Vào đầu thế kỷ 20, ở một ngôi làng thuộc huyện Bình Nguyên, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có một gia đình nông dân, trong nhà có một ông cụ sống cùng với người cháu trai của mình.
Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách bên cạnh người cháu trai này. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê.
Một ngày cậu cháu trai hỏi: “Ông nội, cháu cũng bắt chước ông, cũng thử đọc mấy cuốn sách đó, nhưng mà không hiểu sao cháu không hiểu gì cả. Cũng có lúc cháu hiểu một chút nhưng mà gấp cuốn sách lại là cháu lại quên ngay. Thế thì đọc những cuốn sách cổ này có thu hoạch gì đâu mà ngày nào ông cũng đọc vậy ạ?”
Ông cụ lúc đó lặng lẽ đổ hết than đá vào trong bếp lò rồi nói: “Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang một giỏ nước về đây cho ông!”
Cậu bé liền làm theo như lời ông dặn, nhưng mà tất cả chỗ nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về được đến nhà.
Cậu bé với vẻ mặt khó hiểu nhìn ông. Ông lão nhìn chiếc giỏ không trong tay cháu trai rồi nói: “Lần sau cháu sẽ phải chạy nhanh hơn một chút nữa!” Nói xong, ông lại bảo cháu quay lại sông lấy giỏ nước khác.
Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng mà vẫn như lần trước, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Cậu bé vừa thở vừa nói với ông rằng: “Dùng giỏ đựng nước là không thể được ông ạ!”. Nói xong, cậu chạy xuống bếp xách một chiếc thùng để đi múc nước.
Nhưng ông cụ ngăn lại và nói: “Ông không cần một thùng nước, mà là cần một giỏ nước cơ! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố gắng hết sức mình thôi!”
Rồi ông lại bảo cháu cầm giỏ ra sông lấy nước. Lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể dùng giỏ mà đựng nước được. Nhưng cậu muốn cho ông thấy được rằng dù có chạy nhanh đến đâu thì nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại đi lấy nước, lại cố gắng chạy nhanh hết sức và khi về đến chỗ ông thì cái giỏ lại trống rỗng.
Cậu bé thở phì phò nói với ông: “Ông nội! Ông nhìn xem, cháu đã nói rồi giỏ dùng giỏ đựng nước là vô dụng mà!”
“Cháu cho rằng một chút tác dụng cũng là không có sao?” Ông lão mỉm cười nói: “Cháu hãy nhìn cái giỏ xem!”
Cậu bé nhìn nhìn vào cái giỏ và cậu phát hiện ra rằng cái giỏ trông đã khác hẳn so với lúc ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã là một cái giỏ vô cùng sạch sẽ. Ngay cả đôi tay bị bẩn vì cầm giỏ than cũng trở nên sạch sẽ rồi.
Lúc này ông cụ mới nói: “Cháu của ông! Điều này cũng giống như cháu đọc những cuốn sách cổ kia vậy. Có thể cháu chỉ nhớ được một vài câu, ý nghĩa của nó cháu cũng không hiểu. Nhưng mà trong quá trình đọc thì những lời văn cùng với hào khí khi cháu đọc sẽ ảnh hưởng đến cháu, dần dần tinh lọc tâm hồn cháu.”
Cậu bé này luôn nhớ kỹ lời dặn của ông. Từ đó trở đi, cậu một mực tin là như vậy, cả đời làm bạn cùng sách, không ngừng tiến thủ. Sau này cậu bé ấy đã trở thành một người có học vấn uyên bác.
Trong một lần chia sẻ, ông đã nói rằng: “Những câu văn, cho dù bạn chưa từng nhớ kỹ một câu, một từ nào nhưng nó vẫn có thể cảm hóa bạn, cho bạn được lợi cả đời. Bởi vì, nó sẽ tinh lọc tâm hồn bạn trở nên trong trẻo và thanh tịnh giống như nước suối. Nhờ đọc sách, bạn có thể ở trong lặng lẽ mà kiến tạo được một thế giới thuần khiết hoàn toàn thuộc về mình!”
Theo NTDTV – Mai Trà biên dịch / EpochTimes