“Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” – Voltaire.
Có một câu chuyện được chia sẻ khá nhiều để gửi tặng đến bạn bè, người thân như một món quà động viên khích lệ. Câu chuyện khá đơn giản về một cậu bé và ông của mình. Câu chuyện mang ý nghĩa động viên, khuyến khích người khác hãy tự tin vào bản thân. Mọi kiến thức mình học được, tích lũy được nó vẫn ở trong trí não chúng ta, chỉ chờ lúc thích hợp để thể hiện ra.
Chuyện kể rằng, tại miền núi thuộc bang Kentucky có hai ông cháu sống cùng nhau. Vào mỗi buổi sáng, người ông đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc sách – dù những cuốn sách này đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình đọc sách.
Một ngày cậu hỏi ông mình: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu?“.
Người ông liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ đặt vào lò và nói: “Cháu hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ông nhé!“.
Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa“. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.
Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ đã trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói với ông: “Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được“, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.
Người ông liền nói: “Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được điều này, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra ngoài sông lấy nước lần nữa.
Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời ông mình, cậu cố chạy nhanh hết sức, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu bé nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!“.
“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!“, người ông nói.
Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.
“Đó là tất cả những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy“.
Kiến thức cần tích lũy mỗi ngày, mỗi giờ. Nếu không thường xuyên làm mới, không thường xuyên bồi dưỡng và tích lũy, kiến thức của bạn sẽ mai một dần, bạn sẽ không thể tư duy sáng tạo bắt kịp nhịp sống mới.
Tỷ phú Warren Buffett cũng là người rất mê đọc sách, ông chia sẻ “tôi chỉ ngồi văn phòng và đọc suốt ngày” – ông chỉ vào những trang sách và hàng đống giấy tờ: “đọc 500 trang như thế mỗi ngày là cách để tích lũy kiến thức, bồi dưỡng sự thông minh“.
Thế nhưng chúng ta cũng không mang định kiến rằng đọc sách chỉ là đọc những trang sách, trang tài liệu, bởi thời đại công nghệ hiện nay, sách, hay tài liệu nó rất đa dạng, nó cũng có thể là những trang sách, trang báo giấy, sách điện tử, thậm chí là những trang “sách hình” thông qua những bộ phim về khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, hay thậm chí những người bên cạnh ta cũng có thể là những “cuốn sách di động”. Đọc sách nào không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta đọc sách để tích lũy kiến thức.
Tỷ phú Jack Ma cho rằng “con người chính là một cuốn sách rất đáng để đọc, tôi thấy rằng công ty của chúng tôi có 24 ngàn nhân viên, họ chính là 24 ngàn cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi”.
Cũng như cậu bé dùng giỏ than xách nước, việc đọc sách không thể thấy ngay kết quả, thậm chí bạn còn không nhận ra những thay đổi, những kết quả đạt được, tuy nhiên nó sẽ dần thấm sau vào trí thức của bạn, như những giọt nước đã ăn sâu, cuốn trôi hết bụi bẩn trên chiếc giỏ kia một cách từ từ chậm rãi mà chính bạn không thể nhận ra.
Học giả Voltaire cho rằng “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người“.
Có một câu chuyện cũng khá thú vị về việc đọc sách, câu chuyện cho ta thấy rằng bộ não con người có thể tiếp nhận rất nhiều thứ, và tùy xem chúng ta “nạp” kiến thức gì vào đầu.
Chuyện kể rằng có 1 vị giáo viên đang đi dạo giữa đêm, đột nhiên ông ta gặp lại một người bạn cũ đã mất. Tuy nhiên, bản thân ông ta là một người dũng cảm nên không hề sợ hãi, bèn hỏi người bạn: “Anh đi đâu thế?”
Người bạn trả lời: “Tôi đang làm Minh lại (một nhân viên dưới âm phủ). Tôi phải trông coi khu làng phía Nam. Tôi đang trên đường đi đến đó và cùng đường với anh“.
Vậy là hai người đi cùng nhau. Khi đi qua một ngôi nhà cũ, vị minh lại nói: “Đây là nhà của một vị học giả đức hạnh và cao thượng”.
