Thoạt qua, nhìn cụ Lê Thi cũng chẳng khác gì những cụ bà lưng còng mắt mờ tay chậm bình thường là mấy. Ở tuổi 97, cụ Lê Thi móm mém chẳng còn cái răng nào, lưng đã chẳng còn thẳng để mà di chuyển nhanh nhẹn với các con, các cháu nữa, cả ngày cụ chỉ nằm trên giường, tóp tép miếng trầu nhìn thời gian bò qua cuộc đời.
Nhưng chỉ cần người ta hỏi cụ về niềm đam mê với sự viết lách, hội họa, hay trên cả, chính là niềm đam mê học hành, mắt cụ Lê Thi sẽ long lanh vệt sáng tinh anh tươi trẻ, trái hẳn với cái tuổi đời đã gần một thế kỷ của cụ.
“Đời như cái xoáy nước thực dụng vậy. Người ta cứ tưởng có tiền là đời sẽ hạnh phúc. Nhưng đối với tôi, hạnh phúc là sự tự do, là kiến thức, là khoa học cơ. Tôi thấy tiếc cho những người đang lãng phí thời gian của mình. Nếu còn 10 điều mà tôi chưa biết, thì tôi sẽ cố gắng học để biết nhiều nhất có thể”, cụ nói. “Bạn biết không, tôi từng là một đứa trẻ mù chữ”.
Tuổi đời 97, tâm hồn 20
Chính sự ham hiểu biết và niềm đam mê mãnh liệt đối với tri thức đã khiến cho cụ Lê Thi trở thành cụ bà sành Internet nhất ở Việt Nam. Hàng ngày, cụ đọc tin tức trên Google và Yahoo. Cụ tích cực cập nhật trang Facebook cá nhân và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua đó cũng như qua Skype. Cụ bà còn tham gia vào các diễn đàn văn học và bình luận sôi nổi ở đó.
Cụ Thi bắt đầu học sử dụng máy tính từ năm 2007, lý do là vì hồi đó, cụ đang viết một cuốn sách nhưng thấy khó có thể tiếp tục tác phẩm với bút giấy. “Tay tôi bị run và tôi nhìn cũng chẳng rõ nữa”, cụ nói.
Vậy là cụ đã thuyết phục các cháu mua cho cụ một cái máy tính xách tay và dạy cụ cách sử dụng. 3 năm sau (2010), cụ Thi xuất bản cuốn tiểu thuyết dài 600 trang với tựa đề “Ngược dòng”.
Câu chuyện thú vị về cuộc sống số của bà cụ 97 tuổi đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Họ yêu mến và gọi cụ bằng những cái tên như “bà cụ xì tin”. “Tôi gần 100 tuổi rồi nhưng tâm hồn thì vẫn như 20 ấy”, cụ chia sẻ.
Không chấp nhận số phận
Cụ Thi sinh năm 1920, thời điểm xã hội Việt Nam vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ. Cụ thậm chí từng bị anh trai xa lánh.
“Anh ấy hay bảo tôi tránh xa vì tôi là phụ nữ, còn không cho tôi ngồi lên ghế. Người ta cho rằng phụ nữ là đồ bần thỉu. Sinh ra là phụ nữ, ai cũng có thể coi thường tôi”, cụ bà kể lại quãng thời gian tuổi thơ.
Vào thời đó, là con gái đồng nghĩa với việc cụ Thi không được đến trường, dù có cha là thầy giáo. Thế nhưng niềm đam mê học tập đã khiến cụ không chấp nhận số phận.
“Nhìn thấy cha và các anh đọc sách, tôi cảm thấy không thể chấp nhận việc không biết chữ. Tôi đã không chấp nhận vận mệnh của mình. Bất cứ việc gì mà đàn ông làm được thì tôi cũng sẽ làm được cho dù có thế nào chăng nữa”, cụ nói.
Thế là, cô gái Lê Thi ngày đó đã bí mật tự học từ những quyển sách của cha. “Tôi trùm chăn và đọc vào ban đêm. Tôi đốt những nhành cây rồi viết trên sàn nhà. Tôi có thể viết và vẽ tất cả mọi thứ”, cụ Thi nhớ lại.
Tinh thần ham học hỏi đã thôi thúc cụ tham gia mặt trận Việt Minh. Người phụ nữ can đảm đã chiến đấu chống Nhật trong những năm 1940 và cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
Việt Minh cũng là nơi cụ gặp chồng mình, người hy sinh chỉ 17 tháng sau khi họ chính thức kết hôn. Họ có một người con trai. Tuy nhiên, cụ Thi khẳng định không ghét bỏ kẻ thù hay bất cứ quốc gia nào.
“Tôi chỉ ghét chiến tranh. Tôi chỉ muốn xây dựng đất nước Việt Nam để tất cả mọi người có thể làm chủ cuộc sống của mình”, cụ nói.
“Hạnh phúc là tri thức”
Trải qua nhiều năm đảm nhiệm vô số công việc, từ chăn nuôi gia súc, trồng trọt cho đến thêu thùa, niềm đam mê học hành của cụ Thi chưa bao giờ dập tắt. Hiện tại, cụ vẫn đọc, viết và lướt Internet hàng ngày. Ở tuổi 97, cụ luôn tự hào về con trai cùng những đứa cháu đã và đang học cao học.
Cụ đã vẽ “hơn 2.000 bức tranh”, viết hơn 50 quyển sách cùng nhật ký và sẽ tiếp tục viết. Hiện tại cụ Thi vẫn đang ấp ủ và viết dở một cuốn tiểu thuyết khác với tên gọi là “Vòng xoáy cuộc đời”.
“Tôi viết về suy nghĩ của mình dành cho cuộc sống hiện đại. Thế gian này là một vòng xoáy vật chất, ai cũng nghĩ tiền bạc có thể mua được mọi thứ. Tôi nghĩ rằng hạnh phúc chính là sự tự do, hạnh phúc là tri thức, và hạnh phúc chính là khoa học”, cụ chia sẻ.
Cụ Thi thừa nhận tuổi tác đã ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng viết lách của bản thân, khiến cụ không thể thức xuyên đêm để đọc và viết vì sức khỏe không cho phép. Dù vậy, người phụ nữ can trường không bao giờ bỏ cuộc.
Khao khát của cụ là truyền tải những kinh nghiệm, kiến thức của bản thân cho con cháu. “Có hàng triệu điều tôi muốn biết. Phải mất một thế kỷ nữa để học những điều đó, nhưng tôi sẵn sàng làm như vậy”, cụ bày tỏ.
Theo Channel News Asia