Tọa trên vành đai lửa Thái Bình Dương, “sở hữu” tới 10% lượng núi lửa đang hoạt động trên thế giới, Nhật Bản không hề có vị trí địa lý đẹp cho sự phát triển. Tài nguyên thiên nhiên hạn hẹn, khan hiếm mà lại còn “dồi dào” thảm họa thiên nhiên. Gần như bất cứ lúc nào, người dân cũng phải đối mặt với nguy cơ sóng thần, động đất xảy ra.
Thế nhưng, chính đây lại là quốc gia có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo nhất. Có thể nói, Nhật Bản chính là nước dẫn đầu về sự sẵn sàng.
Một đất nước mà người ta luôn xác định tâm lí: Thảm hoạ là không thể tránh khỏi
Mẹ Thiên nhiên không phải một bà cụ hàng xóm dễ mến, nhất là trong trường hợp của Nhật Bản. Bằng chứng là trong một năm, xứ sở hoa anh đào phải chào đón khoảng 1.500 vụ động đất lớn nhỏ khác nhau ập vào lãnh thổ của mình mà không một hồi chuông báo trước.
Năm 1923, vụ động đất Kanto với cường độ 8.3 độ Richter đã khiến phần lớn các tòa nhà đổ nát, tạo nên cơn sóng thần cao tới 12m. Hậu quả, gần 143 nghìn người chết trong trận động đất lịch sử này.
Năm 1995 xảy ra trận động đất Kobe 7.3 độ Richter khiến hơn 6.4 nghìn người chết, gây thiệt hại 102.5 tỷ USD. Nước Nhật lại một lần nữa đứng lên từ đống đổ nát.
Năm 2011, trận động đất và sóng thần đánh vào phía Đông Nhật Bản gây ra cái chết cho hàng chục nghìn người, hàng nghìn người khác bị thương. 125 nghìn công trình lớn nhỏ khác nhau bị phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại nặng về kinh tế nước Nhật. Bên cạnh đó, vụ thiên tai đã làm hư hỏng nhà máy điện hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ, biến Fukushima trở thành “thành phố ma” không ai dám ở.
Nhưng chính trong sự kiện lần này, thế giới lại cảm phục người dân Nhật Bản hơn. Tinh thần người Nhật trong hoàn cảnh ngặt nghèo bỗng bừng sáng. Thế giới lại tiếp tục khâm phục người dân đất nước Đông Á này nhiều hơn.
Và đến hôm nay, cũng lại Fukushima, lại tiếp tục gánh chịu đợt động đất mới mạnh 7.3 độ Richter, gây rung chuyển cả nước Nhật.
Trong sự kiện hôm nay, hình ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất chính là đoàn xe hơi nối đuôi nhau gọn gàng di tản khỏi khu vực nguy hiểm. Không ồn ào, không náo loạn mà rất trật tự, thẳng hàng, kể cả khi ấy họ đang sơ tán khỏi khu vực thiên tai chết người.
Có người so sánh vui vui rằng, dân Nhật đi di tản thiên tai còn trật tự hơn cả người Việt đi làm buổi sáng.
Bài học đầu đời và xuyên suốt cả cuộc đời
Người Nhật vốn luôn nổi tiếng về mặt kỷ cương, gần như không quốc gia nào người dân có được sự nghiêm chỉnh, quy củ như ở Nhật Bản cả. Tuy nhiên, kể cả khi có kỷ luật đến mấy, đứng trước bờ vực giữa sự sống và cái chết, mọi thứ cũng không thể nào gọn gàng ngay ngắn được đến như vậy.
Ấy thế mà ở Nhật thì có đấy.
Vốn dĩ sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, người ta càng phải tìm cách để xoay sở, để tồn tại trong hoàn cảnh ấy. Trong tình huống của nước Nhật, cách mà người dân xoay sở tồn tại chính là chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho thảm họa thiên nhiên, bằng kỹ năng sinh tồn.
Đầu tiên, hãy nói về vấn đề giáo dục.
Giáo dục ở Nhật Bản không quan trọng trẻ con phải biết đếm từ 1 đến 1000 khi chỉ mới chập chững vào lớp mầm non. Nhật Bản cũng không đặt mục tiêu khi con vào lớp 1, con phải biết giao tiếp bằng Tiếng Anh để không thụt lùi so với đồng bạn trang lứa, hay con không phải biết đánh nửa bản Sonata Ánh Trăng để biểu diễn với con cái của bạn bè.
Bài học đầu tiên người Nhật dành cho con trẻ chính là kỹ năng sinh tồn, chính là để đối phó với những tình huống như sáng ngày hôm nay.
Từ lúc còn nhỏ, trẻ con Nhật đã được tham gia vào nhiều lớp đào tạo kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Với một đất nước mà mỗi năm có đến 1500 vụ động đất lớn nhỏ, mà có khi lúc đứa trẻ sinh ra đời, chào đón chúng là một cơn dư chấn nho nhỏ nào đó, thì đây là hành trang tối cần thiết để được tồn tại.
Chơi mà học, học mà chơi, người Nhật cũng lồng ghép nhiều bài học sinh tồn vào các hoạt động ngoại khóa cho các bé. Khi mà bài học trở thành niềm vui, tự khắc sự tiếp thu sẽ được tăng cao nhiều.
