Văn hóa đọc trong giới trẻ đang mai một hay vẫn phát triển? Câu hỏi này đến nay vẫn đang được nhiều người tìm hiểu để đưa câu trả lời xác đáng nhất. Bởi thực tế cho thấy, giới trẻ vẫn đến dự đông đảo và đam mê cùng sách khi các sự kiện về văn hóa đọc được mở ra, nhưng đồng thời sự xuất hiện của các thiết bị điện tử thông minh, nhiều loại hình giải trí… cũng cản trở quá trình tìm hiểu, đọc sách của người trẻ.
Tín hiệu mừng…
Dễ dàng nhận thấy trong nhiều hội sách, ngày sách được tổ chức thời gian qua ở nước ta, các báo cáo của Ban Tổ chức thường cho biết có một số lượng lớn các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tham gia. Điển hình tại Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 tại Hà Nội gần đây hướng tới Ngày sách Việt Nam (21/4), hàng vạn bạn trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc tại Thủ đô đến dự để mua, đọc sách và tham gia các chương trình tọa đàm, giao lưu với các chuyên gia văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nền văn học nước nhà. Sự hào hứng và đam mê của các bạn trẻ tại các gian hàng sách từ sáng đến 9h tối khiến nhiều người tin rằng văn hóa đọc của giới trẻ vẫn có những tín hiệu đáng mừng, bởi dù sao sách vẫn là món ăn tinh thần bổ ích, là kho tàng kiến thức sâu rộng khiến giới trẻ cần đi đến tận cùng.
Tham gia nhiều hội sách, ngày sách, theo quan sát của người viết bài này, giới trẻ là lực lượng chính để tạo nên những chuyển biến tích cực về mặt doanh thu cho ngành xuất bản. Tại các sự kiện về sách, các bạn trẻ không ngần ngại bỏ ra vài trăm ngàn đồng tiết kiệm được trong thời gian dài để mua sách. Nhiều bạn trẻ vì không có điều kiện mua sách mới ở cửa hiệu, cửa hàng vì giá cao nên đành chờ đến hội sách có chương trình giảm giá mới mua cả túi, balo sách về “gối đầu giường” đọc dần. Theo bạn Quỳnh Anh – sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội, nhằm phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức, Quỳnh Anh luôn dành một khoản tiền làm thêm để mua sách. “Do sách mới ở các hiệu sách thường có giá cao nên khi có hội sách với chương trình giảm giá, em luôn cố gắng tìm mua những cuốn sách mà mình yêu thích để làm cho kệ sách đầy đặn, phong phú hơn. Sách giảm giá cũng có nội dung, kiến thức như sách mới tại cửa hàng, vì thế những gì em tiếp cận được từ sách là như nhau” – Quỳnh Anh chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ cũng cho biết, việc tìm đến sách chính là con đường hữu hiệu và là cách tốt nhất để nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn và hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Trong đời sống tinh thần vốn đa dạng và phong phú như hiện nay, đáng mừng bởi không ít bạn trẻ có điểm nhìn khi cho rằng sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, đồng thời sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Và hơn nữa, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và việc đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích cho mỗi chúng ta như: kích thích tinh thần, giảm căng thẳng, mở rộng vốn từ, cải thiện trí nhớ, khả năng phân tích của tư duy mạnh mẽ hơn, tăng khả năng tập trung, chú ý, thanh tịnh trong tâm hồn…
Và cũng nhiều trăn trở
Dù có những tín hiệu đáng mừng trong văn hóa đọc của giới trẻ ở nước ta kể trên, song thực tế phản ánh vẫn còn nhiều điều trăn trở với giới trẻ trong văn hóa đọc. Bởi lẽ, dường như chỉ khi nào có sự kiện về sách thì giới trẻ mới lũ lượt tham dự và đi tìm cuốn sách mà họ yêu thích, chính điều này phản ánh một bộ phận giới trẻ chưa hình thành được thói quen đọc sách. Nhiều bạn trẻ đôi lần đọc sách nhưng là đọc không chọn lọc, đọc hời hợt, đọc theo phong trào và đọc không ứng dụng. Những loại sách về văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ bị các loại truyện tranh nội dung đơn giản, những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thậm chí thiếu lành mạnh chi phối và tạo sức hút.
Một số cán bộ làm việc tại thư viện cấp tỉnh ở nước ta cho biết, 80% đối tượng tới thư viện là học sinh nhưng các em chủ yếu tìm đọc các thể loại truyện tranh, sách tham khảo, còn thể loại sách khác thì không. Trong khi đó, thời buổi công nghệ thông tin phát triển, rất nhiều bạn trẻ có máy tính xách tay, điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng… thì chủ yếu phục vụ giải trí như xem phim, nghe nhạc, tham gia các trang mạng xã hội như facebook, zalo… chứ ít khi đọc sách điện tử (ebook). Khi có bạn trẻ lên mạng để đọc báo, truyện… thì họ lại thẳng thắn cho biết chủ yếu đọc những tin “giật gân”, những câu chuyện tình yêu “mộng rớt”, thậm chí là cả những bài viết về tình dục không phù hợp với lứa tuổi, với văn hóa chuẩn mực. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đọc sách theo trào lưu, đọc nhanh, đọc rồi lại quên chứ không “khai phá” được từ những gì đã tiếp thu được từ sách, báo!
Theo nhà nghiên cứu văn hóa – TS. Vũ Thế Long, nhịp sống hiện đại nên một phần giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho facebook, lên mạng trò chuyện thì sao có thời gian đọc sách. Tiếp nữa, sách hiện nay đôi khi chạy theo thị hiếu của khách hàng nên mất dần giá trị. Vì thế, TS. Vũ Thế Long cho rằng, chúng ta cần có nhiều hơn những chương trình giáo dục, nói chuyện về những cuốn sách để sao người dân, đặc biệt các bạn trẻ cảm thấy đọc sách là điều rất cần thiết và bổ ích.
Quỳnh Phạm