Sau ngày chiến thắng lịch sử, đất nước ta đã trải qua bốn thập niên hòa bình và thống nhất. Bằng tất cả những nỗ lực đáng trân trọng của cả nước, diện mạo mới của tổ quốc cũng như cuộc sống của toàn dân nâng cao rõ rệt. Việt Nam đã đạt được những thành tựu không thể chối bỏ được ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế quốc dân cũng như trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan là nước ta chưa phải là một quốc gia giàu mạnh, chưa có một nền công nghiệp hiện đại theo như một số tiêu chuẩn của thế giới. Trở thành một cường quốc xứng danh trên bản đồ thế giới là khát vọng Việt và cũng là thử thách to lớn của tất cả chúng ta.
Tôi nghĩ, vượt qua thử thách này trong môt tương lai gần nhất không phải là suy nghĩ của một số ít người mà là trăn trở của tất cả người dân Việt, nhất là thanh niên. Chúng ta cần một lực lượng đông đảo, chủ lực tiếp cận được kiến thức khoa học, kinh tế và quản trị hiện đại, đầy nhiệt huyết yêu nước để bắt tay nhau và cổ động mọi người trên cả nước chung một lòng nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại này, đạt cho bằng được khát vọng của toàn dân Việt.
Một câu tiếng Anh thường được nghe nói “BEGIN BY THE END”, có nghĩa là hãy bắt đầu bằng cái cuối cùng. Như vậy cái cuối cùng là mục đích, là cứu cánh, và từ cái cuối cùng chúng ta muốn đạt được thì sẽ phải thiết lập những phương tiện, những cách thức,… để đạt cho được mục đích đã đề ra. Câu hỏi đầu tiên phải là những chữ WHAT, tức là những gì chúng ta phải làm để đi đến cái cuối cùng mong muốn. Từ những cái WHAT đó sẽ trả lời tiếp cách nào (HOW) để làm được những cái WHAT đó; những ai sẽ thực hiện (WHO) và ở những nơi nào (WHERE); sau cùng là bắt đầu khi nào và kết thúc vào lúc nào (WHEN). Nhưng chúng ta cũng cần thống nhất với nhau là không có cái cuối cùng cũng như cứu cánh vĩnh viễn, mà là một chuỗi liên tiếp giữa phương tiện và cứu cánh. Cái cuối cùng trong giai đoạn trước sẽ là bắt đầu của giai đoạn sau và tiếp diễn không ngừng. Tiện đây cũng xin dẫn một ví dụ ta rất thường gặp ở đời. Lúc này đang là mùa cưới trong năm, chắc hẳn chúng ta sẽ có dịp tham dự nhiều đám cưới của người thân và bạn bè. Không đám cưới nào không có chữ trăm năm hạnh phúc. Đó là mục đích cuối cùng mà hai người bạn đời nhắm tới. Nhưng phần lớn các cặp hôn nhân trẻ lại không lập chương trình hành động ngay từ đầu để đi đến cái đích cuối cùng này và nhiều khi lại bỏ quên nó đi để rồi dẫn đến dang dở và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Như vậy việc chọn lựa cái cuối cùng để bắt đầu hành động cho đến khi đạt đích không hề dễ dàng. Việc chọn lựa này cần dựa vào tầm nhìn, dám nghĩ lớn, quyết tâm, kiên trì và tiềm lực sẵn có để có thể đủ sức đạt đích hay không. Nếu không thì cần chia ra nhiều giai đoạn; chuẩn bị kỹ lưỡng những phương tiện thực thi; kiên trì theo hướng đi đã định, xem những thất bại trên đường là thử thách chứ không bỏ cuộc. Trong trường hợp chia ra nhiều giai đoạn thì khi đạt được cứu cánh đó sẽ là phương tiện để bắt đầu cho mục đích của giai đoạn tiếp theo.
