Nếu muốn suy nghĩ thực thụ, bạn phải học cách sống chung với chính mình (không có cách nào khác đâu).
Năm 1840, Edgar Allan Poe miêu tả ‘năng lượng điên’ của một người đàn ông luống tuổi đi lang thang khắp đường phố London từ sáng đến đêm. Nỗi đau đớn cùng cực của ông chỉ có thể được nguôi ngoai phần nào nếu ông quăng mình vào đám đông nhộn nhạo của thành phố. “Ông ấy từ chối ở một mình,” Poe viết. Ông “là điển hình và cảm hứng của tội ác … Ông ta là người của đám đông.”
Giống như rất nhiều nhà thơ và triết gia trải đời khác, Poe nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cô độc. Thật là ‘một bất hạnh lớn,’ ông nghĩ, khi mất khả năng ở một mình, khi bị cuốn vào đám đông, khi hy sinh sự độc nhất của mình để làm hài lòng số lớn. Hai thập kỷ sau, ý niệm về sự cô độc thu hút trí tưởng tượng Ralph Waldo Emerson theo một cách khác: trích lời Pitago, ông viết: “Vào buổi sáng – bản chất của sự cô độc sẽ kích thích trí tưởng tượng theo cách mà sự song hành không bao giờ làm được.” Emerson khuyến khích những nhà giáo thông thái nhấn mạnh với học sinh tầm quan trọng của “những khoảng thời gian và thói quen ở một mình.” Thói quen ấy cho phép ta có “những suy nghĩ nghiêm túc và trừu tượng.”
Trong thế kỷ 20, ý tưởng về sự cô độc đã hình thành nên cốt lõi suy nghĩ của Hannah Arendt. Là một kẻ di dân người Đức gốc Do thái đã trốn khỏi Nazi để sang Mỹ, Arendt dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Đối với bà, tự do là một sợi dây bị căng hai đầu – một đầu riêng tư, hay gọi là vita contemplativa (đời sống nội tâm) và một đầu xã hội, gọi là vita activa (đời sống xã hội.) Bà hiểu rằng tự do đòi hỏi không chỉ khả năng cư xử ngẫu nhiên và sáng tạo ở chốn đông người. Nó còn đòi hỏi khả năng suy xét và phán đoán trong không gian riêng tư, khi sự cô độc giúp một cá nhân suy ngẫm về hành động và đào sâu lương tâm của mình. Nói cách khác, cô ta được thoát khỏi sự ồn ã của đám đông để rốt cuộc nghe được suy nghĩ bản thân mình.
Năm 1961, báo The New Yorker thuê Arendt đưa tin về vụ xử Adolf Eichmann, một sĩ quan SS (lực lượng vũ trang Nazi) đã góp phần chỉ huy thảm sát Holocaust. Bà muốn biết làm sao một con người có thể gây ra một tội ác khủng khiếp như vậy? Chắc chắn chỉ có những tên tâm thần đầy dã tâm mới có thể tham gia vào hành động ấy. Nhưng Arendt rất ngạc nhiên trước trí tưởng tượng nghèo nàn và sự rập khuôn quá mức của Eichmann.
Bà lập luận rằng mặc dù hành động của Eichmann xấu xa, con người Eichmann “khá bình thường, phổ biến, và không hề quỷ quyệt hay thú tính. Không có dấu hiệu về một lý tưởng nào hằn sâu vào đầu óc.” Bà cho rằng sự tàn bạo của ông ta – khả năng và sự thích thú được phạm tội – bắt nguồn từ “sự thiếu chín chắn.” Chính việc không thể dừng lại và suy nghĩ đã thúc đẩy Eichmann tham gia vào thảm sát quy mô lớn.
Giống như cách Poe nghi ngờ rằng luôn có sự nham hiểm ác độc thầm kín đằng sau một người của đám đông, Arendt nhận ra rằng: “Một người không biết đến những khoảng lặng (khi chúng ta ngẫm nghĩ về điều chúng ta nói và việc chúng ta làm) sẽ luôn tự mâu thuẫn. Điều này có nghĩa là hoặc anh ta sẽ không bao giờ có thể hay muốn giải thích những gì anh ta nói và làm, hoặc sẽ phạm tội không ghê tay, vì anh ta tin rằng người ta sẽ quên ngay chuyện đó.” Eichmann đã lảng tránh sự suy ngẫm của Socrates. Ông ta thất bại khi quay trở về với bản thể, về trạng thái cô độc. Ông ta đã vứt bỏ đời sống nội tâm (vita contemplativa), và vì thế thất bại trong việc bắt đầu quá trình tự-hỏi-và-trả-lời cần thiết để hiểu sâu ý nghĩa của sự việc, và để phân biệt giữa sự thật và chuyện kể, sự đúng đắn và sai lầm, lương thiện và độc ác.
