Ở vòng bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp do Trung tâm BSA & Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời phối hợp tổ chức, mỗi dự án có 5 phút thuyết trình và 10 phút trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Tuy nhiên, với Nguyễn Thị Cẩm Xương, chủ dự án “Dưa cây sen”, tỉnh Đồng Tháp thì đây là khoảng thời gian dài khủng khiếp. Ở phần thuyết trình, cô gái này chỉ nói được hơn 1 phút thì lúng túng, đứng im trên sân khấu. Tuy nhiên, điều bất ngờ là dự án này lại được chọn là 1 trong 9 dự án đầu tiên lọt vào chung kết. Vì sao lại như vậy?
May mắn vượt ải nhờ gần 4 phút “tự do”
Nói hơn 1 phút thì đứng im trên sân khấu, 4 phút còn lại sẽ làm gì chắc hẳn Nguyễn Thị Cẩm Xương cũng sẽ không biết xử lý để “Câu giờ” trước ban giám khảo. Tuy nhiên, may mắn là Xương được ban giám khảo cho phép trình bày tự do theo kiểu “Biết gì, nhớ gì nói đó” và gợi ý tập trung vào các nội dung chính như: Vì sao khởi nghiệp bằng sản phẩm này, cách làm và bảo quản ra sao, thị trường như thế nào,… thì Xương mới giải toả được tâm lý, trả lời từng nội dung của ban giám khảo. Chính yếu tố được trình bày thoải mái, không cần “thuộc” theo bài sẵn có trước đó đã giúp thí sinh này tự tin hơn và vượt qua phần thi.
Chính việc “không thuộc bài” lại là điều may mắn, giúp Nguyễn Thị Cẩm Xương tránh được vết xe đổ của hơn 20 dự án khác. Thay vì trình bày dự án chú trọng đến chất lượng tốt, tìm thị trường tiềm năng thì những dự án này lại trình bày theo cách to tát, vĩ đại như trở thành doanh nghiệp số 1 châu Á về sản phẩm Organic, phải vào các trung tâm thương mại quy mô lớn trong nước và quốc tế, thâu tóm thị trường… , khiến Ban giám khảo phải nhắc nhở rằng: “Các bạn phải hạ xuống mặt đất, chứ đừng bay quá cao”.
Run run khi thực hiện xong phần thi, Nguyễn Thị Cẩm Xương chia sẻ rằng em rất sợ và quên bài dù có chuẩn bị trước. Xương lo lắng và nghĩ rằng khó có cơ hội đi tiếp vì so với các dự án khác thì dự án của mình hơi yếu thế. Nếu có cơ hội, em sẽ có cách trình bày tốt hơn.
Hơn 1 ngày sau, không hi vọng, nhưng điều thần kỳ lại đến khiến Xương không thốt nên lời, đó là việc “Dưa cây sen” có mặt trong 9 dự án đi tiếp vào vòng chung kết.
Một vị giám khảo chia sẻ: Dự án “Dưa cây sen” là 1 trong số ít dự án thể hiện được sự chân chất của người nông dân. Việc sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này phù hợp với thực tế, biết cách khai thác nguồn tài nguyên bản địa, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Sản phẩm này sẽ sống được, thậm chí phát triển tốt trên thị trường, đây là điều khác xa hoàn toàn với nhiều dự án khác tại vòng bán kết này.
Lộ diện ứng viên sáng giá tại chung kết
Theo Xương, sen được trồng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, con người mới chỉ khai thác được 1 số bộ phận như hoa, ngó sen, củ sen, hạt sen, gương sen… Tuy nhiên, còn nhiều thành phần chưa được khai thác và thân của lá sen là thí dụ.
Từ suy nghĩ giản đơn là tại sao các bộ phận của cây sen được khai thác, tạo nên những sản phẩm mang lại giá trị cao nhưng thân sen lại bị vứt bỏ, Xương quyết định thử nghiệm bằng cách muối làm dưa chua từ cây sen non để ăn. Ăn ngon, dễ làm nhưng khó khăn vì gia đình thì không ủng hộ do chưa có ai ăn cây sen, mặt khác cây sen có tính hơi đắng. Tuy nhiên, kiên trì thử nghiệm thêm thì Xương thành công khi tạo ra được món ăn có độ giòn của cây sen, vị chua ngọt của giấm và đường… được nhiều người ưa thích. Hiện loại dưa độc đáo này đã được người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đặt hàng để ăn. Đặc biệt, món ăn đã thường xuyên có mặt trên các bàn tiệc cưới, hỏi… của người dân trong thời gian qua.
Khi đưa sản phẩm cho ban giám khảo dùng thử và bị chất vấn về màu sắc, thí sinh này cho biết phần thân bị chìm trong nước sẽ có màu xanh và phần nổi trên mặt nước cho sản phẩm màu trắng. Do thời gian bảo quản chỉ được khoảng 1 tháng nên Xương ngỏ ý nhờ các chuyên gia hỗ trợ để làm sao, sản phẩm này được bảo quản trong thời gian dài hơn mà không phải sử dụng các loại phụ phẩm, chất bảo quản.
Nói về mục tiêu, Xương cho biết, mỗi tháng gia đình sản xuất khoảng 45kg loại dưa này, giá bán 90.000/kg. Khi một giám khảo hỏi nếu tăng sản lượng lên gấn 10 hoặc 100 lần thì có làm nổi không, Xương không ngần ngại trả lời là “Được”. Theo thí sinh này, lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương khá nhiều nên rất dễ huy động.
Trước mắt dự án này sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều tỉnh, thành Nam bộ, tương lai sẽ đưa món dưa sen này phủ sóng trên cả nước, tập trung nhiều cho các khu du lịch để phục vụ khách tham quan, du lịch. Đây sẽ là món quà biếu, tặng ngon và ý nghĩa. Mục tiêu dài hạn là món dưa cây sen sẽ có mặt trên các quầy, kệ của siêu thị.
Dù gặp chút trục trặc ban đầu, nhưng chính sự thật thà, chân chất và dự án Dưa cây sen có triển vọng, Nguyễn Thị Cẩm Xương đã được ghi nhận xứng đáng. Nếu ở vòng chung kết, Xương có sự chuẩn bị tốt hơn, tự tin trong cách trình bày thì chắc chắn dự án Dưa cây sen sẽ là 1 trong những ứng viên sáng giá cho ngôi quán quân của mùa thi năm nay.
Danh sách 9 dự án đầu tiên lọt vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3
STT | Tên dự án | Tên chủ dự án | Địa phương |
1 | Xây dựng Nhà truyên thống người Chăm | Trương Ngọc Thuỳ An | An Giang |
2 | SX Chế Phẩm Vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh | Trần Phúc Hậu | Bến Tre |
3 | Nhang sinh học có tác dụng xua muỗi | Lê Duy Hậu | Bến Tre |
4 | Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp | Võ Nguyễn Công Sơn | Đồng Tháp |
5 | Mật Ong Hương Tràm | Trần Thành Long | Đồng Tháp |
6 | Dưa Cây Sen | Nguyễn thị Cẩm Xương | Đồng Tháp |
7 | Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ Ếch | Nguyễn văn Nữa | Đồng Tháp |
8 | Mô hình trồng nấm bền vững – Hương hoa đất | Trần Phong Nhã | Đồng Tháp |
9 | Sản xuất củ âu tươi tách võ | Nguyễn Anh Thy | Đồng Tháp |
Bài & ảnh: Anh Tuấn – BSA