Trần Thanh Dương là Bí thư đoàn trường Cao đẳng Nghề Daklak, người “thủ lĩnh” đầu tiên mà chúng tôi gặp trong Hành trình Vì khát Vọng Việt tại khu vực Tây Nguyên. Khuôn mặt thư sinh, ánh mắt thông minh và giọng nói đầy nhiệt huyết đã cuốn chúng tôi vào với câu chuyện của Dương và các bạn trong đội tham dự Hành trình lần này.
“Đây là lần đầu tiên trường được tham gia một cuộc thi lớn như thế này. Cá nhân mình cũng như các bạn trong đội cảm thấy rất hào hứng và vui sướng” – đó là câu đầu tiên mà Dương nói khi nhắc đến Hành trình để rồi xuyên suốt câu chuyện gần 1 tiếng sau đó, bạn đã nhắc về điều đó với sự phấn khích không giấu giếm.
Kể từ khi nhận được đề bài, các bạn đã chọn ra những sinh viên xuất sắc nhất của các Chi đoàn, rồi để chính các bạn nêu ra ý tưởng của mình, các bạn tranh luận, phản biện lại nhau và trước ngày diễn ra cuộc thi 2 ngày, các bạn đã có được 5 người ưu tú nhất trong số những bạn được chọn.
Cả đội tập trung ở nhà Dương, ăn cùng nhau, ở cùng nhau, làm việc cùng nhau, một ngày chỉ ngủ 2 tiếng, thức đến 2 giờ sáng rồi 4 giờ sáng lại dậy bắt tay vào việc, để mong có được một kết quả tốt nhất cho đội của mình. Còn Dương, đóng vai trò một thủ lĩnh, một cố vấn, một người thầy, người bạn và như một “anh nuôi”, thậm chí là “bảo mẫu” của cả đội trong thời gian này.
Là một sinh viên cũ của trường, sau khi hoàn thành chương trình học của mình tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh, Dương đã quay lại trường để theo đuổi đam mê đứng trên bục giảng – bạn còn gọi đó là “nghiệp” của mình. Ước mơ, khao khát truyền đạt, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, các kỹ năng mà bạn đã có được trong suốt những năm tháng sinh viên, sau khi ra trường lúc nào cũng tràn trề trong suy nghĩ của người thanh niên trẻ này.
Nói về cuốn sách Quốc gia Khởi nghiệp, về những dự tính của mình trong thời gian tới nhằm đưa cuốn sách đến với các sinh viên của mình nhiều hơn nữa, Dương chia sẻ: Đọc cuốn sách này, tôi hiểu thêm về thế nào là làm giàu cho bản thân, cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, và cao hơn cả là cho đất nước mình. Tôi nhớ 6 nguyên tắc cơ bản để làm giàu, tôi liên hệ đến kiến thức mình và các bạn sinh viên đang học; áp dụng cho những gì mình sắp làm và dùng điều đó để rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân.
Dương dùng từ “thức tỉnh” để nói về cảm giác của mình sau khi gấp cuốn sách lại. Và Dương cũng nhắc đến mong muốn có thêm thật nhiều sách để sinh viên của bạn có cơ hội mở rộng, nâng hiểu biết lên một tầm cao hơn.
Nhắc đến cuộc thi, Dương có nói: sinh viên Cao đẳng không có được nhiều lợi thế như các sinh viên Đại học, nhưng các bạn sẽ coi đây là một cơ hội để thể hiện bản thân, để cọ xát với các đội bạn. Từ đó để hiểu về năng lực thực sự, khả năng sáng tạo của mình, giúp các bạn có thêm một cách nhìn mới trong định hướng nghề nghiệp của chính các bạn.
Một điều khá bất ngờ là các bạn trong đội trường Cao đẳng nghề Daklak mà Dương đang theo sát đều rất “ngấm” và trùng quan điểm với Thầy sau khi đọc 2 cuốn sách đổi đời là “Nghĩ Giàu Làm Giàu” và “Quốc Gia Khởi Nghiệp” mà chương trình gửi tặng.
