Richard Branson sinh năm 1950 tại London, Anh là một ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, người sáng lập của tập đoàn Virgin Group với hơn 400 công ty. Richard Branson là một trong bốn doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, bên cạnh những tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs và Warren Buffet.
Khi còn nhỏ, do bị một vài khiếm khuyết bẩm sinh như chứng khó đọc (dyslexia)… nên việc tiếp thu kiến thức của ông chậm và kết quả học tập luôn thua kém chúng bạn. Có lẽ cũng một phần do mặc cảm về sự thiếu hụt này nên ông “phá ngang”, không học xong cấp phổ thông trung học mà sớm lăn lộn để kiếm sống. Mẹ của ông – bà Eve Branson kể lại: “Khi đó chúng tôi nghĩ rằng có tới 99% xác suất là con mình là kẻ ngốc, và chỉ có 1% xác suất là nó có khả năng tiềm ẩn kiệt xuất gì đấy. Chúng tôi quyết định đặt cược vào 1% đó”.
Thành công như ngày hôm nay, Richard Branson chia sẻ, đó là nhờ một phần ông nhận được sự dạy dỗ tuyệt vời từ người mẹ của mình.
Sống mà không hối tiếc
Richard Branson thường tỏ ra ngạc nhiên khi thấy nhiều người cứ nhắc đi nhắc lại những thất bại trong quá khứ thay vì tập trung năng lượng cho những kế hoạch, dự án mới. Ông đã cảm nhận được sự phung phí thời gian đó qua cách dạy của mẹ. Mẹ của Richard luôn dạy ông không bao giờ nhìn lại với sự hối tiếc mà hãy ngay lập tức có những bước tiến tiếp theo.
Richard kể lại rằng khi ông còn nhỏ, thu nhập của gia đình ông khá eo hẹp và vì thế mẹ ông luôn phải thường xuyên nghĩ ra những dự án kiếm tiền khác nhau để trang trải, thường là những công việc thủ công như dựng và bán những hộp gỗ và thùng rác. Nếu món đồ nào không bán được, bà sẽ cố gắng thử ngay sang cái khác.
Những hoạt động của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến những ý tưởng đầu tiên của Richard, ví dụ như nuôi giống vẹt đuôi dài hay trồng và bán cây thông vào Giáng sinh. Cả hai hoạt động kinh doanh ấy đều thất bại vì ông đi học trường nội trú nên không thể chăm sóc cho những con vẹt đó và lũ thỏ thì ăn hết những cây giống con. Noi theo những bài học từ mẹ, ông không nản chí hay hối tiếc mà nhanh chóng chuyển sang những dự án khác.
Biết cách tồn tại và thích nghi nhanh chóng trong bất kì môi trường nào
Richard kể, bài học đầu tiên ông được thực hành lúc 4 tuổi, ông và mẹ đang trên đường về nhà nhưng do ngồi sau xe nghịch quá, khi còn cách nhà vài cây số, mẹ dừng xe rồi bảo ông phải tự tìm đường về nhà qua các cánh đồng. Lúc đó ông đã bị lạc nhưng có một người nông dân đã giúp ông tìm được đường về nhà. Kinh nghiệm lần đó khiến ông học được cách vượt qua những điều tưởng chừng như là những vật cản không thể vượt qua nổi.
Càng lớn, những bài học này càng khắc nghiệt hơn. Năm 12 tuổi, vào một buổi sáng, sau khi ăn sáng xong, mẹ đưa cho ông hộp cơm và một quả táo cho bữa trưa. “Chắc con sẽ tìm được nước uống trên đường”, mẹ vẫy tay tạm biệt khi ông khởi hành chuyến đi 24 cây số bằng xe đạp tới bờ biển phía nam. Mẹ không quên đưa ông tấm bản đồ phòng khi bị lạc. Ông phải ngủ qua đêm tại nhà một người họ hàng và về nhà vào ngày hôm sau.
Những bài học như vậy ngày càng nhiều vì mẹ muốn anh em nhà Richard trở nên mạnh mẽ và tự lực cánh sinh.