Chương trình “Vì Khát vọng Việt” đang do Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam và Tập đoàn Trung Nguyên cùng phối hợp tổ chức không phải chỉ là khẩu hiệu mà chính là “THE END” muốn chúng ta cần bắt đầu lập ngay chương trình hành động cho cái đích đến đó. Cứu cánh là nước Việt ta thật sự trở thành một quốc gia giàu mạnh và xứng danh trên bản đồ thế giới.
Và chủ đề “Khởi Nghiệp – Kiến quốc” được triển khai để khơi dậy lòng nhiệt huyết của chúng ta, cũng như thanh niên Việt cùng chung tay đóng góp trí tuệ, thể hiện tài năng, sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu giai đoạn này, giai đoạn đầu trong chuỗi các giai đoạn thực hiện cho bằng được “Khát vọng Việt”. “Hành trình những cuốn sách đổi đời” do Chủ Tịch Vũ, người đứng đầu Tập đoàn Trung Nguyên gợi ý là các bước hành động, những phương tiện cụ thể cần có.
Khởi đầu cho một công cuộc nào cũng cần có sự chuẫn bị kỹ lưỡng về tiềm lực đủ sức thực hiện những gì cần thiết cho việc đạt mục đích, chọn lọc những phương sách tốt nhất, con người đầy đủ tài năng để bắt đầu và đạt đích trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra sự chuẩn bị cũng cần tính linh hoạt để đáp theo từng tình huống. Sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì hiệu quả đạt càng cao. Không phải ngẫu nhiên mà ngay thiên đầu tiên của Binh pháp Tôn Tử có tên là “Kế Sách”, ghi rằng: “phàm trước khi khai chiến đoán được thắng là do tính toán đầy đủ, mà đoán không thắng là do tính toán không chu đáo. Tính nhiều hơn tính ít, huống hồ không tính gì! Quan sát các mặt đó, ai thắng ai bại cũng đoán trước được” Còn nhà bác học Pasteur thì cho rằng “Sự may mắn chỉ đến với những ai chuẩn bị sẵn sàng”.
Như vậy, khởi đầu với quyển sách “Khuyến Học” cho gợi ý về sự chuẩn bị đầu tiên chính là tri thức, và mục đích thực sự của học vấn. Mục đích tri thức không phải cái học từ chương, thuộc làu làu hàng kho sách kinh điển nhưng không ứng dụng được trong cuộc sống. Như Khổng tử đã từng nói: “Đọc ba trăm thiên Kinh Thi, giao cho việc chính trị mà không làm nên, sai đi sứ bốn phương mà không biết ứng phó, như vậy đọc nhiều để làm gi?”. Học vấn sẽ mở rộng cho ta khoảng không gian bao la của thế giới, để thấy ta đang thừa hưởng di sản to lớn của tiền nhân ta cũng như của nhân loại tích tụ qua rất nhiều thế hệ bằng lao động cần mẫn và sáng tạo. Từ đó để thấy học là để chính bản thân mỗi chúng ta phải tự trau dồi về đạo đức, kiến thức, tài năng. Phải có tri thức và các kỹ năng cần thiết để có thể đủ sức dấn thân cho các mục tiêu làm cuộc sống cộng đồng và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ không thể đạt được bất kỳ hoài bảo nào với môt đức hạnh, tri thức và tài năng kém cỏi. Tri thức càng cao thì sự chọn lọc càng tinh tế, sắp đặt kế hoạch càng chu đáo, chuẩn bị các phương án càng kỹ lưỡng. Quan trọng hơn hết học vấn càng sâu rộng càng dễ dàng hiểu và đánh giá được thế nào là khát vọng lớn của những bậc hiền tài và vĩ nhân. Học vấn không chỉ cung cấp cho ta tri thức, gọi là sự hiểu biết mà ta còn cần phải đạt được ở mức trí thức. Trong hán tự chữ TRI chỉ mới là biết, không có chữ khẩu (miệng) đứng kế bên. Còn chữ TRÍ có kèm chữ khẩu nghĩa là phải đem hiểu biết của mình truyền đạt cho người khác hiểu, biết cách diễn thuyết và tranh luận để kiến thức ngày càng “cao lên, cao hơn lên và cao lên mãi..” như lý tưởng của Louis Pasteur. Học mà chỉ để mình biết mà không biết cách nói cho mọi người cùng biết thì chỉ là cái học vô bổ. Trí thức là sự dấn thân vào tiến bộ của xã hội bằng động thái tích cực trong mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân cũng như giữa cá nhân và xã hội, như tư tưởng vị tha của Khổng Tử: “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, có nghĩa là “cái gì mình muốn làm cho chính mình thì cũng làm cho người khác, cái gì mình muốn thành công thì cũng làm cho người khác thành công”. Có khác gì với thuyết win-win của phương Tây ngày nay?
