Là một phóng viên một tờ báo theo mảng khởi nghiệp, anh Nguyễn Xuân Huy, sinh ra ở Ninh Thuận, nơi nổi tiếng với những sản phẩm gốm Bàu Trúc của đồng bào dân tộc Chăm luôn băn khoăn làm sao để phát triển, giữ gìn nghề này để giúp những nghệ nhân sống được bằng chính nghề truyền thống lâu đời đó.
Và năm 2017, anh đã “từ bỏ” nghiệp cầm bút để bắt đầu dấn thân vào con đường “khởi nghiệp” và tham gia trong Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA và Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời phối hợp tổ chức với “startup”: Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận – gốm Chăm handmade, phân phối tại TP. HCM.
Và dự án của anh đã lọt qua vòng bán kết tại TP.HCM để có mặt trong vòng chung kết diễn ra ngày 27 – 28/10 này tại Dinh Thống Nhất.
Là phóng viên theo cuộc thi DAKN 3 năm nay, anh thấy cuộc thi này có gì làm anh ấn tượng nhất?
Anh Nguyễn Xuân Huy: Đó là số lượng dự án tăng mạnh qua các năm, lan ra nhiều tỉnh trong cả nước và đến lần 3, tôi thấy “tỉ lệ chọi” đã rất cao. Về chất lượng thì mức độ ứng dụng công nghệ ngày càng cao. Các dự án “làm thiệt”, chứ không chỉ là ý tưởng.
Sự kết nối giữa ban tổ chức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần với các dự án sau cuộc thi rất tốt. Bên cạnh đó, tạo được mối liên kết giữa các thí sinh cả nước để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, chính người làm dự án hỗ trợ nhau, có kênh quảng bá miễn phí rất hay như Phiên chợ xanh tử tế…
Tập huấn được nhiều chuyên đề về kiến thức khởi nghiệp cho người trẻ. Giúp họ, khi làm dự án, tránh được nhiều va vấp.
Ý tưởng khởi nghiệp về gốm Chăm anh có từ bao giờ. Nghe nói anh đã xin nghỉ làm báo để tập trung cho việc này, anh có đắn đo lắm không?
Tôi đã nói về ý tưởng này cho bạn bè, người thân khá lâu, tôi lớn lên ở Ninh Thuận, tiếp xúc với cộng đồng người Chăm, đọc tài liệu về họ. Người Chăm là một dân tộc lớn có tầm ảnh hưởng cho đến nay, ở một số mặt. Tôi đồng cảm, trân trọng người Chăm, cứ như có một mối liên kết vô hình nào đó. Vậy là tôi dùng gốm Bàu Trúc như một sản phẩm hữu hình, kể những câu chuyện, nét văn hóa Champa cho cộng đồng Việt Nam và hi vọng có thể xa hơn, ngoài lãnh thổ VN.
Bên cạnh đó, tôi thấy xu hướng xã hội quay về những thứ mộc mạc. Họ ăn thức ăn sạch, chấp nhận không mượt mà, bóng đẹp. Giá trị nguyên bản, mộc mạc, chân thật,… là những gì gốm Chăm sở hữu. Tôi chơi gốm Chăm từ thời sinh viên, tôi có học về văn học Ấn Độ, thấy được những khó khăn của bà con làm gốm Chăm và một số dấu hiệu đánh mất bản sắc của sản phẩm gốm Chăm,…
Từ năm 2016, tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường, tài liệu, gặp nhiều người có chuyên môn để xin góp ý. Để từ tháng 10/2016 đến nay, dự án được vận hành. Tôi tận dụng phòng nhà mình ở Gò Vấp để làm kho, xin ké một không gian quán cà phê ở sau chợ Tân Định, quận 1 để làm showroom miễn phí,… và dùng mạng xã hội facebook, fanpage facebook kể chuyện để bán hàng, đẩy dự án đi từng bước vững chắc, tiết kiệm nhất.
Đến tháng 10/2017, tôi thấy đã đến lúc mình nên dành hết tâm sức phát triển dự án, vì sau 1 năm những gì làm được giúp tôi bạo gan tin rằng mình đã có hướng đi tốt và có khả năng sống tốt với gốm như một nghề chính. Đương nhiên, tôi đã làm báo hơn 10 năm, và sẽ viết như một niềm vui bên cạnh làm dự án.
Gốm Chăm người ta có thể mua được ở nhiều nơi, vậy sản phẩm của anh có những đặc điểm gì nổi bật để người dùng thích?
Lúc đầu tôi lấy hàng có sẵn ở làng gốm theo cảm quan. Nhưng dần tôi không thể lựa chọn được những mặt hàng sản xuất sẵn có đủ tiêu chí cho đối tượng có gu thưởng thức, có kiến thức. Vậy là tôi phải nghiên cứu thị trường, các dấu ấn văn hóa để câu chuyện của mình thêm phong phú,… như hoa Champa, Aumkara, chữ viết Chăm… câu chuyện của các sản phẩm tôi sinh động hơn, hấp dẫn hơn, khiến cho khách hàng có cảm xúc.
Tôi mạnh dạn thử nghiệm những sản phẩm tâm linh của Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo bằng chất liệu gốm Bàu Trúc thông qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Chăm. Đó là những dấu ấn riêng, rất ít người làm, nếu không muốn nói là chưa ai làm.