“Chịu đựng sai lầm tốt hơn là làm sai,” Arendt viết, “bởi vì bạn vẫn có thể làm bạn với người chịu khổ, nhưng ai muốn làm bạn và sống cùng một kẻ giết người? Kể cả một kẻ sát nhân khác cũng không muốn.” Không phải là những người không suy nghĩ là quái vật, chỉ là những kẻ mộng du buồn bã của cuộc đời sẽ giết người trước khi đối mặt với bản thân trong sự cô độc. Eichmann đã cho Arendt thấy rằng xã hội vận hành tự do và dân chủ chỉ khi nó được cấu thành bởi những cá nhân chủ động suy nghĩ – một hành động cần sự cô độc. Arendt tin rằng “sống chung với người khác bắt đầu bằng việc sống chung với chính mình.”
Một người không biết đến những khoảng lặng (khi chúng ta ngẫm nghĩ về điều chúng ta nói và việc chúng ta làm) sẽ luôn tự mâu thuẫn.
Nhưng nếu như, chúng ta tự hỏi, chúng ta trở nên cô đơn trong khi một mình thì sao? Không phải sẽ có những nguy cơ tiềm tàng rằng chúng ta sẽ trở thành những cá nhân cô lập không bạn bè ư? Từ lâu các triết gia đã phân biệt rõ ràng và cẩn thận sự khác biệt giữa sự cô độc và nỗi cô đơn. Trong Cộng hoà, Plato thuật lại một câu chuyện mà trong đó Socrates ngợi khen một triết gia cô độc. Bằng biểu tượng cái động, người triết gia trốn thoát khỏi sự tăm tối của một cái hang dưới lòng đất và sự đồng hành của những người khác để tìm thấy ánh sáng của suy ngẫm. Một mình nhưng không cô đơn, người triết gia đã hiểu sâu về nội tâm của mình và về cuộc đời. Trong sự cô độc, cuộc đối thoại yên lặng mà trong đó “tâm hồn trò chuyện với bản thân cô ấy” cuối cùng cũng có thanh âm.
Lặp lại Plato, Arendt quan sát: “Suy nghĩ, mà được khẳng định bằng lời nói, là một công việc cô độc nhưng không cô đơn; cô độc là một trạng thái con người mà tôi đồng hành cùng chính mình. Niềm cô đơn đến khi tôi không có sự đồng hành” nhưng khao khát và không tìm được nó. Trong trạng thái cô độc, Arendt không bao giờ mong mỏi cồn cào tình bạn bởi bà không thật sự cô đơn. Nội tâm chính là một người bạn mà bà có thể trò chuyện cùng, là một giọng nói câm với câu hỏi quan trọng của Socrate: “Bạn có ý gì khi nói…?” Arendt tuyên bố rằng bản thân “chính là người duy nhất bạn không thể bỏ trừ khi bạn dừng suy nghĩ.”
Cảnh báo của Arendt rất đáng lưu tâm trong thời đại của chúng ta. Trong thế giới kết nối cực đại, nơi chúng ta có thể giao tiếp liên tục và lập tức qua Internet, chúng ta hiếm khi để chừa một khoảng không gian để tự suy ngẫm. Chúng ta kiểm tra email hàng trăm lần một ngày, nhắn hàng ngàn cái tin một tháng. Chúng ta lướt Twitter, Facebook và Instagram nhiều đến ám ảnh, luôn ngứa ngáy phải kết nối mọi lúc với người thân lẫn người quen. Chúng ta tìm kiếm bạn của bạn, người yêu cũ, người chúng ta gần như không biết, thậm chí người chúng ta chẳng cần phải biết. Chúng ta thèm thuồng sự đồng hành liên tục.
Nhưng Arendt nhắc nhở chúng ta rằng nếu mất đi khả năng ở một mình, chúng ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ. Chúng ta có nguy cơ bị cuốn đi bởi đám đông. Chúng ta có nguy cơ bị choáng ngợp bởi việc mọi người làm và tin vào, đồng nghĩa với việc không còn có thể phân biệt phải trái đúng sai trong cái lồng của sự ăn theo. Sự cô độc không chỉ là một trạng thái tinh thần thiết yếu với sự phát triển trí tuệ và lương tâm của một cá nhân, mà còn là một thói quen để chuẩn bị cho người đó tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Trước khi có thể đồng hành cùng người khác, hãy đồng hành với chính mình.