Người giáo viên ngạc nhiên hỏi lại: “Sao anh biết?” và nhận được câu trả lời:
“Hàng ngày, người ta rất bận rộn với công việc mưu sinh và tâm hồn của họ bị chôn vùi trong đó. Đêm đến, khi đi ngủ, mọi người đều không còn nghĩ về điều gì nữa. Vào lúc đó, nguyên thần của họ sẽ xuất ra ngoài. Nếu một người thường đọc những quyển sách tốt thì một trường ánh sáng nhiều màu sắc và chói sáng sẽ phát ra từ nguyên thần của người đó“.
Người giáo viên lại hỏi ông ta: “Tôi dành nhiều thời gian trong cuộc sống để đọc sách, trường ánh sáng của tôi thế nào khi tôi ngủ?”
“Ngày hôm qua tôi đi qua nhà anh lúc anh đang ngủ trưa. Tôi thấy ngôi nhà của anh giống như được che phủ bởi bóng tối và sương mù dày đặc, đến nỗi ánh sáng không thể nào chiếu vào được. Tôi chắc rằng anh đã đọc rất nhiều sách, nhưng lại ít đọc sách của thánh hiền. Hầu hết các sách ông đọc đều vì mục đích cá nhân, giải trí và thiếu chân thực. Mỗi chữ đều biến thành khói đen và bao trùm lên ngôi nhà“.
Trong cuốn sách “How to read a Book” xuất bản năm 1940, tác giả Mortimer Adler đã có những đúc kết về việc đọc sách, trong đó ông cho rằng đọc sách có 4 cấp độ bao gồm:
-Sơ cấp: Đúng như tên gọi, là như những bài học vỡ lòng giúp ta hiểu căn bản về từ ngữ, ta đọc và dõi theo dàn ý cơ bản hoặc tối thiểu của cuốn sách – và chỉ thế, không hơn.
-Kiểm tra: Về cơ bản, đây như cấp độ lướt. Bạn sẽ xem xét những điểm nổi bật trong sách, đọc phần mở đầu, kết luận và cố gắng tiếp thu những nội dung cơ bản tác giả muốn truyền đạt.
-Phân tích: Đây là cấp độ đòi hỏi người đọc phải đi sâu vào chủ đề, vào nội dung cuốn sách. Bạn đọc chậm, kỹ lưỡng, thậm chí còn đọc lại những đoạn quan trọng. Bạn note những điểm đáng chú ý, tra cứu thêm những thông tin chưa rõ ràng bằng cách tham khảo ở những tài liệu liên quan.
-Khái quát: Đây là cấp độ của các giáo sư, các nhà văn. Đây là cách bạn cùng lúc đọc và tìm hiểu nhiều quyển sách về cùng 1 chủ đề và hình thành một lập luận, một ý tưởng của riêng bạn. Bạn cũng có thể mang ý tưởng đó của bạn ra so sánh với chính tác giả, bởi lúc đó bạn đã là một chủ thể riêng biệt, những gì bạn tích cóp, bạn nghiên cứu đã là của bạn. Để đạt được cấp độ này, bạn cần là người đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, những kiến thức bạn dùng không chỉ từ một vài quyển sách bạn đang đọc, mà là những thứ được tích lũy trong đầu bạn, chỉ chờ cơ hội liên kết để bung ra.
“Nếu như đọc sách là hít vào, thì việc thở ra chính là viết“. Việc chỉ đọc đến một lúc nào đó sẽ quá tải, và gần như không hấp thu được nữa, do bạn chỉ hít vào. Đây cũng là một phương pháp tốt để bạn “hấp thụ” nội dung cuốn sách. Hãy “thở ra” (bằng cách viết ra) và sau đó lại hấp thụ vào, quy trình này sẽ giúp bạn tăng gấp đôi, hoặc thậm chí là gấp ba dung lượng dung nạp kiến thức từ sách.
Nhà bình luận sách Atsushi Innami cho rằng, việc đọc sách cũng như hô hấp, có hô hấp thì mới có sự sống, thế nên khi đọc sách, bạn cũng phải “hô hấp” để duy trì được sức sống cho việc đọc.