Từ ngày đầu tiên vào lớp một cho đến khi rời mái trường đại học, mỗi chúng ta hàng ngày luôn tiếp cận với cái mới trong từng buổi học. Bài học ngày hôm nay khác, mới, mở rộng và đào sâu hơn bài học hôm trước . Việc này tiếp diễn liên tục trong suốt quá trình học tập. Rất tiếc, bây giờ khá nhiều người trong chúng ta thường quên đi tập quán đáng quí này; ngại tiếp xúc và nhìn nhận cái mới và không tự đổi mới. Học mà không làm mới được cái cũ và tạo ra được cái mới thì phỏng ích gì? Cứ nhìn vào sự sống của vạn vật chúng ta sẽ thấy rất bình thường là “học cũng như ăn và tiêu hóa” rồi sản sinh ra một cái mới, khác với chất liệu đầu vào. Kiến thứ sau khi tiếp nhận thì phải tạo ra cái tri thức mới của mình để rồi thực hành được nó. Tri và hành phải là hai phần không thể trách rời.
Và để kiến thức càng ngày càng phong phú, càng sâu rộng không gì hơn là ta phải tự học. Cái học trong nhà trường chỉ là nền tảng và chuyên môn sâu cho từng lĩnh vực, sẽ không bao giờ đủ để ứng phó với muôn vàn tình huống biến động liên tục trong đời sống. Cần phải tự học thường xuyên để mở rộng tầm hiểu biết bổ trợ cho chuyên môn sâu sẵn có và để thấy những cái mới luôn xuất hiện trên thế giới này. Nhất là trong thời đại văn minh thông tin như hiện nay, với thời gian ngắn hơn trước đây rất nhiều, tự học và tự nghiên cứu sẽ giúp chúng ta tiếp thu nhanh nhiều tiến bộ mới về khoa học quản trị, khoa học kỹ thuật, khoa học nhân văn,… ở khắp năm châu. Đó cũng góp phần củng cố bệ phóng để chúng ta cất cánh trên con đường khởi nghiệp – kiến quốc. Một nhà giáo đã từng nói: ”Kết quả tôi hài lòng nhất sau khi cầm tấm bằng đại học là chứng nhận bắt đầu từ đó tôi có thể tự học được”.
Ngoài ra, theo tôi, để đạt được khát vọng nước Việt ta trở thành một quốc gia giàu mạnh và xứng danh trên bản đồ thế giới không gì có thể khác hơn là nước ta phải trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Chúng ta đều thấy trên thế giới ngày nay, không doanh nghiệp nào, không quốc gia nào có thể trở nên giàu có và hùng mạnh mà không nhờ vào trí thức công nghệ. Phát triển và ứng dụng được công nghệ cao vượt bậc là yếu tố quyết định để doanh nghiệp và quốc gia bước lên những vị trí dẫn đầu. Để làm được điều này, trước mắt cần phải mạnh dạn tập trung đầu tư phát triển khoa học cơ bản. Một nền khoa học cơ bản nước nhà đạt trình độ cao là tiềm lực to lớn để tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần cùng chung tay nỗ lực góp sức để gây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học, các sinh viên nghiên cứu ưu tú, kiên trì, quyết tâm học tập, sáng tạo để Việt Nam có một nền khoa học cơ bản xứng tầm thế giới.
