Chỉ với chưa đầy 1 triệu đồng và một chiếc mũ bảo hiểm trong tay, chàng trai 9X Đỗ Ngọc Anh đã táo bạo thực hiện chuyến đi bộ từ Huế vào đất mũi Cà Mau. Hành trình đầy thử thách này đã để lại cho Ngọc Anh nhiều điều thú vị và có cái nhìn trọn vẹn hơn về cuộc sống cũng như tình người trên dải đất hình chữ S thân thương
Đạp xe hay đi bộ xuyên Việt không phải là điều gì đó quá lạ lẫm với các bạn trẻ, thế nhưng không phải ai cũng đủ liều lĩnh để đi bộ một hành trình dài với chưa đầy một triệu đồng làm “lộ phí” bên cạnh là chiếc mũ bảo hiểm làm bạn đường như Ngọc Anh. Trò chuyện với Thế Giới Văn Hóa, anh bạn vẫn vẹn nguyên cảm xúc hào hứng sau chuyến đi “để đời” của mình. Với Ngọc Anh, chuyến đi đơn giản chỉ là hành trình bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình, thử thách bản thân, khám phá vẻ đẹp của từng vùng đất. Quan trọng hơn, động lực tiếp thêm sức mạnh khiến anh bạn lên đường là để gặp… bạn gái mình bởi hai người yêu xa, ít có thời gian gặp gỡ.
TGVH: Bạn có thể nói đôi chút về sở thích khám phá những miền đất lạ của mình không?
Nơi đầu tiên mình đi xa nhất là Sài Gòn, rồi từ đó mình được dịp đi ra Hà Nội trong cuộc Siêu thủ lĩnh 2013. Lúc đấy mình nhận ra là mình thật sự muốn đặt chân đến tất cả những nơi trên đất nước Việt Nam này và xa hơn nữa. Mà đi tới mỗi nơi thì mình phát hiện ra nhiều cái khác biệt với Huế và Đà Nẵng, lúc đó mình như thoát ra khỏi “cái giếng” vô hình.
Từ đó, sự ham muốn khám phá miền đất mới nảy nở, ngày càng nhiều, ngày càng lớn đủ để thôi thúc mình “bước ra khỏi cái giếng” và vượt qua “vùng an toàn” của mình.
TGVH: Động lực nào khiến bạn thực hiện ý tưởng táo bạo là đi bộ từ Huế vào Cà Mau?
Động lực để mình thực hiện chuyến đi lần này là mong muốn khám phá nhiều nơi, tuy nhiên còn nhiều lý do khác mạnh mẽ hơn nữa như: Gặp lại bạn gái (cười). Bạn gái mình ở Cần Thơ, mình ở Huế. Tụi mình yêu xa nên không biết hồi nào mới có cơ hội gặp lại nhau nữa. Chuyến đi này cũng là lần thứ hai trong năm mình gặp nhau. Ngoài ra mình cũng muốn tạo ra cho bản thân mình những thử thách, những khó khăn để học cách sống và vượt qua những khó khăn ấy.
TGVH: Bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến hành trình táo bạo này?
Thật ra, sau khi kết thúc chương trình học, trong tay mình có khoảng 1 triệu, mình nghĩ lúc đó nếu chọn cách đi xe đạp thì cũng phải tốn đến 3-5 triệu mới có thể mua được chiếc xe để phượt, còn xe máy riêng thì mình không có, vậy thôi đành tận dụng nguồn lực sẵn có – chọn cách đi bộ thôi (cười). Nhưng mà đi bộ mình nghĩ là không có đủ sức vậy thì mang theo thêm cái mũ bảo hiểm để tiện đường thì xin đi nhờ xe cho đỡ mệt (cười). Sau khi mua sắm ít thứ để chuẩn bị chuyến đi thì mình còn trong tay khoảng 800 nghìn. Thế là mình lên đường với 800 nghìn + 1 ba lô 10kg + 1 mũ bảo hiểm + tinh thần khám phá, học hỏi.
