Trong công việc tiếp xúc với nhiều người trẻ của mình, tôi thường xuyên nhận được tin nhắn, tâm sự của các bạn trẻ. Nhiều bạn kể cho tôi nghe rằng họ không biết mình biết gì, muốn gì, không biết nên làm gì để phát triển đi lên trong cuộc sống. Không ít bạn rơi vào khủng hoảng, bế tắc vì không rõ con đường của mình sẽ như thế nào.
Mỗi khi biết được những câu chuyện như thế, tôi thường cảm thấy trong lòng một sự đồng cảm sâu sắc vì tôi từng trải qua một thời tuổi trẻ như thế.
Từ bé, tôi đã rất thích viết lách. Thời tiểu học, tôi thường tập tành viết báo và thường gửi các bài báo của mình cho các tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng. Vào cấp 3, tôi học chuyên văn và đã đạt một số giải thưởng. Nhưng khi bắt đầu chọn ngành vào đại học, tất cả mọi người từ gia đình, bạn bè, người quen đều khuyên nhủ rằng nếu học viết lách thì sẽ rất khổ, không thể kiếm sống được và nên chọn một nghề khác ổn định, thực tế hơn. Nghe theo mọi người, tôi nộp đơn vào Đại học Ngoại thương, hy vọng rằng đó là một lựa chọn phù hợp.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương rồi đi làm xuất nhập khẩu một thời gian, tôi bắt đầu thấy mình rơi vào cái vòng xoáy đều đều của cuộc đời một người trưởng thành: sáng thức dậy vệ sinh đi làm, chiều tối về nghỉ ngơi cơm nước đi ngủ, để rồi sáng hôm sau lại thức dậy và lặp lại tất cả mọi việc một lần nữa. Tôi tự hỏi với bản thân mình: “Chẳng lẽ cuộc sống chỉ có vậy thôi sao? Chẳng lẽ đó là tất cả ý nghĩa của cuộc đời?”.
Tôi nghĩ cuộc sống phải là cái gì đó khác. Tôi muốn lấp đầy đời mình với những kỷ niệm lấp lánh, những trải nghiệm phong phú. Con người ai cũng phải chết, tôi không muốn chết khi chưa nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới. Tôi không muốn bỏ lỡ những điều đẹp đẽ trong đời. Tôi khao khát khám phá thế giới, mong muốn tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau, gặp nhiều người khác nhau, thay vì dành những năm tháng đẹp đẽ trong tuổi trẻ của mình giữa bốn bức tường quen thuộc.
Thế là tôi đi.
Ban đầu, tôi thực hiện những chuyến đi bụi ngắn ngày sang các quốc gia láng giềng lân cận: Thái Lan, Campuchia, Malaysia… Rồi những hành trình sau của tôi ngày càng xa hơn và dài hơn: Myanmar, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc…
Những ngày tháng lữ hành ấy dạy cho tôi nhiều bài học quan trọng trong cuộc sống. Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm màu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ. Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, vật chất cũng chẳng thể mang theo được.
Nhờ đó, tôi học được cách sống giản dị và nhẹ nhàng hơn, ít quan tâm góp nhặt vật chất, chú trọng vào phát triển tinh thần. Tôi học được cách trân quý cuộc sống, trân quý con người, và tôn trọng sự khác biệt giữa con người với nhau.
Nhưng đi một thời gian, rồi tôi lại bắt đầu cảm thấy trống rỗng. Có những hôm tôi cứ thức dậy lúc hai ba giờ sáng, nằm gác tay lên trán trằn trọc suy nghĩ. Tôi đã đi nhiều, công việc ổn định, tôi đang phụ giúp gia đình và nuôi em mình học đại học. Mọi thứ dường như đều ổn. Nhưng tôi vẫn thấy trong mình có cái gì đó còn thiếu, có cái gì đó chưa được lấp đầy.
Rồi tôi nhận ra rằng đó chưa phải là tất cả của cuộc sống.
Triết gia Aristotle từng nói: “Hạnh phúc đích thực của cuộc đời là nhận thức bản thân mình một cách toàn diện, phát triển các tiềm năng của mình đến độ viên mãn, và từ đó hoàn thiện mình. Cuộc sống tốt đẹp là kết quả của sự phát triển toàn mãn năng lực, thiên tư và nhân cách của con người. Một cá nhân không thực hiện được điều này sẽ luôn dằn vặt, tự bất mãn với chính mình. Còn người nào nhận thức và phát huy được bản chất cũng như năng lực tiềm ẩn của mình sẽ có được cuộc sống thỏa nguyện”.
Tôi biết mình không thể có được hạnh phúc đích thực nếu cứ tiếp tục sống như cũ. Tôi không thể nào hài lòng với chính mình nếu không tìm cách phát triển chính mình, tìm cách sống với đúng tiềm năng của mình. Vì thế, tôi bước vào hành trình tự học, tự phát triển bản thân.
Hằng ngày tôi thức dậy lúc 4-5 giờ sáng ngồi đọc sách. Tôi chủ động trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng của mình. Tôi tham gia nhiều hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, cộng đồng, đội nhóm dành cho người trẻ. Tôi học yoga và kiên trì rèn luyện để trở thành giáo viên yoga. Tôi học bơi, học lặn biển, và lấy bằng lặn biển bằng bình dưỡng khí. Tôi thành lập dự án tư vấn hướng nghiệp cho các bạn sinh viên sắp ra trường.
Và tôi bắt đầu quay lại với đam mê thời bé.
Trong khoảng thời gian đó, tôi tưởng niềm yêu thích viết lách trong mình đã nguội tắt; nhưng hóa ra nó vẫn còn đó, day dứt, thôi thúc mình không thôi. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác tiếc nuối và ganh tị mỗi khi ra nhà sách, mỗi khi nhìn thấy một quyển sách mới, một tác giả mới. Và tôi bắt đầu viết trở lại.
