Bên cạnh thành công về phim ảnh, nhà đạo diễn phim độc lập Phan Đăng Di còn là một đại diện cho lớp trẻ trí thức dám nói, dám làm, dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của cả thế hệ.
Anh từng nói “Tuổi trẻ là thời điểm chúng ta dễ bộc lộ mình”. Vậy với tuổi trẻ của mình, anh đã bộc lộ đúng với con người thật của anh không? Nếu được làm lại, anh muốn bộc lộ thêm những gì?
Nếu tính tuổi trẻ là độ tuổi từ 16 đến chừng 26 thì tuổi trẻ của tôi rơi vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và 5 năm đầu của thế kỷ 21. Đó là một thời điểm đặc biệt khi Việt Nam vừa ra khỏi bao cấp đói kém và nhiều kìm hãm để hăm hở bước vào một thời kỳ mới, giàu thì chưa thấy nhưng dễ thở hơn, nhiều hy vọng hơn. Đó cũng là một thời kỳ mà văn chương có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người trẻ như tôi. Tôi còn nhớ hồi đó những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh và đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp đã làm mình xao xuyến rất nhiều. Nó chỉ cho mình biết yêu tiếng Việt và thương nước mình, cũng cho mình thấy sự chân thành trong cảm xúc thì quan trọng thế nào với người sáng tạo. Trong khoảng thời gian 10 năm tuổi trẻ ấy, điều lớn nhất tôi làm được là biết đọc một cách bình tĩnh nhiều tác phẩm văn chương tuyệt vời của Việt Nam và thế giới, biết xem nhiều phim hay bằng niềm háo hức không thể quên.
Văn chương và điện ảnh cũng giúp tôi nhận ra rằng, nơi lý tưởng và tự do nhất để bộc lộ con người thực của mình là tác phẩm, điều vốn rất khó và đôi khi chẳng thích đáng để bộc lộ trong đời thực. Và tuổi trẻ chính là thời điểm tốt nhất để sự bộc lộ này có thể cất tiếng một cách đơn giản và thảnh thơi nhất. Và cũng chẳng còn cơ hội thứ hai cho bất kỳ một “nếu như” nào hết.
Nhận xét về giới trẻ Việt Nam hiện nay, anh sẽ nói gì?
Cao hơn và to hơn… và dấu ấn của một nền giáo dục lổn nhổn không thiết thực họ nhận được thì cũng thật là rõ ràng.
Theo anh, phim ảnh có tác động nhiều tới giới trẻ Việt Nam hay không? Và phần lớn các phim ngoài rạp hiện nay tác động tới giới trẻ ở mặt nào – tư duy, khuynh hướng thời trang, thay đổi quan niệm sống… hay chỉ đơn thuần là giải trí trong phút chốc?
Thời hiện đại là thời mà người ta bắt đầu phải đặt lại câu hỏi về thế nào là lâu dài và thế nào là thoáng chốc. Mọi thứ đều thay đổi quá nhanh. Trong hàng người xếp hàng dài mua Iphone 5 ai cũng biết một năm sau lại sẽ có Iphone 6 và cái mà họ đang chen chúc mua cũng chỉ có một ý nghĩa “thoáng chốc” thôi, nó sẽ nhanh chóng bị thay thế nhưng chẳng ai vì thế mà dừng mua cả. Ngoài sự hấp dẫn về công nghệ – mà thực ra luôn được thổi phồng quá mức – thì đó là chuyện thời trang, và quan trọng nhất là thời trang. Thế giới hiện đại càng ngày càng bị cuốn vào một cơn lốc thời trang không có điểm dừng và sự “chốc lát” đâm ra lại thành vững chắc (vì có vẻ như làm gì còn cái gì đủ sức thành “vững chắc” nữa). Ngay cả điện ảnh cũng vậy, với giới trẻ toàn thế giới (Việt Nam chẳng phải ngoại lệ) thì cái tác động của nó, nếu có cũng chính là ở khía cạnh “thời trang” và giải trí thôi. Nhưng đến một lúc nào đó mà những phim “thời trang” như vậy không giúp họ trả lời được những câu hỏi phức tạp của cuộc sống, của chính nội tâm họ nữa thì họ sẽ đi tìm những phim ít thời trang và nhiều suy ngẫm hơn. Thì đó là lúc phim nghệ thuật sẽ lên tiếng.
Từng theo đuổi công việc giảng dạy điện ảnh tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, anh thấy công việc đó có nhàm chán không?
Khóa điện ảnh tôi dạy đã kết thúc sau sáu năm, sắp tới sẽ có một khóa mới mà tôi có thể sẽ dạy một vài chuyên đề. Việc đi dạy không nhàm chán vì nó cũng là cách mình lại được học lại cùng sinh viên nhiều điều thú vị cứ tưởng đã biết rõ hóa ra là không hẳn thế. Hơn nữa khóa học này rất tự do, chúng tôi có thể thoải mái tranh luận nhiều chủ đề về điện ảnh, được cùng nhau xem nhiều phim rất khó, rất thách thức, xem xong thì thấy cả thầy và trò bỗng nhiên bớt ảo tưởng và bớt sợ hãi đi rất nhiều.
Nền giáo dục điện ảnh ở Việt Nam theo anh còn thiếu hụt lớn ở điểm nào và cần những gì để thay đổi điều đó?
Nền giáo dục điện ảnh ở Việt Nam có tất cả những thiếu hụt lớn mà bản thân nền giáo dục Việt Nam cũng thiếu, đó là thiếu một nền tảng vững chắc của cả kiến thức hàn lâm lẫn sự thiết thực trong tư duy dạy và học. Nhưng một phần lỗi của sự thiếu hụt đấy nằm chính ở người học. Tôi nghĩ rằng nếu một ai đó thực sự muốn tiếp cận với kiến thức và có tình yêu với điều mình theo đuổi thì họ sẽ tìm được cách để có được nó mà không có ai ngăn cản được họ cả, nhất là ở thời hiện tại, khi internet có thể giúp ta, với khả năng ngoại ngữ nhất định, truy cập vô số nguồn tài liệu và mở cho ta bao nhiêu cơ hội… Còn nếu anh thụ động, ai bảo gì nghe nấy, tiêu thời giờ vô bổ trên mạng, trong đầu không có một khát khao nào rõ ràng, một ý chí nào để thay đổi thì anh xứng đáng là nạn nhân thôi. Trong nghề làm phim cũng thế, không ai làm được gì hay ho mà không tự đứng lên tìm lấy con đường cho mình và sẵn sàng chấp nhận thử thách cả.
Xin chia sẻ một số kinh nghiệm về việc đi tìm kiếm kinh phí sản xuất cho phim với tư cách một nhà sản xuất phim độc lập và lời khuyên của anh dành cho các đạo diễn trẻ độc lập chuẩn bị làm phim đầu tay.
Cũng không có kinh nghiệm gì đặc biệt, mọi cơ hội thì đã nằm sẵn đấy, ở trên mạng. Nếu có một kịch bản ấn tượng thì đã đi được non nửa chặng đường, nửa già còn lại bao gồm kinh nghiệm, sự bình tĩnh nhẹ nhàng khi làm việc, khả năng thu hút các cộng sự giỏi, cũng rất cần vận may. Và đối với các bạn làm phim dài đầu tay thì rất quan trọng là trước đó phải làm cho bằng được một phim ngắn thật hay.
Cảm ơn anh.
Ngọc Bi
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.