Thủ đô Hà Nội là điểm đến thứ tư trong Hành trình vì Khát vọng Việt 2013 với chủ đề “Sáng tạo tương lai”. Sau đợt khởi động sôi nổi tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ, 26/10/2013), Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột, 1/11/2013), khu vực miền Trung (Đà Nẵng 6/11/2013) thì ngày hôm nay (10/11), các bạn sinh viên đại diện cho khu vực miền Bắc háo hức chờ đến giây phút được bùng nổ và tỏa sáng.
Trong chặng thứ tư này, 6 trường ĐH gồm: ĐH Công nghệ (ĐH Quốc Gia), ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia), Khoa Quốc tế (ĐH Quốc Gia), ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Thương mại mang đến cuộc thi những ý tưởng sáng tạo để tranh tài trở thành đội đại diện cho khu vực miền Bắc có mặt trong đêm chung kết diễn ra vào ngày 21 – 22/11 tới đây.
Càng tiến sát tới ngày chung kết, không khí cuộc thi càng trở nên sôi nổi và căng thẳng hơn bao giờ hết. Có mặt từ rất sớm, các bạn sinh viên trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội với “màu cờ sắc áo” nổi bật so với các đội còn lại đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho ban giám khảo cũng như toàn thể sinh viên các trường ĐH có mặt trong hội trường của trường ĐH Thương mại. Với khẩu hiệu “Sinh viên Nông nghiệp – Dám lập nghiệp – Dám thành công”, đội chơi đến từ trường ĐH Nông nghiệp thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chiến thắng của mình.
Đây cũng chính là đội chơi thể hiện phần dự thi đầu tiên, khi mang đến đề án thành lập công ty cung ứng và phân phối ngọn su su Tam Đảo. Với ý tưởng nâng tầm thương hiệu của nông sản Việt, các bạn sinh viên của đội trường ĐH Nông nghiệp để lại ấn tượng sâu sắc với ban giám khảo cũng như khán giả.
“Từ những nguồn tin không chính xác như ngọn su su Tam Đảo sử dụng chất kích thích, hay việc thương hiệu su su Tam Đảo giả mạo đánh lừa người tiêu dùng xuất hiện tràn làn được đội chúng tôi lấy đó làm ý tưởng để thực hiện đề án của của mình”, một thành viên của đội trường ĐH Nông nghiệp chia sẻ.
Nói về những khó khăn trong khi thực hiện dự án, một thành viên của đội trường ĐH Nông nghiệp cho biết: “Bằng một chuyến đi thực tế đến huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc, đội chúng tôi xuất phát từ trường ĐH Nông nghiệp từ 3 giờ chiều lên đến dốc đèo của Tam Đào là 8 giờ tối thì một xe trong đoàn bị chết máy do hết xăng. Lúc đó hai bên đều là vực, trời rất tối và rất sợ, tuy nhiên đội chúng tôi vẫn quyết tâm đi tới đích khi cử một nhóm xuống chân đèo mua xăng để cả đoàn có thể tiếp tục hành trình. Khó khăn không ngăn bước chân của đội chúng tôi, mà nó chính là ngọn lửa tôi luyện sự thành công của đội”.
Đáp lại những khó khăn mà các thành viên của đội trường ĐH Nông nghiệp trải qua, chính những hình ảnh thực thế được đội ghi lại tại Tam Đảo đã thu hút các bạn sinh viên, đồng thời là một phần tạo nên sự thuyết phục trong đề án với ban giám khảo.
Gặp khá nhiều áp lực trong phần đề bài mà ban giám khảo đưa ra, đội chơi đến từ trường ĐH Ngoại thương cho biết thời gian chính là một trong những khó khăn mà các thành viên của đội gặp phải: “Ý tưởng để thực hiện đề án đội chơi chúng tôi có từ khá lâu. Đây chính là cơ hội để chúng tôi thể hiện và thực sự bắt tay vào triển khai dự án.
Hướng đến những loại hình du lịch khác biệt cho du khách trong nước cũng như khách nước ngoài bằng những loại hình du lịch đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng chưa được chú trọng và đi sâu, đó là du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian một tuần, chúng tôi không thể làm hoàn hảo được khối lượng công việc khổng lồ như khảo sát, thống nhất kế hoạch, đi sâu vào các vấn đề trọng tâm. Nếu có cơ hội, tôi tin rằng đội chơi trường ĐH Ngoại thương chắc chắn sẽ làm tốt hơn rất nhiều”, một thành viên của đội ĐH Ngoại thương chia sẻ.
