Sách là vừa là người bạn, vừa là người thầy của tôi.
Sách là người bạn bởi khi cần tôi cần tìm đến một khoảng lặng bình yên cho tâm hồn, khi tôi muốn cuộc sống của mình lắng lại, chậm xuống, tôi sẽ tìm đến sách, trốn mình vào trong những câu chuyện, hay đi tìm chính mình trong cảm xúc của các nhân vật.
Sách là người thầy khi tôi cần giải quyết vấn đề trong cuộc sống hay thậm chí là tò mò về một lĩnh vực nào đó. Khi là một sinh viên muốn tìm kiếm những kỹ năng để thành công, hay khi là một người mẹ muốn tìm hiểu những kiến thức về nuôi dạy con, hay tìm hiểu những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công việc. Tôi luôn tìm thấy câu trả lời trong sách.
Sách làm thay đổi cuộc đời
Bạn biết Chung Ju-yung, sáng lập tập đoàn Hyundai hùng mạnh chứ? Cả dòng họ ông là nông dân, ông lại là con cả, 3 lần trốn nhà lên thành phố lập nghiệp, để thoát khỏi cảnh nhà nông, là 3 lần ông bị cha bắt trở về làm nông. Nhưng cuối cùng ông vẫn quyết tâm đi lên thành phố, nhờ đó mới có tập đoàn Huyndai như bây giờ. Nhờ đâu một con người sống ở nơi quê mùa, cả dòng họ làm nông, lại có kiến thức và tầm nhìn vĩ đại như vậy? Nhờ ông đọc sách, những cuốn sách truyền cảm hứng về những con người vĩ đại, và cả những cuốn sách dạy kinh doanh, kinh tế, kế toán. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln cũng là một ví dụ tương tự. Những con người rất thật đấy nói lên tầm quan trọng thay đổi cuộc đời của sách.
Tôi học để dạy mình tránh gây ra những tổn thương cho con
Tôi đọc khá nhiều sách về giáo dục trẻ em, từ phương pháp Do Thái, Nhật Bản, Đức, Pháp, Montessori… Mỗi cuốn sách, mỗi phương pháp đều có giá trị riêng của nó. Mục đích cao nhất của việc đọc đó không phải là để chọn theo một phương pháp nào, mà là để HIỂU con mình hơn. Hiểu rằng tại sao con trẻ lại cư xử như thế, thế nào là bình thường, thế nào là bất thường và với từng tình huống cụ thể thì xử lý như thế nào là phù hợp nhất với con, tức là để cho con hợp tác trong vui vẻ. Nên cuối cùng, tôi chọn phương pháp nghe theo con. Nghe theo con không phải là con bảo gì làm nấy, con muốn gì được nấy, mà là việc nương theo sở thích, tình cảm, tính cách và cảm xúc của con, để có cách cư xử phù hợp.
Còn ở thực tiễn, tôi học ở con mình. Từng ngày tôi ngắm nhìn con lớn lên, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi nhìn con trưởng thành từng chút một, từ một em bé vất vả cố lật được người, cho đến một cậu bé luôn thích thi chạy với mẹ khi đi trên đường, từ một em bé nằm ê a nghe mẹ đọc sách, đến một ông cụ non cau mày tự ngồi đọc báo. Tôi ngắm nhìn con, cố gắng hiểu con, luôn ở cạnh cổ vũ con. Không cần so sánh con mình với bất kỳ ai, học ở con, đấy chính là thực tiễn tuyệt vời nhất của tôi.\
Con trai tôi thích đọc sách theo cách rất “tự nhiên”.
Tôi đọc sách cho con từ hồi con 2 tháng tuổi, 2 mẹ con cùng nằm đọc sách. Cuốn sách đầu tiên của bé là “Thơ cho bé tập nói”. Một tuyển tập thơ thuần Việt với ngôn ngữ rất trong sáng. Bản thân tôi cũng là một người thích đọc sách, có những tối con chơi, còn tôi ngồi đọc sách, nên hình ảnh mẹ yên lặng ngồi đọc sách rất quen thuộc với con. Nhà cũng nhiều sách, con lớn lên trong môi trường nhìn đâu cũng thấy sách, nên cũng quen. Giờ thì có những tối 2 mẹ con ngồi cạnh nhau, mỗi người một cuốn sách. Tôi rất trân quý những khoảng khắc bình yên đấy, tôi cảm thấy 2 mẹ con tuy 2 mà một, tuy 1 mà vẫn là 2, đó là một sự kết nối rất đặc biệt.
Tôi dịch một cuốn sách bằng cách đọc thật nhiều những cuốn sách khác
“Ngôn ngữ là một phần của văn hóa. Việc thách thức nhất khi chuyển ngữ một cuốn sách là những khác biệt về văn hóa. Giống như tiếng Việt có cách nói ẩn dụ, có những câu thành ngữ, cách so sánh riêng có, thì tiếng Anh cũng thế. Dịch một cuốn sách không phải chỉ là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà điều tôi muốn là chuyển được hết tinh thần và tư tưởng của tác giả đến với bạn đọc một cách chân thật và chính xác nhất”. Cuốn sách “Kinh điển về khởi nghiệp” là một cuốn sách khá mới và rất nhiều thuật ngữ mới do tác giả sáng tác ra nên quả là một khó khăn. Tôi “chinh phục” tất cả những thuật ngữ đấy cũng nhờ sách. Tôi mua và đọc tất cả các sách mà tác giả tham khảo, đề cập đến trong sách của ông mà có ở Việt Nam. Cũng đến gần chục cuốn. Tôi muốn đọc tất cả các sách tác giả đọc (và tôi có thể đọc) đầu tiên để hiểu tác giả hơn, sau đó, để tìm kiếm xem liệu các thuật ngữ đã được đề cập ở đâu đó chưa? Để học hỏi xem người khác dịch thế nào? Mình nên học theo hay nên cải tiến cho tốt hơn. Vậy là tôi dịch một cuốn sách bằng cách đọc thật nhiều những cuốn sách khác.
Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc