Chiều 21.3, một sự kiện được coi là chấn động dư luận đã xảy ra tại Seoul Plaza, Thủ đô Seoul – Hàn Quốc. Một người phụ nữ trung niên đã rải tiền ra khắp quảng trường, số tiền ước tính là 22 triệu won (tương đương 400 triệu VND), bà cho rằng cuộc sống và số tiền của bà đang bị đe doạ bởi chồng và con trai, chính vì thế mà bà muốn “tiêu tán” toàn bộ chúng trước khi người thân tìm cách hãm hại và cướp tài sản của bà.
Sự việc trên không có gì là quá gay cấn, tuy nhiên điều đáng nói là trong toàn bộ câu chuyện trên, khi những tờ 1000 won, 2000 won và 5000 bay khắp quảng trường, không có một người dân Hàn Quốc nào hốt hoảng chạy tới nhặt tiền, ngược lại, phản ứng của họ trước sự việc trên là hoàn toàn bình thản và tiếp tục đi qua quảng trường như không hề có chuyện gì xảy ra. Cảnh sát địa phương đã giúp người phụ nữ này gom lại số tiền bị mất – trong khi đó, người dân không đụng đến một tờ tiền nào.
Cảnh sát cũng cho biết người phụ nữ này trên thực tế đã “cố tình” khước từ quyền sở hữu tài sản trước công chúng như vậy, cho nên nếu xét theo luật người dân không hệ phạm pháp nếu họ nhặt những tờ tiền đó.
Bằng lý do nào mà người dân Hàn Quốc có một kỷ luật thép như vậy?
Nếu bạn sống ở xã hội này, bạn vẫn sẽ thấy sẽ còn những ông cụ bà ngoài 80 vẫn phải đi kéo xe bán đồ tái chế, bán hạt dẻ tới tận đêm khuya và ngủ tại ga tàu điện ngầm vào mùa đông để giữ ấm. Cả Ga tàu Seoul rộng lớn như vậy, vẫn là nhà của hàng chục người vô gia cư đó thôi. Vậy tại sao không một người dân nào nhặt tiền của người khác? Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này theo một vài góc độ sau:
Seoul ngày nay đã trở thành một trong những thành phố không ngủ hàng đầu thế giới, nhưng ngạc nhiên thay – an toàn nhất trên thế giới. Nam thanh nữ tú có thể đi bar đến 4 giờ sáng mà không phải lo lắng về chuyện an ninh. Túi có thể đeo hờ cả ngày lủng lẳng không khoá mà chẳng mất đến một đồng, thẻ tín dụng làm mất năm ngày không thấy ai tiêu. Có thể bạn không biết, nhưng hệ thống CCTV (Camera theo dõi) ở đây vô cùng dày đặc và có tính xác thực cũng như chính xác rất cao. Có người nói rằng, cứ ít nhất 7 giây, bạn sẽ xuất hiện trên một màn hình CCTV khác nhau và nếu cần thiết, cảnh sát ở Hàn Quốc có thể làm nên một cuốn phim về một ngày của bạn. CCTV có mặt ở khắp mọi nơi, từ taxi, bến tàu điện, ven đường, ngân hàng,… mọi hoạt động của bạn đều bị kiểm soát rất chặt. Chính vì vậy mà ý thức của người dân bắt buộc phải lên cao, cho dù là bắt nóng hay phạt nguội, bạn cũng khó lòng thoát tội khi đã làm chuyện sai trái.
Thứ hai, nếu đã một lần phạm phải tội ăn cắp, ăn trộm hay bất cứ vấn đề gì liên quan đến tài sản cá nhân của người khác – vết nhơ đó sẽ theo bạn trong mọi bộ hồ sơ đi xin việc, đi làm hay khi có một mối quan hệ mới. Người Hàn rất trọng việc có một hình ảnh sạch sẽ, không dính líu đến những thứ như vậy. Họ hiểu rằng một chút lợi ích bây giờ sẽ không mua được cái thể diện về lâu về dài, cho nên dù thế nào cũng không muốn phạm pháp.
Không phải tự nhiên mà người Hàn sinh ra đã có kỷ luật thép như vậy. Ngoài chuyện ngồi tù, phạt tiền khi phạm pháp ra thì việc được rèn luyện từ nhỏ đã có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của người dân. Nếu phát hiện ăn cắp ăn trộm, hoặc lấy đồng tiền không xứng đáng với công sức của mình, không thuộc về mình thì sẽ có thể bị phạt đánh từ khi còn là học sinh, bị cả nhà trường kỷ luật và bị chính cộng động xung quanh mình ghẻ lạnh, xa lánh. Với những năm tháng khắc nghiệt như vậy, người Hàn không có thói quen “sờ vào thứ không phải là của mình”. Các bạn cũng nên nhớ rằng, Hàn Quốc là một đất nước đặt nặng lề thói, nghĩa giáo của Khổng Tử. Việc làm một người đúng đắn, chính trực có ý nghĩa đối với họ nhiều hơn là lợi ích nhất thời rất nhiều.
Cuối cùng là việc khen thưởng người tốt, phạt người xấu rất phân minh. Khi bạn sống trong một xã hội mà bạn biết chắc rằng mình làm đúng sẽ được bảo vệ, được trân trọng và được yêu quý thì rất khó để tâm tính trở nên xấu xa. Từ khi còn rất nhỏ, nếu làm những việc tốt cho cộng đồng, các em bé ở Hàn Quốc đã luôn được khen ngợi và đề đạt để tiếp tục phát huy. Việc giáo dục một con người không phải là chuyện một sớm một chiều, để có thể làm cho ý thức người dân trở nên mạnh mẽ như vậy, là công việc của cả một chế độ và một đất nước. Nếu luật pháp có nghiêm trị, nhưng bản thân con người không cảm thấy được giá trị thật sự của họ, được bảo vệ thì sẽ rất khó để trở thành một người tốt.