“Sách Quốc Gia Khởi Nghiệp đã thay đổi suy nghĩ nhỏ bé của đội chúng tôi”, Xuân Chiến – đội trưởng đội đến từ trường Cao đẳng nghề DakLak – cựu sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm DakLak chia sẻ: “Cá nhân tôi trước khi đọc cuốn sách này vẫn muốn giữ khư khư ý tưởng khởi nghiệp cho riêng mình, nhưng thông qua chương trình và thời gian làm việc cùng đội cũng như sau khi đọc cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp, tôi thấy thật tốt khi có những người bạn cùng xây dựng và hoàn thiện ý tưởng đó, khi có những anh chị đi trước đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm để triển khai nó, và sẽ là một dự án tuyệt vời mang tầm cỡ quốc tế nếu có sự đầu tư, hỗ trợ tận tâm từ nhiều nguồn lực khác. Không chỉ tôi mà cả đội đều thêm vững tin cùng thông điệp “Người khác làm được thì ta làm được, nước khác làm được thì Việt Nam làm được và làm tốt hơn”.
Trước đây, có thể tôi đã nghĩ chưa thông, chưa đúng nên chưa thực hiện được ý tưởng mà mình ấp ủ, thì giờ tôi phải thay đổi suy nghĩ, đã đến lúc tôi cần bắt đầu hành động khác đi, tư duy khác đi. Giá như tôi được đọc những cuốn sách sớm hơn, vì vậy mong rằng chương trình tặng sách có thể đến sớm hơn với các bạn trẻ, ngay từ khi còn học cấp 2″.
Chiến cũng chia sẻ thêm về động lực thôi thúc trong cậu chính là từ quê hương mình, gần hơn là vì chính cuộc sống của gia đình cậu và sau đó là của những người dân làm nông nghiệp.
Gia đình tôi ở Madrak, quanh năm sống bằng nghề trồng cà phê chè và cà phê gối, tuy nhiên cố gắng bao nhiêu thì trúng mùa nhất cũng chỉ lên đến 3 tấn nhân mà thôi, không thể hơn và cũng không thể ổn định được. Là một kỹ sư điện, nhưng không lúc nào trong tôi không thôi thúc khát vọng xây dựng một dự án giúp được cho cuộc sống của quê tôi, hay nói chính ra là bắt đầu từ ngay cá nhân tôi trước đã. Đó không chỉ là mong ước của tôi mà cũng là mong ước của các bạn sinh viên ở đây, đặc biệt là đội của tôi.
Chúng tôi vô cùng vui mừng khi có thể cùng nhau triển khai ý tưởng hiện thực giấc mơ ấy. Giờ thì mất ăn, mất ngủ cách mấy cũng chẳng là vấn đề gì với những kỹ thuật viên đang hừng hực lửa như chúng tôi. Cả đội chỉ mong mau chóng được tham gia sự kiện đáng nhớ vào ngày 1/11 này”, Chiến hào hứng.
Trên cả chặng đường ra về, PV cứ nghĩ mãi đến những điều Thầy Dương và Chiến nói khi chia tay: Ai cũng có khao khát trở nên giàu có, nhưng không ai phải cũng đủ tự tin, đủ kiến thức và sự hiểu biết để trở thành người giàu về tiền bạc, của cải. Nhưng, việc khơi gợi ước mơ bằng những cuốn sách và động lực mạnh mẽ sẽ giúp cho những giấc mơ, những ý tưởng, dự định của sinh viên trở thành sự thật, đặc biệt là sau chương trình này. Đó cũng là điều mà các bạn muốn ở phía Ban Tổ chức, ở phía các doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình. Điều đó sẽ giúp các bạn có niềm tin vào chính bản thân mình.
Sau bước khởi động sôi nổi vào ngày 26/10/2013 tại khu vực Cần Thơ với trên 3000 sinh viên tham gia và hưởng ứng, Hành trình vì Khát vọng Việt tiếp tục đến với các bạn thanh niên tại khu vực Tây Nguyên vào 1/11/2013, diễn ra tại Đại học Tây Nguyên với sự tham gia của 6 trường đại học, cao đẳng được chọn trong khu vực: Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm DakLak, Cao đẳng Nghề Daklak, Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, và Cao đẳng văn hóa – nghệ thuật Daklak. Đâu sẽ là đội đại diện khu vực Tây Nguyên để bước tiếp vào chung kết?
(theo giaoduc.net.vn)