Một lần có chị hàng xóm qua nhà mượn mấy cuốn sách của An về xem để biết đường mua sách cho con. Mấy hôm sau, chị trả sách, chị băn khoăn nói với mình:
– Chị không hiểu, tại sao em lại cho cháu đọc truyện về chú thỏ Peter?
– Sao ạ? Em thấy nó rất hấp dẫn mà!
– Con em sẽ học được gì từ cuốn truyện đó? Các nhân vật trong đó quá phá phách và nghịch ngợm, toàn làm trái ý bố mẹ. Rồi mấy cuốn truyện Nhật Bản, chỉ lèo tèo vài dòng chữ kể về những câu chuyện vô thưởng vô phạt không có chủ đề gì để dạy cho bé cả. Chị vẫn muốn kiếm mấy cuốn sách mang đến nhiều bài học bổ ích cho bé.
Mình chỉ biết cười vì mình biết mỗi bà mẹ sẽ có quan điểm khác nhau trong việc dạy con, chọn sách cũng vậy nhưng ngẫm kĩ mình muốn chia sẻ vài điều về một sai lầm trong việc đọc sách cho con (chính mình trong thời kì đầu cũng mắc phải) bố mẹ hay mắc phải: quá tham làm và kì vọng.
1. Quá kỳ vọng vào tác dụng của sách nên biến giờ đọc sách thành buổi dạy con
Vai trò của sách đối với con trẻ như thế nào có lẽ viết 3 ngày chưa hết. Chính vì vậy, bố mẹ thường hay kì vọng quá nhiều, nếu không nói là đến tham lam khi đọc sách cho con. Chúng ta hay muốn con mình nhận được bài học hay, muốn con biết chữ nhanh, muốn con thuộc cốt truyện, kể được nhiều chuyện, muốn con phát triển ngôn ngữ… khi đọc sách cho con. Mong muốn đó là chính đáng nhưng hãy tỉnh táo bởi nếu không khéo chúng sẽ gây tác dụng ngược nếu quá kì vọng vào những gì sách sẽ mang đến cho con, lâu dần khiến trẻ chán ghét việc đọc sách.
Hãy thử tưởng tượng, đọc xong cuốn sách bạn cứ hỏi con nhớ cốt truyện không? những bài học được rút ra là gì? con có thích không? chúng ta không nên gì…? như kiểu đang dò bài thì bé rất dễ bị căng thẳng và dần dần chán ghét việc đọc sách.
2. Vì quá kì vọng nên chúng ta đọc sách theo sở thích của mình chứ không phải của bé
Hãy để quyền lựa chọn hôm nay đọc cuốn sách này cho con của bạn, dù cuốn đó bé đã đòi đọc đến lần thứ 100 và bạn thì đã chán ngấy cuốn sách đó. Nhưng trẻ con đến lần thứ 101 vẫn phát hiện ra được cái hay trong cuốn sách đó. Hãy để bé cảm nhận cuốn sách theo nhịp điệu riêng của bé, bố mẹ chớ nên dùng lăng kính của mình để đánh giá việc đó.
3. Vì quá kì vọng chúng ta chọn sách không phù hợp với nhận thức của bé
Chúng ta chọn những cuốn sách mang nhiều bài học, nhiều triết lí, nhiều thông tin…vượt quá năng lực nhận thức của bé. Điều này khiến việc cảm thụ của bé giảm đi, thậm chí một số trường hợp gây tác dụng ngược khi bé nhận thức sai thông điệp mà cuốn sách muốn nói hoặc rối loạn vì thông tin được cung cấp quá nhiều và phức tạp.
Tất nhiên, chọn sách cho bé là việc của bố mẹ nhưng hãy chú ý xem bé hứng thú với những loại sách nào trong từng giai đoạn cụ thể là điều bố mẹ cần nâng cao năng lực để chọn sách thích hợp là điều rất quan trọng.
4. Vì quá kì vọng chúng ta biến sách từ “món ăn tinh thần” thành “công cụ dạy con”
Phải công nhận sách có rất nhiều tác dụng trong việc hình thành nhận thức, tâm hồn, tình cảm của bé. Tuy nhiên, muốn vậy trước hết hãy con nó là một món ăn tinh thần. Những tác dụng của nó sẽ chỉ có được nếu món ăn tinh thần ấy đủ lành mạnh và tác động dài lâu.
Bạn đừng bắt con bạn biết chia sẻ chỉ qua việc đọc vài cuốn sách dạy bé biết chia sẻ, bạn đừng kì vọng con bạn lễ phép chỉ qua việc đọc mấy cuốn sách dạy con biết chào hỏi… Hãy xem sách như dòng suối mát tắm táp tâm hồn con mỗi ngày, rồi quả ngọt nhân cách sẽ hình thành ở tương lai.
Đừng nghĩ khi đọc về cậu thỏ Peter nghich ngợm con bạn sẽ chỉ biết bắt chước sự nghịch ngợm, tinh thần tự do, dám phá cách mới là thứ lớn lao hơn mà con bạn sẽ lĩnh hội từ tác phẩm ấy. Đừng nghĩ Ehon chỉ lèo tèo vài câu chữ và kể câu chuyện không mấy giá trị về đạo đức, tinh thần nhân văn nhẹ nhàng sẽ ngấm vào máu bé khi quan sát thấy chú công nhân xây nhà chia cho con mèo miếng bánh trong bữa trưa, chú cảnh sát giúp bà lão tìm con mèo con…ở trong đấy.
Thực sự mong các em bé được ba mẹ đọc sách cho nghe, mỗi tối với một tâm niệm nhẹ nhàng: Cho con một món ăn tinh thần lạnh mạnh. Mọi kì vọng lớn lao xin hãy bỏ bên ngoài trang sách.
NGỌC NGA / VTC