Ngoài ra mình cũng lên Internet để tìm hiểu thông tin về những vùng đất mình sẽ đến, hỏi han kinh nghiệm từ bạn bè và vạch sẵn cho mình một kế hoạch, những khó khăn sẽ xảy ra, để có một tâm lý thật vững vàng.
TGVH: Hành trình ấy diễn ra như thế nào?
Mình ra đi mang theo niềm tin rằng lòng tốt có ở khắp nơi, người tốt ắt sẽ gặp được người tốt. Và mình thật bất ngờ khi đi đến đâu mình cũng gặp được vô vàn những tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ mình.
Có những nơi mình đi qua và được người dân địa phương cho ăn ngủ ở nhà họ một ngày rồi mai đi tiếp, mặc dù chưa quen biết – cô Thu ở Phan Rang là một người như vậy. Có những bác tài xế tốt bụng cho mình đi nhờ xe như bác tài ở chuyến xe Đà Nẵng – Gia Lai, Phan Rang – Phan Thiết. Có những hành khách tốt bụng trả tiền xe khách cho mình đi dù đoạn đường không dài, như hành khách trên xe đi từ Tam Kỳ – Quảng Ngãi vì lúc đó mình đi từ Tam Kỳ tới Núi Thành cách nhau tầm 3km. Có những người bạn tốt bụng mà chỉ biết trên Facebook vẫn cho mình ở lại và đưa mình đi tham quan tại địa phương, như anh Việt (trưởng nhóm phượt bụi Phan Thiết) đã cho mình làm quen với các bạn trong nhóm…
TGVH: Những khó khăn mà bạn gặp phải trên suốt hành trình?
Mình cảm thấy bản thân mình rất may mắn trong chuyến đi này, thật sự là trên chuyến đi mình không gặp một điều gì mà mình có thể gọi là khó khăn cả. Mình đã sẵn sàng tư thế và tâm thế “xin ăn” và “xin ở” nhưng kết quả là mình vẫn được ăn ở đàng hoàng và không có lúc nào phải ngủ ngoài trời cả, thậm chí là mình cũng không hết tiền trong người vì mình được bà con cho thêm tiền trên đường đi, thậm chí cả người cho mình đi nhờ xe cũng cho mình tiền để đi tiếp (cười tươi).
TGVH: Qua chuyến đi ấy, điều gì khiến bạn tâm đắc nhất?
Mình tin là lòng tốt vẫn còn tồn tại đâu đó trên cuộc đời này, và thậm chí là nhiều là đằng khác. Vậy nên, mình muốn gửi gắm đến các bạn đang muốn đi phượt mà chưa dám đi một điều, “lòng tốt vẫn có ở khắp nơi, mình tốt thì người ta sẽ tốt lại với mình mà!” (Lời của ông Hai ở thôn Nguyệt Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tặng mình trước khi chia tay).
Việt Nam mình có nhiều nơi đẹp lắm, nếu không đi thì sẽ rất tiếc vì sẽ không thấy được tận mắt nó đẹp thế nào. Mỗi xứ đều có cái hay, cái đẹp lẫn cái chưa bằng quê mình; đi xa mình mới thấy một điều dù nơi đó có đẹp đến chừng nào đi nữa thì trong lòng mình cũng không thể so sánh bằng quê mình được. Đi xa để biết xứ mình là nơi đẹp nhất trong lòng mà (cười).
Điều lớn nhất mà mình cảm nhận được sau chuyến đi là mình có được những trải nghiệm và những kinh nghiệm của vài ba năm tới. Nếu hôm nay mình không đi thì phải ít nhất vài ba năm sau mình mới nhận ra những điều đó.
TGVH: Dự định trong tương lai của bạn?
Mình sẽ cố gắng thực hiện những chuyến đi còn dang dở trước khi bắt tay vào ổn định sự nghiệp (cười).
Thế Giới Văn Hóa cảm ơn bạn đã tham gia buổi trò chuyện. Chúc bạn sẽ có nhiều chuyến đi thú vị hơn nữa và xây dựng một tương lai vững chắc.
Theo Thegioivanhoa.vn