Xin nghỉ làm mấy tháng không lương, hai chàng trai 27 tuổi Phạm Ngọc Nam và Lương Thế Huy đã cùng nhau lên xe máy đi khắp 27 tỉnh thành từ Hà Nội đến mũi Cà Mau để nghe chuyện của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Phạm Ngọc Nam là chàng trai gốc Hà thành cao ráo, điển trai. Nam đã bỏ thời gian, công sức và tâm huyết của mình để vận động cho quyền lợi của cộng đồng LGBT.
Đi mọi miền đất nước để nghe chuyện của cộng đồng LGBT là dự án được Lương Thế Huy ấp ủ từ lâu. Đến khi tìm được Nam là bạn đồng hành thì dự án bắt đầu khởi động. Xin tài trợ bị từ chối, Huy và Nam quyết tâm bỏ tiền túi để đi.
Bắt đầu từ việc tìm các kết nối viên ở nhiều tỉnh thành. Sau khi thông báo, cả hai nhận được gần 200 đơn đăng ký. Mất một tuần lọc đơn, mất năm ngày gọi điện thoại phỏng vấn từng người một, cuối cùng Huy và Nam đã chọn được 27 kết nối viên tại 27 tỉnh thành mà mình sẽ đến.
Ngày 4-4-2015, cả hai bắt đầu khởi hành từ TP Hà Nội. Hành trang lên đường của hai chàng trai trẻ chỉ có chiếc balô đựng đồ dùng cá nhân, máy quay phim, chụp ảnh, lá cờ cầu vồng tượng trưng sự đa dạng cùng tâm nguyện “chuyến đi này chỉ đi để nghe thôi”.
Gắn bó với việc vận động chính sách cho cộng đồng LGBT trong thời gian dài, Huy không xa lạ gì chuyện những bạn đồng tính bị bố mẹ xích chân vào cầu thang, nhốt trong phòng kín hay đưa đi bệnh viện để chữa trị tâm thần.
Những bạn trẻ là người chuyển giới thì tiêm hormone, uống thuốc vô tội vạ để mong cơ thể sớm trở thành giới tính như mình mong muốn, dù biết rõ tác dụng xấu của thuốc mang lại.
Bạn bè của Nam, có người đồng tính đã buộc mình phải lấy vợ cho giống với những người dị tính khác. Họ thường chọn những cô gái ở vùng biên giới xa xôi hay ở các vùng quê nghèo. Cô gái ấy thường ít hiểu biết, thua xa họ cả về trình độ lẫn ngoại hình.
Bạn bè, gia đình đều không hiểu sao họ lại chọn vợ như thế. Chỉ người trong cuộc mới hiểu họ lấy vợ là bức bình phong để che giấu giới tính thật của mình.
“Họ có đáng trách không? Họ đáng trách, nhưng ngẫm cho cùng tại sao họ phải làm thế để rồi sống trong dằn vặt, đau khổ? Tất cả chỉ vì xã hội vẫn kỳ thị, vẫn định kiến khiến mọi người nghĩ đồng tính là xấu xa, là dị hợm khiến họ không dám sống thật với chính mình” – Nam nói.
Những câu chuyện ấy không còn xa lạ với Nam và Huy, nhưng nó được nhắc lại ở mỗi địa phương, ở mỗi người LGBT mà Huy và Nam đã gặp. Đến mỗi tỉnh, cả hai gặp các kết nối viên và ở cùng họ trong 1 – 2 ngày để nghe câu chuyện của họ về bản thân, gia đình, về tình yêu hay về cộng đồng LGBT.
Có địa phương tổ chức buổi offline chia sẻ kiến thức hoặc các vấn đề pháp lý. “Có lúc mệt mỏi vì những vụn vặt dọc đường, nhưng mỗi lần được biết những câu chuyện sâu sắc chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục đi” – Nam kể.
Hai tháng lên đường, Nam và Huy có thêm hàng chục người bạn mới, khoảng 500 người đã tham gia offline, hàng trăm câu chuyện đã được chia sẻ. Và quan trọng nhất, những bàn tay đã nắm chặt lấy nhau.
Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng LGBT đã có thêm niềm tin rằng họ không đơn độc, rằng ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này bất cứ ai cũng xứng đáng được yêu thương mà không bị phân biệt xu hướng tính dục…
Sau chuyến đi đầy ắp tư liệu, cả Huy và Nam đều có nhiều dự tính: xuất bản cuốn sách ảnh vào cuối năm, sản xuất một bộ phim tài liệu để thay đổi thái độ của mọi người về cộng đồng LGBT.
“Sống trong đời sống cần nhất một tấm lòng. Tôi mong rằng những tháng năm trên đời của mình sẽ gắn liền với những giá trị nhân văn và sự tử tế” – Nam bảo vậy.
Theo Tuổi Trẻ