Dù bị chồng cự nự, nhiều người dèm pha là dở hơi, bà Hoa bỏ ngoài tai, kiên trì theo hết 4 năm học để lấy bằng cử nhân Luật.
Dưới cái nắng oi bức của mùa hè, bà Phan Thị Kim Hoa cần mẫn ngồi chăm chút gian hàng nhỏ ở góc chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Từ đầu chợ, nếu ai hỏi về bà, mấy tiểu thương liền đon đả: “Bà Hoa luật sư hả? Kia kìa, chỗ để chuối, mấy rổ trứng vịt đó”. Còn người đàn bà nhỏ nhắn, khắc khổ cười thanh minh: “Luật sư cái nỗi gì, mới lấy được bằng cử nhân mà. Phải học 6 tháng nữa mới có bằng luật sư”.
Mới 55 tuổi nhưng tóc bà Hoa đã bạc trắng. Giở chiếc giỏ xách cũ mèm lúc nào cũng kè kè bên người, bà lôi ra tấm bằng cử nhân Luật do Đại học Cần Thơ cấp, cùng tấm ảnh bà trong trang phục cử nhân tại lễ nhận bằng hôm 10/5.
Từng là nữ sinh trường áo tím Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM), sau năm 1975 bà Hoa theo gia đình về Tiền Giang làm ruộng. Do có trình độ, bà được yêu cầu làm giáo viên mẫu giáo. “Hồi nhỏ tui xem cải lương trên tivi, thấy cô Bảy Phùng Há đóng vai luật sư chuyên bênh vực người nghèo mê lắm. Tui tự nhủ lớn lên sẽ đi làm luật sư, nhưng cuộc đời đưa đẩy cuối cùng phải làm giáo viên”, bà Hoa nhớ lại.
Lấy chồng năm 1994, gia cảnh khó khăn nên 5 năm sau bà Hoa nghỉ dạy, ra chợ kiếm tiền phụ chồng nuôi con. Giấc mơ luật sư tưởng chừng chìm vào quên lãng đến khi em ruột của bà bị người khác đánh chết năm 2007. Cho rằng em trai chết uất ức, kẻ sát nhân chưa bị xử lý thích đáng, bà Hoa một mặt gửi đơn khiếu nại, mặt khác tìm cách học luật.
“Người dân ở nông thôn thiếu kiến thức về luật pháp nên hay bị chèn ép, xử thua oan ức, tui nhất định phải học luật để bênh vực cho em vừa có điều kiện giúp đỡ người khác”, người đàn bà 55 tuổi giãi bày.
Năm 2010, biết tin Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với Đại học Cần Thơ mở khóa đào tạo cử nhân Luật, bà đăng ký theo học. “Có tài liệu trong tay, tui học ngày học đêm, rảnh lúc nào học lúc đó. Đêm xong việc nhà là chong đèn học, ngày ra chợ, những lúc vắng khách là tui lôi tài liệu trong giỏ ra đọc”.
Theo quy định, mỗi học kỳ các sinh viên phải đến trung tâm học khoảng 20 ngày, bà Hoa lâm vào thế khó xử vì ngày nào cũng phải buôn bán. Cuối cùng, bà nghĩ cách sáng sớm dọn hàng ra chợ rồi nhờ bạn ngồi kề bên bán dùm. Đến trưa, con gái bà đang học gần đó ra chợ dọn hàng.
Bà Cao Kim Hoàng (52 tuổi), người thường xuyên bán dùm bà Hoa, kể: “Lúc đầu nhiều người nói bà Hoa già còn bày đặt học hành không lo buôn bán phụ chồng nuôi con. Nhưng tui thấy bà Hoa ham học quá nên nhận lời giúp bà ấy được việc gì thì giúp”, bà Hoàng cười nói.
Giải quyết được bài toán “vừa học vừa làm”, bà Hoa lại gặp sự phản đối quyết liệt của chồng. Ông cằn nhằn cho rằng chỉ có quan chức học lấy tấm bằng để tiến thân, lên lương còn bà bán đồ ngoài chợ học làm gì. “Ổng nói nhìn vợ người ta mà ham, buôn bán xong lo về nhà phụ giúp chồng, còn tui bán xong quanh năm suốt tháng đi… học. Lấy được tấm bằng cử nhân thì cùng lắm cũng đem về treo giàn bếp cho… vợ chồng ông Táo xem”, bà Hoa tủm tỉm kể lại lời chồng.
Buôn bán chỉ đủ phụ chồng nuôi con, tiền đi học trở thành vấn đề lớn với bà Hoa. Không bỏ cuộc, bà vừa buôn bán vừa nhặt phế liệu đem bán kiếm tiền đi học. “Nói thiệt, bán chuối, trứng rồi nhặt phế liệu cũng chẳng đủ nên tui toàn mượn thêm tiền của chị Nê – hiệu trưởng trường mẫu giáo nơi bà Hoa từng giảng dạy. Ngày thi lấy bằng, tui phải mượn chị ấy 5 triệu lo chi phí, đến nay nợ hơn 20 triệu chưa trả được”, bà Hoa trần tình.
Dù chồng cằn nhằn, phải vay mượn tiền đi học nhưng bà không bỏ cuộc. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, cầm tấm bằng Cử nhân Luật trong tay, mấy đứa con lắc đầu lè lưỡi, riêng chồng bà thì cười cười: “Bà giỏi thiệt đó, hôm nào phải làm tiệc khao mấy cha con tui”.
“Tui thấy chị Hoa lớn tuổi rồi mà ham học khiến tui và nhiều người biết chị đều khâm phục. Đến lúc chị Hoa lấy được bằng cử nhân Luật, tụi tui càng nể hơn”, bà Cao Thị Sa (tiểu thương ở chợ Vĩnh Bình) nói.
Cử nhân Luật tuổi 55 cho biết, bà sẽ tiếp tục lo kiếm tiền đi học thêm 6 tháng nữa để lấy cho được bằng luật sư. “Khi trở thành luật sư, tui sẽ dùng sở học của mình giúp đỡ người nghèo một cách bất vụ lợi để bà con đòi được công bằng, không bị chèn ép vì thiếu kiến thức về pháp luật”, bà Hoa bày tỏ.
Nguồn: VnExpress