Đặt mình vào vị trí một người đi du lịch, đội chơi đến từ Khoa Quốc tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) muốn tạo ra một sản phẩm ứng dụng trên điện thoại di động. “Điểm đặc biệt là sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ 3D tạo nên một bản đồ 3D và định vị vị trí bằng hình ảnh tại chính nơi bạn đang đứng”. Với việc kết hợp công nghệ và du lịch, các thành viên của Khoa Quốc tế muốn hướng đến những người khách du lịch, hay chính những người sống tại Hà Nội nhưng không thông thạo đường phố Hà Nội.
Tự nhận mình có nhiều điểm yếu hơn điểm mạnh, bởi Khoa Quốc tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) không đào tạo sâu vào ba lĩnh vực như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên của Khoa Quốc tế đã biết biến nó thành lợi thế. “Bởi khi các thành viên đội bạn có kiến thức sâu về một ngành nào đó, họ sẽ bị dập khuôn. Trong khi chúng tôi được toàn quyền tưởng tượng ý tưởng và có kiến thức về kinh tế, nên mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
“Một thầy trong khoa đã mang ý tưởng của chúng tôi tới một công ty thành lập phần mềm ở Việt Nam và nhận được câu trả lời là ý tưởng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực được”, một thành viên của Khoa Quốc tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) bật mí.
Đánh giá về ý tưởng và dự án của 6 đội chơi đến từ các trường ĐH khu vực miền bắc, cô Tôn Nữ Thị Ninh – Phó Chủ tịch Ủy Ban Hòa Bình Việt Nam cho biết: “Mỗi đội có thế mạnh và nét đặc thù rất riêng. Như ý tưởng đi lên vùng Tây Bắc của các bạn sinh viên trường ĐH Thương Mại là một ý tưởng hay nhưng không dễ.
Tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại trong phần thi chất vấn. Bởi nó rất dễ bị lấn sân với các chương trình của tổ chức phi chính phủ và làm từ thiện. Tuy nhiên, các thành viên của đội chơi không hiểu hết ý câu hỏi tôi đưa ra. Nhưng tôi thấy rất rõ cái mong muốn hướng đến cộng đồng thiệt thòi đối với những sinh viên, nhất là những sinh viên đang học về thương mại, về kinh tế thì đúng xu thế của thế giới ngày nay. Đó là điều rất đáng mừng”.
“Một đội khác tôi rất khen về mặt giới thiệu bản đồ du lịch, nghe có vẻ hấp dẫn nhưng càng hỏi thì càng bộc lộ những điểm yếu, và hầu như không khả thi. Như vậy, nếu chỉ có ý tưởng thì mới mang tính chất manh nha chứ chưa đi vào cụ thể”, cô Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra nhận xét dành cho đội của Khoa Quốc tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội).
Nhận xét cá nhân về đội chơi ấn tượng nhất, cô Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định: “Tôi ấn tượng nhất với đoàn của ĐH Nông nghiệp. Nhất là khi họ trả lời chất vấn, đặc biệt nhất là trả lời về giải pháp tình huống. Mặc dù hai đội chơi còn lại, như đội chơi của ĐH Thương Mại là khá, nhưng tôi rất thuyết phục với câu trả lời của đội ĐH Nông nghiệp”.
“Chương trình vì Khát vọng Việt như một bước đệm, một cơ hội, một sân chơi cho sinh viên. Nó không thể đổi đời từng bạn sinh viên ngồi trong hội trường, nhưng các bạn sinh viên phải ra khỏi học đường để trải nghiệm, hay chính là thoát khỏi lý thuyết suông. Cho nên sân chơi này nó giúp cho tất cả kiến thức các bạn có được vận dụng vào dự án thực tế. Đây là sân chơi để các bạn có cơ hội thử sức. Đó là cơ hội để tự đánh giá mình. Tôi có nói “Đừng buồn nếu không thắng trong mọi cuộc chơi và cuộc đua. Không thắng là chuyện bình thường, rút ra được cái gì mới là quan trọng”, cô Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.
Kết thúc vòng thi thứ nhất, dự án của ba đội chơi đến từ trường ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội), ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội đã thuyết phục ban giám khảo và lọt vào vòng bán kết. Tuy nhiên, sau phần thi đấu quyết liệt của ba đội chơi, thì tấm vé duy nhất đại diện cho khu vực miền Bắc tham dự vòng chung kết đã thuộc về các bạn sinh viên trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội./.
Theo giaoduc.net.vn