Tôi viết blog, viết facebook, viết trên các mạng xã hội, kể về những chuyến đi của mình, chia sẻ quá trình tự học của mình. Càng viết, khả năng của tôi càng tốt hơn, và những bài viết của tôi càng được nhiều người biết đến hơn. Rồi tôi được các nhà xuất bản tiếp cận và đề nghị ký hợp đồng xuất bản sách. Cũng trùng hợp là tôi đã nảy ra ý tưởng cho quyển sách đầu tay của mình. Tôi kiên trì thức khuya dậy sớm ngồi viết suốt 6 tháng trời. Ban ngày đi làm, buổi tối và sáng sớm tranh thủ thời gian ngồi viết, rốt cuộc tôi cũng hoàn thành và xuất bản. Cảm giác chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế trong đời.
Sau một thời gian xuất bản sách, tôi quyết định bỏ việc để dành thời gian cho đam mê viết lách – thực hiện cú nhảy cuộc đời. Lúc đó, tôi đang làm quản lý bộ phận xuất nhập khẩu của một tập đoàn nước ngoài – vị trí khá cao, phúc lợi cũng tốt. Khi hay tin, cha mẹ tôi phản đối dữ dội, họ hàng có người bảo tôi điên rồ. Nhưng tôi biết mình phải làm gì. Tôi luôn quan niệm người ta chỉ trẻ có một lần, phải sống sao cho đừng phí hoài tuổi trẻ. Nếu tôi không thử làm những điều tôi chưa bao giờ làm, thì tôi sẽ không bao giờ trở thành người mà tôi mong muốn. Nếu tôi không dành hết sức mình với đam mê của bản thân, thì tôi sẽ không biết được mình sẽ làm được gì.
Vả lại, tôi thấy mình không cần quá nhiều tiền bạc hay địa vị xã hội, những thứ mà người khác nghĩ rằng quan trọng, để có thể sống tốt trong đời. Khi bắt đầu viết lại, tôi đã thôi không còn thấy ganh tị với bất kỳ ai nữa. Đã làm được điều mình sinh ra để làm, và lại đang tiếp tục làm nó mỗi ngày, thế là đã đủ đầy viên mãn.
Và tôi thấy mình đang sống cuộc đời mà mình từng mơ ước.
Tôi tập trung toàn bộ thời gian và tâm huyết vào việc viết sách, trải nghiệm, học hỏi, và chia sẻ với cộng đồng. Tôi đã hoàn thành được quyển sách thứ hai về đề tài tìm kiếm bản thân, phát triển đam mê, dựa trên hành trình cuộc sống của mình và nhiều người trẻ khác mà tôi từng gặp. Tôi đang viết tiếp quyển sách thứ ba và đã có ý tưởng cho quyển sách thứ tư của mình.
Từ những kinh nghiệm và kỹ năng trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, tôi hợp tác để mở khóa học Bay Không Cần Cánh, trang bị cho người trẻ cách tư duy, thái độ, thông tin và kiến thức cần thiết để sử dụng hiệu quả quãng đời sinh viên, bước vào “trường đời” và có một thời thanh xuân tuyệt vời.
Và tháng 09/2016 này, tôi sẽ cùng với một số người bạn thực hiện một hành trình xuyên Việt, với cái tên Chuyến xe Tuổi Trẻ. Chúng tôi sẽ đi đến các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tổ chức các buổi nói chuyện với các bạn học sinh sinh viên, tặng sách cho những nơi cần, truyền cảm hứng để người trẻ phát huy tiềm năng của bản thân, định hình tương lai tốt hơn, và đóng góp tích cực vào cộng đồng, xã hội.
Tôi nhận ra rằng để tận dụng tốt nhất quãng đời tuổi trẻ của mình, người ta cần phải thử. Phải thử đọc thật nhiều sách, học thật nhiều thứ, làm thật nhiều điều, đi thật nhiều nơi. Thử và thất bại là cách mà người ta tìm ra con đường của mình. Ta không thể nào tìm ra con đường đi lên trong cuộc sống nếu cứ ngồi yên một chỗ và nghĩ về điều đó.
Cách tốt nhất là làm một cái gì đó, đọc một quyển sách, học một kỹ năng mới, ra ngoài và trò chuyện, tham gia một câu lạc bộ, làm bất kỳ điều gì miễn đừng ngồi yên. Và khi ta làm những điều đó, thì ta đang dần tạo ra con đường của chính mình. Giống như câu nói của Lỗ Tấn: “Vốn trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Cách tốt nhất là làm một cái gì đó, đọc một quyển sách, học một kỹ năng mới, ra ngoài và trò chuyện, tham gia một câu lạc bộ, làm bất kỳ điều gì miễn đừng ngồi yên. Và khi ta làm những điều đó, thì ta đang dần tạo ra con đường của chính mình. Giống như câu nói của Lỗ Tấn: “Vốn trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Từ những gì đã trải qua, tôi đã rút ra được bài học quan trọng rằng: nếu cứ ngồi một chỗ mơ mộng thì mãi ta sẽ không thể nào thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi bạn lên kế hoạch và thực hiện. Không có thời điểm nào là hoàn toàn phù hợp cả. Sẽ luôn có cái gì đó ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn. Vậy cho nên, nếu bạn muốn làm điều gì đó, thì thời điểm phù hợp nhất chính là: Ngay bây giờ. Hãy tự cho mình cơ hội và bắt đầu kiến tạo nền tảng để sống cuộc đời mà bạn mơ ước.
By: Nguyễn Hoàng
Photo: Hoàng Việt
Designed by: Hương Xuân
Theo Trí thức trẻ