Lữ Hồng nói về ung thư, với cô là một “đặc ân”, không cần phải khóc vì điều đó là không cần thiết. Hồng muốn là niềm động lực, nụ cười của cha, của mẹ mỗi ngày và sẽ dùng nụ cười để chứng minh: Con vẫn khoẻ và con vẫn luôn cố gắng!.
Chúng ta thường nói về ung thư bằng nước mắt. Là những chuỗi ngày đau đớn và lặng nhìn cơ thể héo mòn theo năm tháng. Rốt cuộc, ung thư là gì?
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư, hầu hết họ còn rất trẻ, khoảng 20 – 25 tuổi. Theo một khảo sát, tỷ lệ người trẻ Việt mắc ung thư ngày một gia tăng. Bằng một cách nào đó, ung thư đến với họ đột ngột và đương nhiên, không báo trước.
Ban đầu, họ sốc. Và khóc lóc. Sau một ngày, một tuần hay thậm chí một tháng dần chấp nhận sự thật, họ suy nghĩ: Tại sao lại là ung thư? Tại sao trên cuộc đời vô thường này có biết bao nhiêu người, ung thư lại chọn mình? Mình còn trẻ mà!
Trong số đó có Hồng. Nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên khi gặp cô ấy. Một người trẻ đón nhận ung thư hết sức nhẹ nhàng, dù rằng trước đó cô cũng từng miên man trong nhiều tầng suy nghĩ, cũng từng phải gồng mình trước mọi người.
“Mình tên Lữ Hồng – 27 tuổi, là giáo viên Ngữ văn. Mình mang căn bệnh ung thư tuỵ giai đoạn cuối đã hơn 10 năm”.
Ung thư là một “đặc ân”
Cô giáo Lữ Hồng có lẽ là trường hợp đặc biệt và bí ẩn đối với khoa học. Ngay cả các y, bác sĩ tại Bệnh viện ung thư Đà Nẵng, khi gặp lại Hồng vẫn không nghĩ đứng trước mặt họ là một bệnh nhân ung thư. Hiện tại, Hồng khoẻ và… rất khoẻ. Cô yêu đời, yêu sống hơn bao giờ hết. Như cách cô vẫn luôn cười, luôn vui vẻ suốt 10 năm qua, ung thư đơn giản là một “phép thử”, để biết rằng xung quanh mọi người yêu thương và trân quý cô đến nhường nào.
Cuộc hội ngộ với mùa thu Hà Nội vào một ngày tháng 10 se lạnh, ngay trên sân khấu của Hành trình truyền cảm hứng 2018 là một trong những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời Hồng, như cô từng chia sẻ. Cô gái Pleiku nhỏ nhắn với giọng nói ngọt ngào, đặc biệt là nụ cười trong trẻo gây ấn tượng với người đối diện ngay lần đầu gặp mặt. Cô đại diện cho loài hoa thạch thảo, tuy dung dị, sớm nở tối tàn nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt, phi thường.
Năm 17 tuổi, trong một lần bị đau bụng dữ dội, Hồng nhập viện và cũng chỉ nghĩ đơn giản là đau bụng bình thường. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện có một khối u trong ổ bụng. Là ung thư tuỵ, đã di căn sang gan và to hơn. Thời gian sống không được bao lâu, và càng không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Khi có kết quả sinh thiết tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cô Mai (mẹ Hồng) xỉu tại chỗ. Thời điểm đó là cuối năm học lớp 12, Hồng đang chuẩn bị thi Đại học.
“Hồi đó đến giờ mình chỉ khóc một lần. Đó là lúc mình nghĩ phải nghỉ học. Còn nhớ lúc đó đang làm hồ sơ thi Đại học. Ước mong từ nhỏ được làm cô giáo và mình chỉ làm duy nhất một hồ sơ thi vào Khoa văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn” – Hồng nhớ lại.
“Quá sốc và bàng hoàng, con mình học chưa hết cấp 3 mà phải mang bệnh. Chú không biết nói sao nữa…”.
“Khi ra xã nhận giấy báo nhập học, người ta vui lắm chứ riêng cô thì cô buồn. Cho con đi học rồi lỡ nó ra đi nửa chừng…”.
Bố mẹ Hồng thương con gái. Họ cũng tự hỏi bản thân, sao ung thư lại “chọn” con mình. Hồng thì khác. Cô gái trẻ nói về ung thư, với cô là một “đặc ân”, không cần phải khóc vì điều đó là không cần thiết. Cô muốn là niềm động lực, nụ cười của cha, của mẹ mỗi ngày và sẽ dùng nụ cười để chứng minh: Con vẫn khoẻ và con vẫn luôn cố gắng!
Bằng nỗ lực và sự lạc quan, Hồng xuất sắc tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn. Cô trở thành giáo viên cấp 2 công tác tại quê nhà.
“17 tuổi, mình mắc ung thư tuyến tuỵ. Mình từng có những đêm tựa vào mẹ để thở, có cảm giác rằng mình đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết”.