Từ những bài học của mẹ ngay từ nhỏ, ông đã rút ra một nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống kinh doanh: Trong những năm đầu công ty hoạt động, mục đích của bạn nên đơn giản để tồn tại và điều này có thể giúp bạn có được những gì bạn muốn. Không cần biết bạn mệt mỏi thế nào hay sợ hãi ra sao, điều bạn cần làm là phải chỉ ra làm thế nào để bạn bước tiếp.
Bà Eve luôn rèn luyện con trai mình vừa biết cam chịu, kiên cường khi đối mặt với thách thức. “Những gì tôi làm đều suy nghĩ cho con. Nó không được phép tức giận, không được phép ghen tị, sợ hãi lại càng không. Tất cả những điều đó đều phải bị đè bẹp” – bà chia sẻ.
Đừng bao giờ tự cao
Richard Branson đã có lần chia sẻ: “Khi bạn trở nên khá nổi tiếng, điều này có thể dễ dàng cuốn đi luôn sự thành công của bạn. Bạn thực sự khó có thể giữ cho đầu bạn khỏi lâng lâng ở chín tầng mây khi bạn đang sở hữu cho mình cả một hãng hàng không và luôn lơ lửng ở trên trời như một chiếc khinh khí cầu. Nhưng mẹ tôi đã luôn giữ cho tôi đứng vững trên mặt đất, theo cả nghĩa đen, một phần bởi vì bà ấy đã hiểu tôi quá rõ và chẳng thể tin hết tất cả những gì báo chí viết ra.”
Bà rất ít khi ca ngợi ông ở nơi công chúng. Richard đã rất ngạc nhiên nhưng cũng rất hài lòng khi bà thú nhận trong một chương trình phỏng vấn của CNBC vào năm ngoái rằng bà rất tự hào về con trai mình, đặc biệt là những công việc từ thiện của ông. Nhưng bà luôn lặng lẽ động viên ông không ngừng, đồng thời không tâng bốc hay khiến con quá tự cao về những thành công của bản thân. Mọi người trong gia đình đều thể hiện với nhau tình cảm của mình, điều đó còn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Học cách làm việc nhóm ngay tại nhà
Làm việc nhóm luôn là điều được chú trọng trong gia đình của Richard. Làm vườn, phụ mẹ chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp,… đều được mọi người làm cùng nhau. Ông có hai em gái là Lindi và Vanessa và mẹ của họ luôn bắt họ làm việc chăm chỉ. Và điều này đã tạo cho Richard một tinh thần làm việc khỏe mạnh như nhiều nhân viên của ông đã nói.
“Nếu chúng tôi tìm mọi cách để trốn việc, bà ấy sẽ chỉ ra sự ích kỷ của cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình. Chúng ta là một nhóm, và chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta có thể tin tưởng và dựa vào bất kỳ thành viên nào trong nhóm. Điều này đã tạo nên triết lý kinh doanh của tôi: Con người luôn là thành phần quan trọng nhất của một công ty” – vị tỷ phú này nói.
Mỗi ngày đều là một cơ hội để đạt được một thành quả mới
Mẹ của Richard luôn nhìn nhận mỗi ngày như một cơ hội mới để đạt được điều gì đó mới mẻ, thú vị và phấn khởi. Thậm chí đến bây giờ, khi đã 93 tuổi, bà vẫn còn rất năng động, làm việc chăm chỉ đến khó tin. Trong suốt sự nghiệp, “người phụ nữ quyền lực” này luôn đồng hành cùng tỷ phú Richard trên mọi chặng đường. Bà còn đang viết ký sự và gần đây mới phát hành một cuốn sách cho trẻ nhỏ. Anh em nhà Richard vẫn phải điều chỉnh lịch trình xung quanh những kế hoạch của bà.
Mẹ ông luôn nhìn về phía trước, tập trung vào cố gắng cải thiện mọi thứ và mang lại những thay đổi tích cực. Noi theo tấm gương của mẹ mình, Richard luôn tập trung hết sức lực vào tương lai, tập trung vào việc xây dựng một tương lai vững chắc.