Kết thúc vòng bán kết Cuộc thi “Dự án Khởi Nghiệp nông nghiệp” mùa thứ 3 do Tập đoàn Trung Nguyên và Trung tâm BSA phối hợp tổ chức, 30/98 dự án xuất sắc đã giành vé vào vòng chung kết diễn ra trong 2 ngày 27 & 28.10.2017. Dự án nào sẽ được xướng danh với ngôi quán quân của cuộc thi mùa này? Vòng chung kết sẽ là cơ hội để 30 dự án thuyết phục ban giám khảo, tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà đầu tư thiên thần.
Nhiều dự án do thanh niên dân tộc thiểu số thực hiện
Khác với 2 mùa thi trước, các dự án lọt vào chung kết mùa 3 được rải đều các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc. Trong đó, có 7 dự án do thanh niên các dân tộc thiểu số như Chăm, Khmer, K’Ho, H’Mong, Tày và Dao thực hiện.
Điểm nổi bật tại vòng bán kết này chính là sự phân chia rõ ràng của các dự án theo từng khu vực. Nếu như ở 2 khu vực miền Bắc và Tây Nguyên, các dự án chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên từ núi rừng, có sự ảnh hưởng đến cộng đồng các dân tộc thiểu số như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai… thì khu vực Tây Nam bộ như Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang…, chủ dự án tập trung khai thác các giá trị sản phẩm từ sông nước, các sản phẩm mới ở dạng sơ khai. Trong khi đó, khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Trung, các dự án đều có sự đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục là địa phương có sự đóng góp lớn nhất với 7 dự án tại vòng chung kết. Trong khi đó, TP.HCM góp mặt 5 dự án đều áp dụng khoa học công nghệ. Kiên Giang là địa phương lần đầu tham gia nhưng đã có 2 dự án xuất sắc, vượt qua hàng loạt dự án tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ để góp mặt ở vòng thi cuối cùng này. Đặc biệt, dự án “Vườn ươm sinh thái tự dưỡng” của Kiên Giang, do 1 học sinh 17 tuổi thực hiện được đánh giá cao ở bán kết nhờ sự sáng tạo, có tính đột phá.
Đánh giá chung vòng bán kết, các chuyên gia về nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, ban giám khảo cho rằng: Các đều có sự chuẩn bị tốt trong việc trưng bày sản phẩm. Phần thuyết trình cũng được đầu tư bài bản, chỉn chu. Bên cạnh đó, sự tự tin đều được thể hiện ở đa số các chủ dự án. Đây là điểm nổi bật hơn so với cuộc thi lần 1 và 2. Tuy nhiên, chất lượng các dự án chưa thực sự đồng đều. Nhiều dự án cần phải cải thiện, định hình lại thị trường nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro.
Những dự án nổi bật tại chung kết
Tại vòng bán kết, nhiều dự án được đánh giá cao và giành vé vào chung kết. Trong đó phải kể đến các dự án khai thác, kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên, núi rừng như “Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ” ở Hà Giang; dự án “H’Mong Home”, tỉnh Sơn La; dự án “Vườn sinh thái Ngọc Trà” của tỉnh Thái Nguyên; tiêu Ngũ Sắc, tiêu Rừng ở Kon Tum; bảo tồn giống gà rừng Phú Quốc, khai thác hải sản gắn liền với bảo vệ rừng ngập mặn ở Cà Mau hay các dự án áp dụng công nghệ như dự án “Sản xuất than không khói”, dự án “Màng bảo quản nông sản Bio Chitosan” ở TP.HCM, dự án SX Chế Phẩm Vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh ở Bến Tre,… Những dự án này đều đã được triển khai hiệu quả, mang tính độc đáo, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng.
Các dự án vào chung kết được tập huấn
Sau vòng bán kết, nhiều dự án có tính khả thi, ảnh hưởng đến cộng đồng đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần. Trong khi đó, với mong muốn giúp các thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho vòng chung kết và có phương pah1p kinh doanh hiệu quả, Ban tổ chức đã tổ chức 5 buổi tập huấn, huấn luyện cho 25 dự án khu vực Nam và Trung bộ. Các buổi tập huấn này diễn ra tại TP.HCM, Đồng Tháp và An Giang, do các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, bao bì… hỗ trợ, chia sẻ.
Tại chung kết, 30 dự án sẽ có cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhà đầu tư thiên thần cùng các chủ dự án đoạt giải Nhất, Nhì và ba của cuộc thi lần 1 và 2. Chương trình sẽ diễn ra vào tối ngày 27.10, tại TP.HCM.
Thông tin vòng Chung kết
Vòng Chung kết năm nay được tổ chức tại: Hội trường Thống nhất (Dinh Độc Lập), số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM.
Tại vòng chung kết, mỗi dự án có thời gian trình bày tối đa 05 phút và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo trong khoảng thời gian 10 phút. Kết quả của vòng thi được công bố vào ngày 28.10.2017.
Ban giám khảo cuộc thi gồm những người uy tín trong nhiều lĩnh vực:
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên Tổ tư vấn của Chính Phủ (1996 – 2006); Ông Nguyễn Quân – Tiến sĩ khoa học, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (2011 – 2016); Ông Phan Văn Minh – Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học môi trường – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM; Ông Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác 569 Vụ hợp tác quốc tế – Ủy ban dân tộc; Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC; Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit; Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia; Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc công ty tư vấn chiến lược và thương hiệu The Pathfinder; Ông Nguyễn Duy Long – Thạc sĩ Kinh tế & Phát triển – Giám đốc Công ty tư vấn FV Consulting.
