GS Ngô Bảo Châu từng thi trượt lớp chuyên môn Toán. Thất bại này khiến ông trưởng thành khi lòng tự ái bị thách thức.
Học không bao giờ quá muộn
Một cậu bé lớp 5, đeo cặp kính cận dày, vẻ mặt trầm ngâm, hỏi GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villan – hai người cùng đạt giải thưởng Fiels 2010 – trong buổi tối giao lưu 24/8 tại Hà Nội: Trước kia, cháu là học sinh giỏi nhất lớp môn Toán, nhưng bây giờ cháu học kém, chỉ đứng thứ tư, thứ năm của lớp. Tại sao lại như vậy?
Thoáng chút ngạc nhiên, GS người Pháp Cédric Villan trả lời cậu bé: “Cháu đừng bận tâm đến việc xếp thứ hạng. Việc của cháu bây giờ là hãy thư giãn”. Những tiếng vỗ tay vang lên trong căn phòng chật kín người.
Còn GS Ngô Bảo Châu điềm tĩnh trước vẻ mặt lo lắng của cậu bé: “Cháu còn nhiều thời gian. Không bao giờ là quá muộn để học mọi thứ. Trước kia, có những vấn đề tôi học trong suốt 4-5 năm dù không hiểu gì”.
Một học sinh khác thắc mắc: “Tại sao cháu từng là học sinh giỏi Toán thời tiểu học, nhưng đến những năm cấp ba thi thử môn học này 3 lần đều được 0 điểm? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?”.
GS Ngô Bảo Châu trả lời, việc học Toán cấp một gần gũi với thực tiễn hàng ngày, nhưng đến cấp hai, Toán học bắt đầu trừu tượng. Đây chính là lúc học sinh dễ mất đi mối quan hệ thân thiết với Toán.
Dù không đưa ra giải pháp cho tình trạng học toán sa sút của học sinh trên, nhưng GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, với Toán học, chúng ta luyện dần sẽ quen và hãy thay thế những khái niệm trừu tượng bằng cái dễ hình dung để cảm nhận.
Từ những câu chuyện của học sinh giúp GS hướng mạch chuyện về quá khứ. Ông kể, mình là người may mắn khi học cấp hai trong môi trường giáo dục có nhiều giáo viên giỏi. Năm 11 tuổi, GS Ngô Bảo Châu nhận ra rằng, ông đã trưởng thành từ lòng tự ái bị thách thức. Đó là khi thi trượt lớp chuyên Toán, ông không muốn gặp lại giáo viên của mình. Đối diện thách thức đã khiến ông yêu thích Toán hơn.
Bố là GS khiến con gái… sợ Toán
GS Ngô Bảo Châu có 3 con gái. Hài hước kể về những câu chuyện thường ngày, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, tất cả những nghiên cứu, đam mê của mình đều làm con gái sợ. Con gái vừa bước sang sinh nhật thứ 20 từng chui vào gầm bàn, trong một góc tối nhất, trả lời tôi trong bộ dạng ngơ ngác: Con đang học Toán”.
Hiện tại, ông đang hướng con gái thứ ba theo ngành học này nhưng không chắc chắn có thành công hay không.
Từ câu chuyện của con gái, GS giành huy chương danh giá về Toán học kể lại thời sinh viên năm thứ ba đại học. Mỗi tuần, ông đến gặp giáo sư hướng dẫn nhờ tư vấn luận án. Tuy nhiên, cả ông và thầy đều gặp khó khăn, GS luôn hỏi sinh viên Châu: “Anh phải làm gì đi chứ? Anh đã làm gì chưa?”.
Một ngày đẹp trời, GS Ngô Bảo Châu đã thấy vấn đề tự được giải quyết và rất tự hào về điều đó.
Ông cũng bảo, học cha mình – người cũng nghiên cứu về lĩnh vực tự nhiên – duy nhất một lần thời nhỏ. Lúc đó, lời giải bài toán của ông khiến bố mình… không hiểu gì cả.
GS Châu cho rằng, việc học và nghiên cứu Toán hoàn toàn khác nhau. Yêu Toán ngay từ năm học lớp 6, đến khi là học sinh cấp ba, ông đã giải Toán nhanh nổi tiếng, vì có tư duy logic. Tuy nhiên, ông ví việc giải Toán cơ học của mình chỉ như vận động viên thể thao.
Sau này, khi bước vào thế giới nghiên cứu Toán, GS Ngô Bảo Châu thích thú như ở trong thế giới của riêng mình, giống như viết một tác phẩm văn học, tạo ra những nhân tố trong một bài toán và giúp họ tương tác với nhau. Bản thân GS ngạc nhiên khi những yếu tố đó phát triển nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. Đó là sự hấp dẫn của Toán học.
Sai lầm khi học và dạy Toán trong nhà trường
Về việc dạy và học Toán hiện nay trong nhà trường, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, có những sai lầm khi quan trọng hóa lý thuyết mà quên đi việc thảo luận những ưu việt, lý giải sự giúp ích của Toán học.
GS lấy ví dụ qua việc từng là giám khảo một cuộc thi Toán học: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn kết quả của những học sinh cực kỳ giỏi Toán, nhưng chỉ chú ý đến khía cạnh của môn này mà không quan tâm vấn đề đặt ra ở đề bài. Ví dụ, với bài toán làm thế nào để tưới cây, học sinh không giỏi Toán sẽ tiếp cận dưới góc nhìn đơn giản và hay, đó là phải tiết kiệm nước.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, để học sinh thích học Toán, cần đưa vấn đề khó hơn một chút giúp các em cố gắng hơn với những bài toán sau. Giải pháp thần kỳ của GS Ngô Bảo Châu là làm những vấn đề mình thực sự yêu thích và nỗ lực hết mình, bởi những gì tốt đẹp đều không dễ dàng đạt được.
Theo Zing.vn