Thử nghĩ xem, rốt cục đi làm có phải là lựa chọn của bạn hay không?
Kết thúc quãng đời sinh viên, bỏ lại những tháng năm vô tư của tuổi trẻ, chúng ta lao đầu vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến sinh tồn với cuộc đời mang tên “Việc làm”. Người may mắn rải đơn được nhà tuyển dụng để ý, kẻ lại có người thân quen giúp đỡ, số còn lại phần đông vẫn nheo nhóc đầy đường, trật trầy trên con đường tìm việc.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thỏa mãn với công việc của mình. Đôi lúc có sự mệt mỏi, đôi lúc cảm thấy đi làm như một gánh nặng, nhìn lại bọn bạn đứa nào đi làm về cũng tấp tíu ríu rít, có những đứa lại còn ở lại văn phòng suốt đêm, hồ hà hồ hởi làm việc trong sự sung sướng.
Ấy thế là, cùng là những đứa may mắn có việc, vậy mà tại sao lại khác nhau thế?
Suy cho cùng, mình đang ĐƯỢC ĐI LÀM, hay BỊ ĐI LÀM? Có việc làm là may mắn, nhưng có phải ai cũng muốn có được may mắn ấy không, hoặc giả, may mắn ấy liệu có đang phù hợp với họ?
Xem qua bộ ảnh sau, bạn có xác định được việc mình đang ĐƯỢC đi làm, hay là đang BỊ đi làm không.
1. Cơ hội thăng tiến
Vốn dĩ những người không muốn đi làm sẽ chẳng có tâm trí gì để cố gắng hay được thăng tiến trong công việc. Đi làm đối với họ đơn giản chỉ là một nhiệm vụ trong ngày cần phải làm, cũng chỉ cần “qua bàn” chứ không cần phải đầu tư quá nhiều công sức.
Cũng bởi vậy, họ coi cơ hội thăng tiến không phải do mình tạo ra, mà là do cấp trên “rải” xuống, thế nên cách tốt nhất để tiếp cận cơ hội là thông qua ông sếp. Dần dà, tự họ biến thành những Hoà Thân thời hiện đại lúc nào chẳng hay.
2. Thay đổi trong công việc
Người lười không thích sự thay đổi, kẻ chăm thấy thay đổi là mừng. Chỉ cần có một chút biến động trong công việc, giả sử như được giao nhiệm vụ mới chẳng hạn, bạn sẽ thấy ngay những người không có tâm trí muốn đi làm sẽ nhăn mặt nhíu mày, nói thì hơi ngoa nhưng giống như khỉ ăn thắng cố vậy.
3. Làm thêm giờ
Tôn chỉ của người ghét đi làm là ghét luôn mọi thứ liên quan đến việc làm-ngoài-giờ. Ngay khi tan sở, mọi cuộc điện thoại có liên quan đến công việc sẽ rơi vào tình trạng “thuê bao hiện không liên lạc được ngay”. Có thêm tiền thì nói chuyện, không có thì dẹp, thời gian là vàng bạc, mà giờ vàng đang có giá.
Tuy nhiên, không chịu làm thêm giờ nhưng họ cũng chẳng vừa. Đến cơ quan thì tranh thủ muộn ít phút, ăn cơm trưa lấn vài phút, đi về thì lại nhâng nháo sớm độ chục phút, bấy nhiêu cũng làm họ hả hê.
4. Deadline
Tôi đồng ý, Deadline là con yêu quái kinh dị nhất, kể cả bạn có thích làm việc hay không. Nhưng cái cách mà bạn đối diện với deadline mới nói lên sự tâm huyết mà bạn dành cho công việc.
Thật, tranh thủ làm sớm, xong sớm rồi chơi có sao đâu. Sếp yêu, đồng nghiệp quý, lại được đi thụ hưởng lễ vật sau giờ làm. Được là ngôi sao, ai chả thích.
5. Đồng nghiệp
Nhiều khi thích đi làm không phải chỉ là vì yêu công việc, muốn thăng tiến hay đơn giản chỉ là “đi làm cho bố mẹ đỡ ngứa mắt”. Thích đi làm đôi khi cũng chỉ vì sự yêu mến với những con người ở chỗ làm mà thôi.
Đến cơ quan buổi sáng, làm việc cùng nhau, nhìn nhau chán lại dắt nhau đi ăn trưa. Ăn trưa xong ngồi cà phê trà đá tán dóc, nói xấu một ông đi đường có quả tóc súp lơ xanh quá hạn 3 tháng. Tối về hò nhau đi hát, đi bar, đi làm mà có toàn “bạn tốt” như thế, ai mà muốn nghỉ làm, nhỉ?
6. Chuyện làm, chuyện nghỉ
Đã bao giờ bạn lâm vào tình cảnh 8 tiếng ngồi công sở dài tựa ngàn cái sinh nhật trôi qua, cảm thấy đang chôn vùi tuổi trẻ trên bàn giấy và ghế dựa trước mặt vài ba ông sếp? Rồi 2 ngày nghỉ trôi qua, bạn lại ngao ngán với một tuần làm việc mới?
Đó là vì bạn ghét đi làm, thế cho nhanh.
Ai mà coi được đi làm là một ân huệ, họ sẽ trân quý từng phút trên công ty. Ầm ầm làm việc, xong việc thì cuối tuần chơi chán chê mê mỏi, rồi lại hừng hực khí thế để tiếp tục tuần làm việc mới. Tuổi trẻ là tuổi kiếm tiền hưởng thụ, nhớ nhé, kiếm tiền rồi mới hưởng thụ, chứ không phải chỉ có hưởng sướng không thôi.
7. Lương lậu
Ai bảo lương không quan trọng? Đi làm mà không có lương đố anh chị nào dám làm đấy!
Nhưng kể thì, lương quan trọng thật đấy, nhưng kinh nghiệm làm việc và môi trường làm việc cũng là những yếu tố quan trọng trong sự thúc đẩy ham muốn đi làm của bạn. Lương thấp hơn chỗ khác một tí nhưng nếu nhiều cơ hội thử sức, xung quanh có sếp chỉ dẫn đồng nghiệp hỗ trợ thì đấy mới là nơi làm việc đủ “sướng”.
8. Khi công ty bị nói xấu
Bạn có cảm thấy khó chịu khi công ty bị nói xấu không? Nếu có, chúc mừng bạn đã là một con người trân trọng công việc mình đang làm.
Đơn giản, đàm tiếu về công ty mình đang làm cũng chính là đang đàm tiếu về mình mà. Người thì ai chả ghét bị nói xấu, chứ cũng chẳng có lý do gì quá thanh cao đâu.
9. SẾP
Người bị ép đi làm chẳng thích sếp đâu, vì sếp hay “hoá thú”, hay nổi cơn thịnh nộ yêu ma, thế nên họ né tiệt. Ai dại mà dây với cọp. Hôm nào xấu trời bị sếp hành thì kiểu gì bà cấp trên cũng biến thành chủ đề xuyên tạc trên từng nắm hướng dương, từng ngụm trà đá.