Để đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực giúp doanh nghiệp vượt qua “siêu bão” của nền kinh tế, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan truyền thông và các startup, đó là ý kiến của các diễn giả tại “Diễn đàn ĐMST Mở” tại Bình Dương trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest Vietnam) 2022.
Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2022: phân tích ĐMST từ nhiều khía cạnh
Số liệu của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, trong khi các nước phát triển dùng hơn 3% GDP cho ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D), con số này ở các nước đang phát triển là dưới 1%, trong đó Việt Nam chỉ chi 0,53% GDP cho hoạt động này vào năm 2019. “Điều này đồng nghĩa chúng ta còn rất nhiều cơ hội để nhìn lại tầm quan trọng của hoạt động R&D trong thời gian tới để có thể ‘vượt bão’. Tốc độ và tính kiên định trong việc hành động sẽ xác định người chiến thắng trên thị trường, chiến thắng trước bối cảnh bất ổn của kinh tế giới” – bà Nguyễn Hương Quỳnh, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP chia sẻ.
Xác định “ĐMST mở” sẽ là lời giải cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ trong nguy, trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2022, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tổ chức “Diễn đàn ĐMST mở lần 2” vào chiều ngày 02/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương. Diễn đàn có sự đồng hành của Shinhan Future’s Lab Vietnam, các “làng công nghệ” của Techfest 2022 như Làng ĐMST mở Tập đoàn, Làng Công nghệ Giải trí – truyền thông, cùng sự đồng hành của Công ty Cổ phần BambuUp, Công ty TNHH S-World Multimedia, Công ty TNHH Truyền Thông TheRepublixis.
Tại sự kiện, NATEC, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) cùng Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP đã công bố phát hành “Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2022”. Báo cáo không chỉ cung cấp các số liệu về hệ sinh thái ĐMST Việt Nam hiện tại mà phân tích ĐMST mở thực tế từ 3 khía cạnh: ĐMST mở lĩnh vực công, ĐMST mở xã hội, ĐMST mở trong doanh nghiệp. Cụ thể, báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của các chủ thể trong hệ sinh thái ĐMST mở gồm: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp theo mô hình APAR và phân loại hiện trạng theo: (1) Giai đoạn nhận thức (Awareness Stage), (2) Giai đoạn chuẩn bị (Preparation Stage), (3) Giai đoạn tham gia (Association Stage) và (4) Kết quả ĐMST mở (Results).
Báo cáo cũng chỉ ra “4 ưu tiên hàng đầu (Business Priorities) mà các doanh nghiệp trên thế giới đã, đang và cần tập trung trong năm 2022 và những năm tiếp theo bao gồm: (1) Biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí carbon; (2) Chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (3) Củng cố và tăng cường tính hiệu quả của chuỗi giá trị; (4) Chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng công nghệ.
Lời giải cho các mô hình ĐMST
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Gia Anh Vũ – Giám đốc Công nghệ và Kỹ thuật số Heineken cho biết, dù “chuyển đổi số”, “big data”, hiện đại hóa công nghiệp”… là những khái niệm cơ bản nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay không biết làm cách nào để chuyển đổi số, biến dữ liệu thành tiền hay hiện đại hóa công nghiệp. Ông nhấn mạnh đến việc trước hết phải đổi mới tư duy lãnh đạo, tiến đến là xây dựng quy trình, văn hóa về sử dụng dữ liệu số, thông tin số.
Nhấn mạnh về kinh nghiệm triển khai của thế giới, Bà Phan Hoàng Lan – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và ĐMST (CEI) thuộc Đại học Fulbright cho biết: thông thường có 4 mô hình để doanh nghiệp thực hiện ĐMST, bao gồm tự mở một phòng nghiên cứu R&D nội bộ; thuê các công ty tư vấn về ĐMST doanh nghiệp; hợp tác với startup; hoặc làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong đó, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong thì ĐMST mở được hiểu là sự tham gia của nguồn lực bên ngoài, bao gồm các startup, viện nghiên cứu, trường đại học vào giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp.
Cụ thể, mô hình doanh nghiệp – công ty khởi nghiệp thường được thể hiện thông qua việc các tập đoàn mua các sản phẩm, dịch vụ của startup, tiếp cận các giải pháp, công nghệ đa dạng với chi phí tiết kiệm. Điểm yếu của mô hình này là có những giải pháp của startup chưa thực sự được chứng minh, không đủ để nhân rộng hoặc thiếu bảo mật thông tin. Dù vậy, ông Martin Kim – Giám đốc Shinhan Future Lab nhấn mạnh, các đơn vị nên hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm và vốn cho các startup để họ thêm tự tin và có thể thực hiện chuyển từ ý thức sang hành động. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có sự xuất hiện của hơn 3.000 startup trên toàn quốc về hầu hết các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, là cơ sở để các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kết nối và tận dụng nguồn lực sáng tạo từ bên ngoài này.