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2017” do Tập đoàn Trung Nguyên, Trung tâm BSA cùng các đối tác chiến lược phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm.
Tham gia cuộc thi là những người đang sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt giới tính, trình độ và nghề nghiệp. Người tham gia phải có ý tưởng, dự án khởi nghiệp nông nghiệp mới, độc đáo, sáng tạo, có tính thực tế và có áp dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp…
Cơ cấu giải thưởng như sau: Gồm 01 giải nhất: 50 triệu đồng; 02 giải nhì: 20 triệu đồng/giải; 02 giải ba: 15 triệu đồng/giải và 04 giải Khuyến khích 10 triệu đồng/giải và nhiều giải thưởng phụ do doanh nghiệp trao tặng tại buổi trao giải Chung kết. Đặc biệt, ngôi quán quân và 2 giải nhì sẽ nhận được chuyến tập huấn, tham quan mô hình mỗi làng 1 sản phẩm (OTOP) ở Thái Lan.
Thông tin thêm:
Trong quá trình triển khai cuộc thi lần 3 này, Dự án Sáng tạo khởi nghiệp đã tổ chức thành công 26 đợt tập huấn, toạ đàm và giao lưu, tham quan mô hình cho hơn 1.000 thanh niên khởi nghiệp, đại diện các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương như: TP HCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Nội, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long và Ninh Thuận.
Cuộc thi thu hút 117 dự án và 6 ý tưởng tham gia. Sau sơ loại, 98 dự án đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu của cuộc thi được tham gia vòng bán kết, được tổ chức tại 3 địa phương là TP.HCM, Đồng Tháp và Hà Nội. Kết quả: 30 dự án của 16 tỉnh, thành xuất sắc giành vé vào vòng chung kết.
30 dự án góp mặt tại chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3:
Số tt | Tên dự án | Chủ dự án | Địa phương |
1 | Xây dựng Nhà truyên thống người Chăm | Trương Ngọc Thuỳ An | An Giang |
2 | SX Chế Phẩm Vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh | Trần Phúc Hậu | Bến Tre |
3 | Nhang sinh học có tác dụng xua muỗi | Lê Duy Hậu | Bến Tre |
4 | Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp | Võ Nguyễn Công Sơn | Đồng Tháp |
5 | Mật Ong Hương Tràm | Trần Thành Long | Đồng Tháp |
6 | Dưa Cây Sen | Nguyễn Thị Cẩm Sương | Đồng Tháp |
7 | Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ Ếch | Nguyễn Văn Nữa | Đồng Tháp |
8 | Mô hình trồng nấm bền vững – Hương hoa đất | Trần Phong Nhã | Đồng Tháp |
9 | Sản xuất củ âu tươi tách võ | Nguyễn Anh Thy | Đồng Tháp |
10 | Trồng cây tầm bóp thương phẩm | Bùi Thị Nga | Lâm Đồng |
11 | Nuôi cá trồng rau | Dương Minh Trung | Sóc Trăng |
12 | Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau | Phạm Xuân Thành | Cà Mau |
13 | Gốm Chăm Handmade | Nguyễn Xuân Huy | Ninh Thuận |
14 | Màng bảo quản nông sản sau thu hoạch Bio Chitosan | Trần Lê Anh Khoa | TP.HCM |
15 | Sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học – phân bón hữu cơ vi sinh: Dịch trùn vi sinh | Lê Huỳnh Phong | Đồng Tháp |
16 | Đa Dạng và quảng bá sản phẩm tiêu rừng | Huỳnh Xuân Lý | Kon Tum |
17 | Hệ sinh thái I AM V | Cty TNHH SX TM Tôi là V
(I AM V) |
TP.HCM |
18 | Mô hình Farm nuôi heo bản địa của tổ hợp tác xã chăn nuôi Koho | K’Brooke | Lâm Đồng |
19 | Vườn Ươm sinh thái tự dưỡng chuyên biệt | Lê Hoàng Long | Kiên Giang |
20 | Phát triển giống Gà Rừng Phú Quốc | Trần Thị Hữu Hạnh | Kiên Giang |
21 | Gia vị nấu bún bò | Nguyễn Tấn Tôn Thất Tử Mỹ | Thừa Thiên Huế |
22 | Dự án sản xuất than không khói | Công ty cổ phần khoa học công nghệ R2D | TP.HCM |
23 | Hồ tiêu ngũ sắc | Lại Thị Bích | Gia Lai |
24 | Nước thảo mộc Golden Drinks | Cty TNHH SX TM Thực phẩm T&M | TP.HCM |
25 | Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nấm linh chi | Nguyễn Thị Hiếu | TP.HCM |
26 | Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân | Nguyễn Văn Tuấn | Bắc Kạn |
27 | HTX Hương rừng (SX&KD mật ong bản địa) | Hà Huy Tuấn | Bắc Kạn |
28 | Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ | Lý Tà Giàng | Hà Giang |
29 | Dự án H’Mong Hom | Vừ A Ly | Sơn La |
30 | Vườn sinh thái Ngọc Trà | Nguyễn Thị Bích Ngọc | Thái Nguyên |