Nhớ hồi tháng 6, cậu bé Yamamoto Tanooka 7 tuổi đã may mắn sống sót sau khi lạc trong khu rừng đầy gấu trong gần 1 tuần lễ. Điều thần kỳ hơn, cậu bé không có vết thương nặng nào ngoài cơ thể, tinh thần thoải mái, chỉ hơi đói bụng một chút mà thôi. Với một cậu bé ở tuổi ấy, trong 6 ngày không có sự bao bọc của bố mẹ mà vẫn khỏe mạnh, điềm tĩnh như vậy quả là đáng phải nể phục.
Cậu bé ấy chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của việc giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ ở Nhật.
Nhưng câu chuyện về kỹ năng sống ấy không chỉ dừng lại ở khái niệm “hành trang chào đời”.
Kỹ năng sống là câu chuyện xuyên suốt, ăn sâu vào tiềm thức, quyện vào cuộc sống đời thường của mỗi người dân ở quốc gia này.
Đơn cử, trong tháng 11/2016, hàng loạt trường học tại Nhật Bản tổ chức đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên một cách cực kỳ chặt chẽ, nghiêm ngặt và quy củ. Mỗi chương trình đào tạo kéo dài khoảng 3 tiếng với nhiều nội dung hướng mạnh đến cách xoay sở khi có thiên tai.
Sinh viên được xem các đoạn video, băng hình nói về các trận động đất lịch sử, sau đó được tuyên truyền về các kỹ năng cần thiết khi lâm vào tình huống ấy, ví dụ như luôn tích trữ đủ những thứ cần thiết, cụ thể là lương khô, bánh, nước đủ dùng trong 7 ngày, đèn pin, áo mưa, còi và phải có mũ chống động đất treo ngay lối ra vào. Giấy tờ tùy thân cần thiết cũng phải để ở nơi dễ tìm nhất mỗi khi cần di chuyển gấp.
Khi động đất xảy ra, việc đầu tiên là phải chui xuống gầm bàn, hoặc các không gian có vật để che chắn. Tiếp theo, giữ im lặng và đợi hiệu lệnh di tản, trong lúc bắt đầu di chuyển phải tìm mũ, hoặc nồi cơm điện để bảo vệ đầu, tránh xa những nơi có kính và chạy tập trung ra khu vực đất rộng rãi như sân trường, công viên.
Chính vì vậy mà các trường học tại Nhật Bản luôn có sân cực rộng và luôn mở cửa vào ban đêm. Tất cả nhằm chuẩn bị kỹ càng, để đến khi xảy ra động đất, người dân có thể tới tập trung ở khu vực này.
Và quan trọng nhất, các buổi đào tạo kỹ năng này không phải những buổi mang tính lý thuyết, để “cho xong”, trái lại còn được quản lý cực kỳ nghiêm túc. Sau khi kết thúc buổi đào tạo, người tham gia còn phải làm bài kiểm tra, nhằm bảo đảm các kiến thức được tiếp nhận và ghi nhớ. Tất cả đều vì một mục đích chung là sự sống còn của dân tộc.
Bên cạnh đó, trên khắp các tỉnh thành của Nhật đều có những trung tâm hỗ trợ động đất luôn túc trực. Nhân viên ở các trung tâm này hầu hết đều có thể nói nhiều thứ tiếng lưu loát như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Bồ Đào Nha… để hỗ trợ tối đa người dân khi cần thiết.
Tuy nhiên tất cả đều sẽ chẳng có nghĩa lý nào nếu như người dân không phải là một khối đồng lòng, tin tưởng lẫn nhau. Từng cá thể xuất sắc rời rạc không thể tạo nên một dân tộc mạnh, mà chỉ là một dân tộc có các cá nhân ưu tú kiệt xuất. Mà nếu dân tộc không mạnh, thiên tai xảy ra, chỉ có nước chết.
Đoàn kết – Chìa khóa dẫn cả dân tộc qua cửa tử Tự nhiên
Trong các video về thảm họa tự nhiên được trình chiếu, ở cuối video luôn có một câu thế này:
“Thảm họa là không thể tránh khỏi nhưng hãy luôn hợp tác và đoàn kết. Đồ cứu trợ chỉ lấy đủ dùng, còn lại dành phần cho người khác”.
Chúng ta từng thấy hình ảnh người dân Nhật xếp hàng ngay ngắn trật tự nhận hàng cứu trợ trong sự kiện Fukushima 2011 khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Chúng ta từng được nghe nhiều câu chuyện về cách mà người Nhật nhường nhịn, giúp đỡ nhau trong các thảm họa tự nhiên. Và chúng ta thấy được hình ảnh dãy xe hơi thẳng tắp của người dân Fukushima di tản khỏi khu vực động đất sáng nay, như một lời nhắc nhở về cách mà dân Nhật đoàn kết, đồng lòng vượt qua nghịch cảnh.
Cuối cùng, bằng sự đồng lòng ấy, họ tạo nên một nước Nhật đẹp như ngày hôm nay.
Còn cái tạo nên người Nhật, có lẽ chính là những thử thách mà mẹ Thiên nhiên đặt ra, trút cả lên đảo quốc Đông Á này.
Nước Nhật chắc chắn trong tương lai còn phải chịu rất nhiều trận động đất khác nữa. Nhưng với cái cách mà người dân Nhật được giáo dục, được tuyên truyền, và cách mà họ đối xử với nhau trong những tình huống tương tự thế này trước đây, sẽ chẳng có thiên tai nào có thể làm khó dân tộc quật cường này thêm nữa.
“Khi cùng nhau không gì là không thể”
Lương Hồng Phúc – Ngọc Diệp theo Trí Thức Trẻ