Riêng dòng sản phẩm bình hoa, thì trước đến nay, do nung non, gốm Chăm không đựng được nước. Tôi bán bình bị ngấm nước, một thời gian, nảy sinh nhu cầu phải chống thấm để có thêm khách. Tôi thử nghiệm để tìm ra lớp chống thấm trong suốt bên trong bình giúp bình có thể đựng được nước cắm được hoa tươi. Từ đó, thị trường rộng mở, khách hàng đón nhận nhiều hơn.
Vậy việc nghiên cứu để đựng được nước này anh làm trong bao lâu?
3 tháng, tối nào cũng thức đến 2 giờ sáng, đổ keo nước từ bình này sang bình khác. Thử nhiều loại hỗn hợp. Phòng tôi trở thành phòng thí nghiệm. Thất bại nhiều lần, muốn bỏ. Nhưng có 1 số anh em hiểu, động viên nên cuối cùng cũng tìm ra được giải pháp tối ưu nhất.
Anh không sản xuất trực tiếp mà làm việc với những nghệ nhân làm gốm ở Ninh Thuận? Vậy cuộc sống từ nghề của họ ra sao khi hợp tác với anh?
Trong dự án này, yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Vì đây là sản phẩm handmade. Nếu mình và nghệ nhân có mối quan hệ tốt, sản phẩm sẽ chỉn chu hơn. Rất may, bà con Chăm rất mến tôi khi biết tôi có tâm huyết. Họ động viên tôi và cố gắng thực hiện hết ý đồ của tôi trong sản phẩm. Tuy vậy, đôi khi họ cũng làm rất cảm hứng hoặc số lượng hàng nhiều, đôi khi họ quên tỉ lệ, thậm chí quên cả kiểu dáng sản phẩm tôi đặt. Tôi đã phải rõ ràng đến từng chi tiết và giấy trắng mực đen từng sản phẩm với họ. Bởi vậy, những ngày tôi về đặt hàng, tôi phải yêu cầu gia đình nghệ nhân cắt cử người nghe tôi mô tả, viết yêu cầu cụ thể, có khi phải mất cả ngày.
Khi nghe sản phẩm nào được thị trường đón nhận, khách hàng khen, họ cũng rất vui. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên trao đổi với họ qua Zalo. Có sử dụng Zalo là điều tôi đặt vấn đề với họ khi bắt đầu cộng tác.
Cho đến nay gốm của anh bán được tại những đâu? khách hàng nhận xét như thế nào về sản phẩm của mình?
Nhờ mạng xã hội, tôi đã bán nhiều nơi trong cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn, Tây Ninh, Cần Thơ, Gia Lai, Lâm Đồng,… Bên cạnh đó, tôi bán lẻ được cho Việt kiều, người nước ngoài, du học sinh theo diện xách tay đến các nước: Đức, Úc, Mỹ, Singapore, Campuchia, Nhật. Người nước ngoài khi nhận hàng họ rất thích vì họ trân trọng hàng handmade, có giá trị tinh thần. Gốm Bàu Trúc mộc mạc hoàn toàn, khó bị nhầm lẫn với gốm Trung Quốc. Vừa nhìn gốm Chăm, họ đã gọi tên được ngay là hàng handmade của Việt Nam.
Phần lớn khách của tôi sau khi mua hàng thì trở thành bạn. Nhiều người giỏi, đã góp ý, giúp đỡ tôi về kiến thức, tư vấn ý tưởng sản phẩm. Khi tôi thuyết phục bà xã nghỉ ăn lương ở tòa soạn báo, tôi chỉ nói đơn giản, đây là đam mê và tôi năm nay đã 33 tuổi, chỉ còn sức chạy ngoài đường vài năm nữa thôi. Vợ tôi hiểu ra và không phản đối.
Gốm Chăm nổi tiếng như thế hiện nay ở Việt Nam và khu vực có còn nhiều không?
Tôi biết trước đây, có một số nơi ở Việt Nam có cách làm gốm tương tự, chẳng hạn ở Tây Nguyên. Nhưng dần cách làm đó cũng mai một, không ai còn làm. Điểm khác biệt của gốm Bàu Trúc là sự khác biệt chất đất đó (chỉ có) ở Ninh Thuận, đôi bàn tay tài hoa, văn hóa – tinh thần Chăm trong từng sản phẩm.
Ở Đông Nam Á, tôi biết ở Indonesia người ta còn 1 làng giữ được cách làm gốm truyền thống như Bàu Trúc.
Điều mong mỏi nhất của anh khi đến với cuộc thi DAKN là gì?
Thứ nhất là quảng bá cho nhiều người biết hơn. Thứ 2, biết đâu tìm được người có tâm, có tầm cùng tôi phát triển dự án. Vì tôi có gặp nhiều người có ý định kết hợp, nhưng tôi chưa đồng ý vì tôi phải ngồi cà phê với họ xem họ đến với dự án vì “động cơ” gì (Cười). Nếu sau tiếp xúc, tôi cảm giá họ chỉ vì tiền, lợi nhuận thì tôi nói ngay rằng, không nên đi làm vì có nhiều cái kiếm tiền nhanh và khả năng mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Xin cám ơn Anh! Chúc anh thành công với dự án của mình.
Trần Quỳnh / BSA