Một trong những đặc điểm chung dễ thấy nhất ở những người thành công đó là rất thích đọc sách, thế nhưng để tổng hợp thông tin và áp dụng kiến thức sách vở vào đời thực lại không phải chuyện đơn giản.
Vậy câu hỏi tại sao phải đọc sách đã có câu trả lời, nhưng cách đọc thế nào thì sao? Rất nhiều lần chúng ta đọc hết một cuốn sách, giở đến trang cuối cùng, ngồi xuống và nghĩ “Mình vừa đọc cái quái gì thế nhỉ?” Bạn cần phải nhớ, đọc và sử dụng những gì bạn đã đọc là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Những đặc điểm cơ bản của trí nhớ
Nếu không có mục đích và chủ định, những ý tưởng lóe lên khi đọc sách sẽ dễ dàng biến mất. Học được cách níu giữ chúng cũng đồng nghĩa với việc hiểu được cách trí nhớ của chúng ta hoạt động ra sao. Vì mục đích lưu giữ thông tin, ta có thể coi trí nhớ gồm có 3 bộ phận:
- Ấn tượng
- Liên tưởng
- Lặp lại
Đọc để bị ấn tượng (và để gây ấn tượng với người khác)
Khi bạn bị ấn tưởng bởi cái gì đó, rất có khả năng bạn sẽ ghi nhớ nó.
Đây cũng là hiệu ứng xảy ra khi bạn đọc có mục đích. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Memory & Cognition, 2 nhóm được giao cùng một loại tư liệu để đọc – một nhóm được thông báo là sẽ có cuộc kiểm tra vào lúc kết thúc, trong khi nhóm còn lại được thông báo là họ phải dạy lại một người nào đó về tư liệu này.
Cuối cùng, cả 2 nhóm đều phải làm một bài kiểm tra trí nhớ về tư liệu. Kết quả rất đáng ngạc nhiên, nhóm được yêu cầu phải dạy lại có kết quả tốt hơn so với nhóm kia.
Khi so sánh kết quả, những người được yêu cầu dạy lại nhớ chính xác hơn, họ tổ chức những điều mình ghi nhớ được hiệu quả hơn và có trí nhớ tốt hơn về những thông tin đặc biệt quan trọng.
Có một câu hỏi rõ ràng trong đầu hoặc một chủ đề cụ thể mà bạn tập trung vào sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ghi nhớ thông tin.
Trước khi đọc
Hãy đọc phần nhận xét và tóm tắt về tác phẩm. Hãy cấu trúc lại quá trình đọc của bạn bằng kiến thức liên quan đến chủ đề và quan điểm về những gì đang được nói cũng như cách chúng liên quan đến chủ đề tổng thể.
Trong khi đọc
Luôn giữ vững mục đích bạn đã xác định trong đầu. Đừng để tâm trí bạn biến thành dòng sông xóa hết đi những suy nghĩ của mình khi đọc. Và hãy ghi chép lại những gì cần thiết, điều này sẽ khiến bạn trở thành một người đọc chủ động và giúp bạn lưu giữ thông tin trong ký ức của mình.
Sau khi đọc
Viết một đoạn tóm tắt hoặc phân tích những ý chính bạn muốn nhớ hoặc sử dụng, tìm hiểu về những chủ đề và ý tưởng hỗ trợ và ghi lại chúng liên quan ra sao đến những gì bạn vừa đọc, và sau đó thuyết trình, thảo luận hoặc viết về những ý tưởng cuối cùng của mình.
Liên tưởng với những gì bạn đã biết
Liên tưởng là một cái móc treo để bạn treo lên đó những ý tưởng mới, những số liệu và dữ kiện. Khi bạn đọc và bắt gặp những suy nghĩ mới, bạn sẽ muốn kết nối và liên tưởng chúng với các ký ức quen thuộc như một phương tiện tạo ra sự gắn kết giữa cái cũ và cái mới. Có rất nhiều cách khác nhau để tạo ra sự liên tưởng trong tâm trí, từ ghép đôi các suy nghĩ mới với các đối tượng quen thuộc, cho đến tạo ra các từ viết tắt.
Bộ não của chúng ta sẽ hoạt động tốt hơn với các hình ảnh trực quan thay vì các dòng chữ và những suy nghĩ mơ hồ. Kết nối một ký ức với một địa điểm hoặc một hình ảnh nào đó sẽ giúp bạn dễ nhớ lại hơn nhiều.
Lặp lại, xem xét lại và hồi tưởng lại
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn, và cũng là yếu tố quan trọng nhất để bạn ghi nhớ lâu dài, đó là sự lặp lại. Nếu không xem xét lại và hồi lưởng về những thông tin bạn đã đọc được, khả năng bạn có thể nhớ và áp dụng những thông tin đó trong thế giới thực là rất ít.
Điều này không nhất thiết là bạn phải đọc một cuốn sách nhiều lần (mặc dù điều đó cũng có ích). Bạn chỉ cần có một phương pháp ghi chép và tổ chức các ghi chép đó xung quanh những phần chủ chốt mà bạn muốn xem xét lại sau này.