiều trải nghiệm rất quý giá từ những buổi giao lưu, chia sẻ kiến thức về LGBT và kêu gọi chống bạo hành.
Trên chặng đường đi qua 40 tỉnh, thành, Thúy được lắng nghe nhiều lời tâm sự, câu chuyện, của “người trong cuộc”. Có lần, Thúy nhận được một lá thư tay của một bạn trong cộng đồng LGBT ở Vinh. Thư có đoạn: “Con đường đến đích sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gập ghềnh, bởi sự chưa công nhận của xã hội. Cho nên, ta phải tự lực, phải không ngừng cố gắng, không ngừng phấn đấu để có thể tự tin mà nói rằng: Dù tôi mang bất kỳ giới tính nào, tôi vẫn là tôi, tôi vẫn là một con người như hàng tỷ con người khác”. Lời chia sẻ đó là sự động viên cho Thúy trong suốt chuyến đi.
Thúy bày tỏ: “Qua hành trình, mình học được cách chiến thắng bản thân, vượt qua những khó khăn trước mắt. Dự định của mình trong tương lai là tiếp tục học và theo đuổi ngành công tác xã hội. Mình rất mong muốn có thể làm được nhiều việc có ích hơn nữa”.
Theo SVVN