Tiếp theo, quyển sách “Nghĩ Giàu Làm Giàu” gợi ý các nguyên tắc thực thi để trở nên giàu có. Ngay từ chương đầu tiên tác giả đã đề cập đến khát vọng làm giàu. Phải có khát vọng thì mới phát sinh hành động cho khát vọng đó. Khát vọng đó lớn hay nhỏ, xa hay gần là do tầm nhìn của mỗi cá nhân. Tầm nhìn của mỗi cá nhân tùy mức độ trí thức, mức độ dấn thân vào từng qui mô cộng đồng hoặc xã hội. Theo tôi, nghĩ giàu làm giàu ở đây không hẳn chỉ thiên về kiếm thật nhiều tiền mà còn là làm giàu cái kỹ năng sẵn có, mở rộng tri thức của mỗi cá nhân, đem trí thức làm giàu nền kinh tế nước nhà; khi đó tiền sẽ tự nhiên đến với mình. Một tay thợ lành nghề luôn trau dồi nghề nghiệp ngày càng tinh xảo, đóng góp nhiều sản phẩm tốt cho xã hội thì tự nhiên sẽ có nhiều khách hàng và thu được nhiều tiền. Ta cũng có thể thấy nhiều ví dụ tương tự. Những nguyên tắc tiếp theo cũng là những điều kiện chuẩn bị, những phương tiện để đạt được mong muốn làm giàu.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm giàu để làm gì? Đương nhiên không thể phủ nhận một điều thực tế làm giàu để cuộc sống của mình và gia đình được đầy đủ, tiện nghi hơn; con cái học hành tốt hơn; có nhiều điều kiện giúp đỡ người thân hơn,…Nói chung, từng cá nhân, từng gia đình trong cộng động xã hội đều biết cách khởi nghiệp làm giàu thì cộng đồng xã hội đó sẽ trở nên sung túc. Nhưng sẽ có nhiều ý nghĩa hơn khi các công cuộc làm giàu của từng cá nhân, từng gia đình, từng doanh nghiệp đều đồng lòng góp phần vào việc kiến thiết đất nước. Những thương hiệu mạnh của doanh nghiệp sẽ là những thương hiệu đại diện cho quốc gia. Chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ngoài uy tín riêng còn là uy tín của đất nước. Đầu tư khoa học công nghệ là để phát triển đất nước chứ không vì lợi nhuận cao mà đầu tư ở nước ngoài. Tài năng được đào tạo chuyên môn cao ở nước ngoài thì về nước để làm giàu cho bản thân và cho cả quê hương,… Đó cũng là những gợi mở từ quyển “Quốc Gia Khởi Nghiệp”.
Trên đây là những cảm nghĩ riêng mong muốn được chia sẻ, và cũng rất kỳ vọng chúng ta, nhất là các bạn trẻ sẽ là những người vinh danh cho đất nước Việt bằng tinh thần luôn đổi mới tiến bộ hơn. Hãy cùng nhau cố gắng duy trì tập quán tiếp cận và học hỏi cái mới hằng ngày như trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này ngày xưa cũng đã từng được vua Thành Thang khắc lên bồn tắm: “Cầu nhật tân, hựu nhật tân, nhật nhật tân”, nghĩa là “mỗi ngày một mới, ngày càng mới mãi,…”. Nói cho cùng, nếu thật sự có một thế giới khác ngoài thế giới này thì chắc chắn ta sẽ gặp những điều mới không thể tưởng tượng nỗi. Vậy tại sao không chuẩn bị từ bây giờ?.
Vi Tuấn Đại – Tp HCM