Tại Diễn đàn, ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cũng đã “ra đề” với các startup tại ngày hội về giải pháp ĐMST cho dòng sản phẩm gốm sứ dưỡng sinh của doanh nghiệp này để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mang lại những lợi ích cho cộng đồng. Ông Long cho biết, Công ty TNHH Minh Long I là một doanh nghiệp “giỏi làm hơn nói”, “đi ngược với xu hướng hiện nay”. Doanh nghiệp có hơn 10 kỷ lục này đặt tâm huyết vào phát triển các dòng sản phẩm để hướng đến sức khỏe người dùng, tuy nhiên, hiện còn hạn chế trong khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm.
Mặt khác, mô hình đối tác doanh nghiệp – trường đại học/viện nghiên cứu sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng nhiều trí tuệ, sáng kiến mới của các viện, trường không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, chia sẻ chi phí và rủi ro cũng như tạo điều kiện để kết nối, tuyển chọn nhân tài. Điểm trừ của mô hình này là giải pháp ở các viện, trường thường ở giai đoạn sơ khởi và cần nhiều thời gian để kết nối và điều chỉnh. CEI của Đại học Fulbright sẽ theo mô hình thứ hai này với mong muốn xây dựng một nền tảng giúp sinh viên, giảng viên, cá nhân khởi nghiệp kết nối và ĐMST trong và ngoài doanh nghiệp, bà Hoàng Lan chia sẻ.
Đại diện từ Heiniken cũng nhấn mạnh về mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện, trường, theo đó, Heineken đã nhận sinh viên vào thực tập, đồng thời thường xuyên cử các nhân viên đến chia sẻ thông tin, kiến thức tại các trường đại học. Ông Trịnh Hồng Minh – đồng sáng lập Công ty CP Tập Đoàn The Startup đồng tình với cách làm này của Heineken và cho rằng, ĐMST mở sẽ là tiền đề của nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ về kinh tế, nguồn vốn, nhân lực, tri thức, giáo dục… Phương pháp này cũng là “bàn đạp” hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam.
Làm rõ thêm về những mô hình ĐMST này, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh – CEO KisStartup, Trưởng Làng ĐMST mở Tập đoàn của Techfest Vietnam 2022 đã chia sẻ về cuốn sách “Corporate Startup Champions” do bà chắp bút. Cuốn sách là tổng hợp và phân tích những câu chuyện ĐMST truyền cảm hứng từ các tập đoàn, công ty như Minh Long I, Qualcomm, Vinamit, Mỹ Lan… Những câu chuyện này sẽ mang góc nhìn sâu về ĐMST cùng với các thách thức, cơ hội chúng ta sẽ đối diện trong thời gian sắp tới.
Truyền thông là nhân tố kết nối
Cũng tại diễn đàn, NATEC, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và doanh nghiệp startup TheRepublixis đã đồng hành công bố Kênh truyền thông đa phương tiện hỗ trợ ĐMST (Vietnam Innovation Channel). Bà Lê Thị Đoan Trang – CEO TheRepublixis cho biết: “Đây là chương trình thí điểm đầu tiên của kênh ĐMST và khoa học và công nghệ, được Bộ Khoa học và Công nghệ và VTV ủng hộ, tập trung truyền thông rộng rãi không chỉ trong khuôn khổ hệ sinh thái ĐMST, khoa học và công nghệ mà còn truyền thông đến các doanh nghiệp, địa phương”.
Thông qua đây, chương trình thể hiện vai trò của cơ quan nhà nước mà đại diện là Bộ Khoa học và Công nghệ trong tạo dựng môi trường bao gồm chính sách và ưu đãi đồng hành cùng để điều tiết nguồn lực và là “chất keo” giữa các bên. Cùng với đó, truyền thông là nhân tố kết nối, tìm kiếm và sàng lọc giúp các chủ thể tìm được mảnh ghép phù hợp, đồng hành để lan tỏa câu chuyện thành công và sau đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiếp cận khách hàng và bán hàng cho các sản phẩm công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Lâm Hiền Nhân / TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM