Ông Vũ cho rằng văn hóa Việt Nam có thể được miêu tả bằng hai hình tượng dân gian rùa – rồng, trong đó, Trung Nguyên có hai phần là rùa và ba phần là rồng.
Cùng với Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên, Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch công ty cafe Trung Nguyên là một trong số những doanh nhân Việt hiếm hoi được Forbes tôn vinh và ca ngợi. Gần đây, Scott Duke Harris – phóng viên của Forbes còn đến gặp “vua cafe Việt” để nghe ông chia sẻ những bí quyết kinh doanh và dự định trong tương lai.
Khi không phải điều hành Trung Nguyên ở TP HCM, Đặng Lê Nguyên Vũ lại đến nghỉ ngơi tại căn nhà trên cao nguyên với chuồng ngựa 120 con của mình. Theo giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam, tài sản cá nhân của ông Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là một con số khá lớn đối với quốc gia chỉ có thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD một năm như Việt Nam.
Ngày hôm đó, ông Vũ phải ra Hà Nội gặp Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để bàn thảo về chiến lược cho cafe Việt Nam. Ông chỉ ra rằng Việt Nam và phần lớn các quốc gia trồng cafe khác đều là các nước nhiệt đới, và rất nghèo. Bán được 20 USD cafe, họ mới lãi 1 USD và phần lớn lợi nhuận đều rơi vào tay Nestlé hay Starbucks.
Ông tự hỏi: “Vì sao chúng ta cứ để tình trạng đó tiếp diễn hết năm này đến năm khác?”. Trung Nguyên hiện đã xuất khẩu cafe sang 60 quốc gia và dần tiến sâu vào thị trường Mỹ – Trung Quốc. Vì vậy, ông tin rằng Việt Nam có thể tiến xa hơn trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp tỷ đô này.
Theo ông, Việt Nam rất có tinh thần trọng thương và “Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có”. Năm 2011, Trung Nguyên đạt doanh thu 151 triệu USD và dự kiến tăng trưởng 78% năm nay. Ông dự định niêm yết công ty trong 2 năm nữa, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên sàn quốc tế. Ngoài ra, 800 triệu USD cũng sẽ được Trung Nguyên đầu tư vào cơ sở vật chất trong 10 năm tới.
Thừa nhận những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, nhưng ông vẫn rất tự tin: “Chúng tôi kỳ vọng mỗi người Trung Quốc có thể tiêu 1 USD hàng năm cho café Trung Nguyên”.
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một học sinh phổ thông. Thời đó, người ta nói rằng muốn làm kinh doanh thì cần phải có “ô dù”. Vũ cũng có ô, nhưng tuổi thơ của ông lại là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch. Ông là một học sinh giỏi và sau đó còn đỗ vào khoa Y của Đại học Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột – kinh đô cafe của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 3, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Và vì thế, ông bắt đầu gây dựng một thương hiệu cafe cho riêng mình. Ban đầu, vốn liếng của Vũ chỉ là niềm tin mà người trồng cafe đặt vào ông. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cafe bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy. 15 năm sau, Trung Nguyên đã phát triển rực rỡ với 3.000 nhân viên và một đội xe tải hùng hậu.
Đặng Lê Nguyên Vũ còn có sở thích sưu tập tượng của các danh nhân thế giới như Mao Trạch Đông, Napoleon, Balzac hay Beethoven. Ông nói: “Những thay đổi lớn được tạo ra bởi các cá nhân, chứ không phải một nhóm người”.
Trong cuộc nói chuyện với các lãnh đạo, Vũ đã trình bày chiến lược “đánh cụm” để đưa Việt Nam từ quốc gia chỉ chuyên trồng đến việc trở thành một nước rang xay, chế biến và xuất khẩu cafe. Ông giải thích: “Kinh tế đang tăng trưởng, vì thế, mô hình cũ không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần công thức mới để thành công”.
Đặng Lê Nguyên Vũ còn chia sẻ, thay vì sử dụng thuyết âm – dương, văn hóa Việt Nam có lẽ phù hợp hơn với hai hình ảnh dân gian rùa và rồng. Rùa là động vật kiên cường, cần cù, chăm chỉ. Còn rồng là là biểu tượng của sự may mắn, dám ước mơ và hành động.
Ông nói: “Nếu không dám ước mơ, làm sao bạn có thể biến nó thành hiện thực? Và nếu không hành động, chúng ta sẽ không bao giờ có thành quả”. Khi được hỏi về tỷ lệ rùa và rồng trong công thức thành công của Trung Nguyên, ông Vũ đã trả lời: “Chúng tôi có hai phần là rùa và ba phần là rồng”.
Theo “VNexpress.net”