Chính lúc đau đớn nhất tưởng như sắp chết, cô nhận ra, nỗi đau của mỗi người đều có giá trị của nó. Hạnh phúc nhất là trong cơn đau, cô được sống trong tình yêu thương của mọi người. Đó là động lực trong hành trình vui sống của Hồng.
“Đừng nói về ung thư bằng nước mắt. Để tạo niềm tin, thì không dùng nước mắt để nói với nhau. Hãy nói về ung thư bằng nụ cười, bằng những gì căng tràn sức sống nhất, tươi vui nhất, nhằm tạo niềm lạc quan vực dậy chúng ta khỏi ung thư”.
“Mình không thể chết, mình phải sống!”
Trường THCS Kpă Klơng, xã Ia Pia, H.Chư Prông (Gia Lai) cách xa nhà cô giáo Hồng. Sau mỗi buổi lên lớp, cô về nhà dành thời gian bên cạnh bố mẹ và các em. Những lúc rảnh rỗi, cô thích viết lách, làm một vài câu thơ hoặc gặp gỡ bạn bè. Hồng thổ lộ, chính tình yêu của những người xung quanh đã giúp cô có thêm động lực vào cuộc sống này, dù cô cũng chẳng rõ “khoảng thời gian giới hạn” của mình là bao nhiêu nữa.
“Mình nghĩ thuốc cứu mình 3 phần, còn lại là tinh thần. Mình cảm ơn những lúc khó khăn trong cuộc sống luôn được mọi người giúp đỡ, động viên và quan tâm”.
Mỗi ngày thức dậy là một ngày Hồng lan toả nụ cười lạc quan đến những người thân yêu. Nụ cười giúp cô sống đến ngày hôm nay. Những lúc mẹ la, bố mắng “bé Hồng” vẫn cười. Cô giáo trẻ làm việc hết mình, sống nhiệt tình. Và đặc biệt, chả bao giờ cô nghĩ mình đang mang trong người căn bệnh ung thư.
Đối với một cô bé năm 17 tuổi, ung thư là một thứ rất xa lạ. Chỉ đến lúc nhìn thấy hình ảnh mẹ đứng tựa vào cánh cửa bệnh viện, khóc trong sự tuyệt vọng, Hồng mới lờ mờ nhận ra, hình như mình mắc một thứ bệnh sẽ-phải-chết!
Thời điểm đó, Hồng thừa nhận có khóc một lần trên giường bệnh, là khi nghĩ về tà áo trắng, về ước mơ còn dang dở. Đó là lần duy nhất cô khóc vì đau và có chút tuyệt vọng. Còn những lúc không thể khóc, Hồng sẽ cố gồng mình để chứng tỏ cho mọi người thấy cô rất khoẻ! Sâu thẳm trong cô là một niềm tin dữ dội và cháy bỏng: “Mình không thể chết, mình phải sống!“.
Đôi khi áp lực lại đẩy người ta đi nhanh hơn động lực. Hồng đại diện cho lớp người trẻ đầy bản lĩnh, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải bước tiếp, không được gục ngã trên giường bệnh ở tuổi 17.
“Gia đình là điểm tựa lớn nhất đối với mình. Trước khi lên đường nhập học, bố đã ngồi và lặng lẽ viết vào từng cuốn sách trong hành trang của mình: “Nhớ uống thuốc con nhé”. Còn mẹ, là những chuyến hàng rong dưới tiết trời lạnh lẽo của Pleiku, là những giọt nước mắt chẳng muốn rời xa. Có lẽ, mình sẽ nhớ tất cả kỷ niệm này đến hết cuộc đời”.
Hồng rất thích 2 câu thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh, rằng:
“Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả”.
Với cô, niềm vui là thoả đam mê viết lách và được đến với các em học sinh. Thơ với Lữ Hồng là một cuốn nhật ký về cảm xúc, để ghi lại mọi trải nghiệm, cả nỗi đau lẫn sự chia ly. Ước mơ lớn nhất của Hồng ở hiện tại, là giúp được thêm nhiều học sinh nữa – những mảnh đời khó khăn ở tận vùng sâu vùng xa.
Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi tặng Hồng một bó hoa thạch thảo. Loài hoa dại tuy mỏng manh nhưng đủ sức mạnh để nói về một kiếp người. Thạch thảo mau tàn, nhưng vẻ đẹp của nó để lại nhiều xúc cảm. Tất cả đều thật dung dị, giản đơn.
“Giữa hoa thạch thảo và câu chuyện của mình có một điểm tương đồng. Cả 2 đều đã có thời gian để nở, để tồn tại giữa cuộc đời, là sự tồn tại căng tràn và mãnh liệt nhất. Đến tuổi 27, mình thường khóc vì cảm động chứ không khóc vì yếu đuối. Và không quan trọng mình sống được bao lâu, quan trọng là mình sống có ý nghĩa như thế nào. Mình luôn muốn là một đoá hoa rực rỡ nhất có thể”.
“Một mai thức dậy cỏ mọc trong lòng
Xanh như bờ dại, nở vào tầng không
Một mai thức dậy đi trọn kiếp người
Xin là thạch thảo, tím hoài khôn nguôi…”.
(Trích trong bài thơ “Một mai thức dậy”, tác giả: Nguyễn Lữ Thu Hồng).