Ngủ là một trạng thái tự nhiên của con người nên hầu hết chúng ta không nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình tái tạo não và phát triển trí tuệ. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang miệt mài trong việc nghiên cứu giấc ngủ của con người từ đó phát hiện ra nhiều điều thú vị và bí ẩn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ ba bí quyết thông qua giấc ngủ để giúp bạn cải thiện được sự sáng tạo của bạn.
Bạn đã bao giờ tỉnh dậy khỏi giấc mơ và ước mình có thể ở trong đó lâu hơn, vì khi mơ bạn đã tìm ra những giải pháp và ý tưởng hấp dẫn cho những câu chuyện rất thực ngoài đời mà bạn đang gặp phải? Tin vui cho bạn đây, khoa hoc đã chứng mình rằng điều này hoàn toàn có thể thực hiện.
Những gì bạn làm trước khi đi ngủ có thể đóng vai trò quyết định trong việc sáng tạo của bạn khi bạn đang tỉnh táo.Các nhà tâm lý học từ Đại học California, San Diego tìm ra rằng trạng thái REM ( rapid eye movement) – trạng thái ngủ động mắt nhanh giúp cải thiện quá trình sáng tạo hơn các trạng thái khác như lúc vào giấc hay lúc lơ mơ tỉnh. Và thường thì các giải pháp cho các vấn đề đau đầu trong ngày của chúng ta hay xuất hiện trong giấc ngủ bởi một hiện tượng mà các nhà khoa học nghiên cứu về nhận thức gọi là “nhận dạng mẫu” (pattern recognition)
Việc này xảy ra khi não bộ ở trong trạng thái đủ thư giãn để nhận ra những mối liên kết mới – hiện tượng này được biết đến là tính mềm dẻo của não. Điều này giải thích vì sao những ý tưởng lớn thường tới với bạn khi đang tắm, đang đi bộ, chuẩn bị chợp mắt hoặc thậm chí ngay cả khi đang say giấc ngủ. Tại những thời điểm này, tâm lý của chúng ta đang ở trạng thái thư giãn, cho phép não bộ hình thành các liên kết mới.
Não bộ sử dụng 2 hệ thống nhận dạng mẫu riêng biệt – một hệ thống bên ngoài và một hệ thống bên trong, như Steven Kotler viết trong tờ Psychology Today. Hệ thống bên ngoài phụ thuộc vào logic và quy luật và gắn liền với ý thức lý trí của chúng ta, có thể được giải thích, diễn tả bằng từ ngữ và lời nói. Mặt khác, hệ thống bên trong lại phụ thuộc vào bản năng, kĩ năng và kinh nghiệm. Bạn không thể mô tả chúng bằng lời. Kotler giải thích:
Khi áp dụng hệ thống bên ngoài, các nơ-ron đang liên kết với nhau, chúng thường ở gần nhau ( về khoảng cách). Trong khi hệ thống bên trong làm việc thì những góc xa nhau của não nói chuyện với nhau. Quá trình sáng tạo xảy ra khi các mạng lưới bên trong rộng lớn đó tìm được cách sắp xếp các thông tin cũ nhưng theo cách mới.
Nhưng làm sao bạn có thể tối ưu giấc ngủ để đột nhập vào trí tuệ sáng tạo của mình? Có những điều bạn có thể làm trước khi đi ngủ để giúp bạn đạt được điều này. “Bí quyết, nếu có, chỉ là làm sao bạn có thể thư giãn đủ để hệ thống bên trong hoạt động,” Kotler nói. “Đây là cách đột nhập trí não đơn giản được những người sáng tạo sử dụng.” Dưới đây là 3 cách để đạt được điều đó.
1. TÌM CẢM HỨNG TRONG CUỐN SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG
Nghiên cứu chỉ ra rằng trí nhớ hoạt động tốt nhất khi bạn học điều đó ngay trước khi đi ngủ. Hãy lấp đầy não bạn với những cảm hứng và ý tưởng mới trước khi đi ngủ và bạn có thể cho trí não của mình làm việc khi bạn đang ngủ.
Đọc trước khi ngủ – dù là tiểu thuyết, sách kinh doanh, hoặc một thứ gì đó gây cảm hứng và cung cấp thông tin cho công việc của bạn là một cách hiệu quả để chuẩn bị não bạn thật tốt cho những suy nghĩ sáng tạo của ngày hôm sau. Bạn có thể sẽ tỉnh dậy với một ý tưởng hoàn toàn mới mà bạn chưa từng nghĩ đến khi đi ngủ vào đêm hôm trước.
2. TỰ HỎI MÌNH NHỮNG CÂU HỎI BẠN ĐANG MUỐN TRẢ LỜI
Khi bạn chuẩn bị đi ngủ hoặc nằm xuống và tắt điện – hãy hỏi chính mình những câu hỏi mà bạn đang vật lộn trong công việc sáng tạo của mình. Bạn có thể nói thành lời hoặc tự hỏi trong đầu. Vì “Đặt câu hỏi cho hệ thống bên trong thực ra rất dễ dàng,” Kotler viết. “Do đó hỏi thành lời hoặc hỏi trong đầu đều không quan trọng.”
Kích thích não của bạn nghĩ về một vấn đề thử thách ngay trước khi đi ngủ có thể giúp hệ thống bên trong được thúc đẩy theo đúng hướng. Bí quyết là hãy làm điều gì đó khiến bạn quên đi câu hỏi – đọc hoặc có thể là tập trung vào nhịp thở – để giúp phần não bộ làm việc yên lặng ở phía sau tăng tốc.
3. KHUYẾN KHÍCH TRẠNG THÁI LÀM CHỦ GIẤC MƠ
Làm chủ giấc mơ là mơ trong khi bạn biết sự thật là mình đang mơ. Tại sao việc này lại giúp đột nhập vào trí tuệ sáng tạo của mình? “Bạn có thể ở trong mơ và bằng cách nào đó khám phá những sự thật bất khả thi,” theo nhà tâm sinh lý học và chuyên gia về làm chủ giấc mơ, Stephen LaBerge.
Để đạt được trạng thái làm chủ giấc mơ cần luyện tập và luyện cho não bạn nhận thức được khi nào mình đang mơ. Một vài cách để làm việc này đó là dành cả một ngày để tự hỏi bản thân rằng liệu bạn có đang mơ, điều này giúp tiềm thức của bạn nhớ đặt câu hỏi khi bạn đang mơ thực. Thức dậy vào giữa đêm, nhớ giấc mơ mà bạn vừa mơ và đi ngủ tiếp, ý thức được rằng bạn vừa mơ cũng có thể giúp bạn đạt được trạng thái làm chủ giấc mơ. LaBerge gọi những bước này là kỹ thuật ký ức cảm ứng (mnemonic introduction of lucid dreaming) hay kỹ thuật MILD.
“Điều này sẽ cho bạn sự tự do,” ông nói về trạng thái làm chủ giấc mơ. “Bạn sẽ không bị hạn chế bởi những quy luật vật lý và xã hội hay những ràng buộc bên ngoài khác như khi bạn đang thức. Trong mơ, bạn chỉ bị giới hạn bởi những hạn chế bởi trí não của mình mà thôi.”
Nguồn: Saga